Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh được tổ chức hàng năm là dịp tuyên truyền, quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Hòa Bình.
Tỉnh Hòa Bình có 6 dân tộc chính, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 63%. Các dân tộc có những nét văn hóa riêng, tạo nên sắc thái đa dạng. Tỉnh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội. Tiêu biểu như các lễ hội: Chùa Tiên, Khai hạ dân tộc Mường, Đền Bờ, Xên Mường... Nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới có từ thời tiền sử, mảnh đất với 4 vùng mường lớn Bi, Vang, Thàng, Động. Hòa Bình còn là cái nôi văn hóa của người Việt, nơi bảo tồn, lưu giữ hàng trăm chiếc trống đồng và gần 10 nghìn chiếc chiêng quý. Đây cũng là nơi sản sinh và còn lưu giữ những áng mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" của người Mường...
Xác định văn hóa là động lực phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai những giải pháp để phát huy giá trị văn hóa Mường và nền Văn hóa Hòa Bình, đặc biệt chú trọng phát triển con người toàn diện, coi đây là trung tâm và mục tiêu của sự phát triển. Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chương trình hành động nhằm bồi dưỡng đạo đức, lối sống, tinh thần yêu nước, ý thức công dân, từ đó hình thành lớp người Hòa Bình "vừa hồng, vừa chuyên”. Con người Hòa Bình cần cù, nghĩa tình, sáng tạo đang trở thành hạt nhân của mọi chính sách phát triển, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại. Nét đẹp truyền thống gia đình được tôn vinh, trở thành nơi nuôi dưỡng nhân cách. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được xác định là nhiệm vụ then chốt. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sâu rộng.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được tỉnh quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có 41 di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 71 di tích được xếp hạng cấp tỉnh; 303 điểm di tích, danh lam thắng cảnh được kiểm kê đưa vào bảo vệ; có 786 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số (Mường, Thái, Tày, Dao, Mông). Đến nay, tỉnh có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; 5 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, trong đó di sản văn hoá mo Mường chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc, quý giá đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương lập hồ sơ khoa học trình UNESCO đưa vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Đến nay, Chính phủ đã có văn bản gửi hồ sơ đến tổ chức UNESCO.
Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành các đề án, kế hoạch về truyền thông hình ảnh tỉnh Hòa Bình. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11/10/2021 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo UBND tỉnh ban hành Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền "Văn hoá Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030.
Tỉnh còn chủ động khơi dậy tinh thần sáng tạo trong cộng đồng. Hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật, hội họa đã ra đời; các hội thi, liên hoan văn nghệ quần chúng diễn ra thường xuyên; thế hệ trẻ được giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương ngay từ trong nhà trường. Những mô hình như "Dòng họ văn hóa”, "Tổ tự quản khu dân cư”, hay các câu lạc bộ gìn giữ mo Mường, chiêng Mường đã chứng minh sức sống mạnh mẽ của văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại. Một trong những bước đột phá quan trọng là gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch. Các địa phương như Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhờ khai thác hiệu quả văn hóa bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Hòa Bình, mà còn mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Trong hành trình đổi mới, hội nhập, Hòa Bình đang vươn mình bằng chính sức mạnh mềm - văn hóa và con người. Tất cả là biểu tượng cho một Hòa Bình giàu bản sắc, tự tin bước tới tương lai. Văn hóa đang trở thành nội lực chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Hương Lan
Nguồn: https://baohoabinh.com.vn/16/200357/Khoi-day-tiem-nang-van-hoa,-c111n-nguoi-Hoa-Binh.htm
Bình luận (0)