Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Khai thác di sản phải quan tâm đến cái gốc”

Việt NamViệt Nam13/04/2025


Trong cuộc trò chuyện với Hànộimới Cuối tuần, ông chia sẻ những trải nghiệm, trăn trở và kỳ vọng trong hành trình gìn giữ và lan tỏa văn hóa diễn xướng dân gian - một kho tàng tinh hoa cần được tiếp cận theo những cách thức riêng, sâu sắc và bền vững.

du-3.jpg
Du khách thích thú với du lịch trải nghiệm kết hợp diễn xướng dân gian múa Bài bông tại thôn Phú Nhiêu, xã Quang Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ảnh: Lan Hương

- Thưa đạo diễn Đường Minh Giang, ông là người có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật truyền thống và đã có nhiều tác phẩm giới thiệu những “viên ngọc” của nghệ thuật dân gian. Điều gì đã đưa ông đến với hành trình này?

o-giao.jpg
Đạo diễn Đường Minh Giang.

- Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, từ nhỏ tôi đã yêu nghệ thuật truyền thống. Tôi bắt đầu làm phim tài liệu về nghệ thuật dân gian của Hà Nội từ năm 1994. Lúc ấy, nhiều loại hình diễn xướng mới bắt đầu được phục hồi sau một thời gian dài bị lãng quên, do chiến tranh, do khó khăn về kinh tế... Những nghệ nhân tôi từng tiếp xúc, làm phim lúc đó, giờ nhiều người đã mất, hoặc không còn minh mẫn. Điều đó khiến tôi càng thấy mình có trách nhiệm lưu giữ những gì họ truyền lại.

Tôi tiếp cận văn hóa dân gian với góc nhìn của một đạo diễn phim truyện tài liệu kết hợp với nghiên cứu văn hóa để thấy được sâu hơn dòng chảy lịch sử ở mỗi một loại hình di sản. Mỗi hình thức diễn xướng đều có một lịch sử riêng mà nếu hiểu được, ta mới thấy hết cái hay, cái đẹp, giá trị quý giá về tính di sản của nó. Chẳng hạn múa Bài bông hay hò Cửa đình, nghi lễ múa hát mang dáng dấp cung đình này vì sao lại có ở Phú Nhiêu? Nhiều tư liệu cho thấy, năm xưa, sau khi đánh trận Ngọc Hồi - Đống Đa, một số những người phục vụ từng đi theo nhà vua Quang Trung đã ở lại vùng ven đô Phú Nhiêu để lập nghiệp. Họ mang theo điệu múa cổ ấy và truyền dạy cho con cháu ở đây, biểu diễn trong các dịp hội làng. Rồi các nghệ thuật hát múa dân gian khác như hát Dô, hát Chèo tàu…, mỗi di sản đều có những câu chuyện lịch sử rất riêng gắn với cái nôi đã phát tích, nuôi dưỡng nó. Tìm hiểu nghệ thuật diễn xướng dân gian phải hiểu được cả những yếu tố đó mới đầy đủ, hấp dẫn.

- Để phát huy hơn nữa giá trị của các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian trong đời sống hôm nay, nhiều người đã nghĩ tới việc kết hợp, đưa nó vào các tour du lịch. Ông nghĩ sao về hướng đi này?

- Tôi cho rằng đó là một hướng đi rất đúng. Khi người dân và du khách được trực tiếp trải nghiệm, được "mục sở thị" tại không gian gốc, thì giá trị văn hóa không còn nằm trên giấy, mà thực sự đi vào đời sống.

Nhưng điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh khi chúng ta khai thác nghệ thuật diễn xướng nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung, đó là phải thay đổi cách nhìn, cách làm. Nếu làm theo kiểu “chạy theo tour”, cưỡi ngựa xem hoa, hời hợt, là chúng ta “giết chết di sản”. Trong bộ phim tài liệu “Hò Cửa đình và hát múa Bài bông”, tôi không chỉ ghi lại nghệ thuật trình diễn, nỗi niềm của các nghệ nhân… mà còn làm rõ không gian sống của di sản ấy - từ kiến trúc ngôi đình có phong thủy đặc biệt, đến đời sống văn hóa làng xã xung quanh… Tất cả hòa quyện như một quần thể sống động, kết nối giữa văn hóa vật thể và phi vật thể.

Chia sẻ điều đó để thấy rằng, quan trọng là cách tổ chức phải chu đáo, có chiều sâu - phải có người hiểu biết dẫn chuyện, giải mã không gian văn hóa. Người xem không chỉ được xem mà còn được sống trong không khí làng quê - được thăm thú từ làng cổ, giếng cổ, hòa mình vào phong tục, ngắm nhìn các cụ ra đình pha trà, tiếp khách bằng dáng vẻ chỉnh tề áo the, khăn xếp. Đó không phải là một màn trình diễn, mà là giao thoa văn hóa sống động. Người dân cũng cảm thấy được tôn trọng, được trở thành một phần của một “sân khấu văn hóa”.

- Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, muốn đưa nghệ thuật diễn xướng dân gian vào các tour du lịch, cần phải đổi mới cách làm, tạo ra những sân khấu hoành tráng hơn?

- Tôi cho rằng đó là một cách tiếp cận thiếu bền vững. Như tôi đã nói, khi tham gia những trải nghiệm về nghệ thuật dân gian, cái người ta cần là được nhấn nhá, thư thả, được thả hồn mình vào với khung cảnh làng quê và thưởng thức những câu hát, điệu múa mộc mạc, không tăng âm, không kỹ xảo. Người xem và người biểu diễn không còn khoảng cách, cùng hòa vào không gian trình diễn. Người Hà Nội vốn thong thả, nhìn thẳng, nhìn sâu, nhìn kỹ. Muốn thu hút du khách, anh phải là chính anh trước đã, phải có bản sắc. Thưởng thức văn hóa không phải là “đi tour”, nó phải vượt qua cảnh giới sân chơi, chạm đến nền tảng văn hóa Hà Nội. Khi phong cách người Hà Nội và văn hóa dân gian Hà Nội gặp được nhau, chắc chắn sẽ đưa đến sức lan tỏa rất mạnh trong xã hội.

Quan điểm của tôi là văn hóa dân gian không cần "hóa trang”. Hãy để nghệ nhân là chính họ, và khán giả đến với họ là đến với một không gian thật. Hãy tưởng tượng khi bạn đến với một miền văn hóa, gặp người nông dân đang gánh lúa mà họ cất tiếng hát để chào khách sẽ thú vị hơn nhiều lần bạn đến xem một sân khấu mà ở đó người nông dân tô son đánh phấn, hát với loa đài tăng âm… Sân khấu hóa có thể giúp tiếp cận đại chúng, nhưng nếu làm không khéo sẽ đánh mất bản sắc, thậm chí không đúng. Văn hóa dân gian cần sự gần gũi, chan hòa - sự giản dị chính là đỉnh cao của văn hóa phi vật thể.

Tôi từng đưa ra ý tưởng, tổ chức và tổng đạo diễn chương trình “1.000 người hát Then” ở thác Bản Giốc, Cao Bằng - không sân khấu, không hóa trang cầu kỳ, không micro, chỉ là người dân trong trang phục sắc chàm truyền thống mộc mạc, hát giữa núi rừng, tiếng hát át cả tiếng thác, vậy mà lập 4 kỷ lục Guinness. Tại sao Cao Bằng làm được mà Hà Nội lại không thể?

- Như vậy, muốn bảo tồn và phát huy được nghệ thuật diễn xướng, phải bảo tồn được cả một vùng văn hóa làng quê, cộng đồng cùng làm du lịch theo cách giữ vững bản sắc. Theo ông, Hà Nội còn nhiều không những không gian văn hóa để có thể bảo tồn di sản như vậy?

- Tôi cho rằng Hà Nội có rất nhiều tiềm năng bởi Hà Nội là nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa, là cái nôi của nhiều loại hình diễn xướng dân gian từ múa Bài bông, hò Cửa đình, hát Dô, hát Chèo tàu, Ca trù…

Tôi cũng cho rằng người Hà Nội chúng ta đang “rất khát” văn hóa. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để được đi thực tế, đi du ngoạn nhưng có rất ít tour giúp họ tìm hiểu sâu sắc về nơi đến. Chẳng hạn, ngay tại khu phố cổ, chợ Đồng Xuân vẫn có biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian, nhưng chỉ dừng lại ở phần "nghe nhìn", không đưa được người xem đi sâu vào tìm hiểu chi tiết. Trong nhiều diễn đàn văn hóa mà tôi tham gia, không ít người “ồ” lên khi biết được những giá trị văn hóa ở ngay nơi họ đang sống.

Trong câu chuyện khai thác di sản, phải quan tâm đến cái gốc, giá trị của di sản chứ không phải chỉ nghĩ đến việc thu hút được du khách trước mắt. Nhiều người quên rằng thặng dư văn hóa còn gấp nhiều lần thặng dư kinh tế, nó còn nuôi sống nhiều thế hệ, làm đẹp mặt quốc gia, dân tộc. Chúng ta cần những bước đi cụ thể, có chiến lược, có đầu tư đúng cách để văn hóa không chỉ được giữ gìn mà còn trở thành một nguồn lực sống cho người dân.

- Xin cảm ơn đạo diễn Đường Minh Giang vì cuộc trò chuyện đầy tâm huyết!



Nguồn: https://hanoimoi.vn/du-lich-trai-nghiem-co-hoi-moi-cho-dien-xuong-dan-gian-dao-dien-duong-minh-giang-khai-thac-di-san-phai-quan-tam-den-cai-goc-698788.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm