Giá xuất khẩu cao su tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2025 giúp giá trị xuất khẩu cải thiện dù sản lượng giảm. Tuy nhiên, thị phần tại Trung Quốc – thị trường lớn nhất – đang sụt giảm khi nước này chuyển hướng nhập khẩu. VRA cảnh báo doanh nghiệp cần tăng tỷ lệ cao su chế biến sâu và mở rộng thị trường, đặc biệt sang EU để nâng cao giá trị và giảm rủi ro phụ thuộc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 2/2025 đạt 115.457 tấn, trị giá 225,71 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng khối lượng xuất khẩu đạt 276.085 tấn, trị giá 524,36 triệu USD. Dù lượng xuất khẩu giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng nhờ giá cao su tăng mạnh, giá trị xuất khẩu lại tăng tới 21,9%. Giá xuất khẩu trung bình trong tháng 2 đạt 1.955 USD/tấn – mức cao nhất nhiều năm – đưa giá bình quân 2 tháng đầu năm lên 1.899 USD/tấn, tăng 32,7%.
Đà tăng giá này chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do hiện tượng La Nina và nhu cầu phục hồi mạnh tại Trung Quốc nhờ chính sách kích cầu kinh tế. Dù vậy, thị trường vẫn đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro như Mỹ tăng thuế nhập khẩu ô tô – ảnh hưởng đến tiêu thụ lốp xe, và việc EU trì hoãn thực hiện quy định EUDR nhưng vẫn đặt ra áp lực môi trường lâu dài.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 74,3% về lượng và 73,7% về trị giá trong 2 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, lượng cao su Trung Quốc nhập từ Việt Nam giảm 9,4% so với cùng kỳ 2024, trong khi nhập khẩu từ các nước như Thái Lan (tăng 32,4%), Nga (tăng 70,8%) và Bờ Biển Ngà (tăng 56,9%) lại tăng mạnh. Điều này khiến thị phần cao su Việt Nam tại Trung Quốc giảm còn 19,8%, so với mức 27,2% cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh Trung Quốc, một số thị trường ghi nhận diễn biến trái chiều: xuất khẩu sang Ấn Độ giảm mạnh cả lượng và giá trị, trong khi xuất khẩu sang Malaysia và Indonesia tăng gấp nhiều lần. Malaysia vươn lên trở thành thị trường lớn thứ ba nhờ mức tăng 7,4 lần về lượng và 8,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.
Về cơ cấu sản phẩm, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) vẫn chiếm ưu thế với gần 62% tổng khối lượng xuất khẩu – phần lớn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây vẫn chủ yếu là cao su sơ chế, chưa qua chế biến sâu, khiến giá trị gia tăng còn thấp so với tiềm năng.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhận định Trung Quốc vẫn đóng vai trò trung tâm trên bản đồ thương mại cao su toàn cầu nhờ nhu cầu lớn, đặc biệt khi nước này đang phát triển ngành công nghiệp xe điện và hybrid. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung là dấu hiệu cảnh báo cho Việt Nam, nhất là khi nước ta vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô và chưa có chuyển dịch đáng kể sang chế biến sâu.
VRA khuyến cáo các doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng nhằm tăng tỷ trọng cao su chế biến sâu để nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường EU – nơi chiếm 31–34,5% tổng xuất khẩu cao su toàn cầu và có kim ngạch nhập khẩu bình quân hàng năm lên tới 75 tỷ USD. Đây sẽ là hướng đi cần thiết để giảm thiểu rủi ro và nâng cao vị thế của cao su Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn: https://baodaknong.vn/vra-khuyen-cao-doanh-nghiep-cao-su-day-manh-che-bien-sau-giam-phu-thuoc-trung-quoc-249365.html
Bình luận (0)