Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khởi nghiệp bằng các dự án có ích cho đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn nhủ thanh niên cần hành động thần tốc, táo bạo để Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn vượt lên các nước trong khu vực và thế giới

Người Lao ĐộngNgười Lao Động21/04/2025

Ngày 20-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự khai mạc ngày hội "Khởi nghiệp toàn quốc của học sinh, sinh viên" lần VII - năm 2025 tổ chức tại

TP HCM. Cùng dự khai mạc ngày hội còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được và đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương...

"Quả ngọt" từ khởi nghiệp

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định ngày hội "Khởi nghiệp toàn quốc của học sinh, sinh viên" không chỉ là một sự kiện thường niên dành cho học sinh, sinh viên khắp cả nước mà còn là nơi phát hiện, ươm mầm những tài năng trẻ, dự án khởi nghiệp có ích cho xã hội và đất nước.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665). Đến nay, đề án đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của nhiều cấp học, nhất là bậc ĐH và CĐ. Trên 120 cơ sở giáo dục ĐH đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, với hình thức bắt buộc hoặc tự chọn. Trong đó, 100% cơ sở giáo dục ĐH đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 75% có không gian sáng tạo, 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp, 100% có hợp tác với doanh nghiệp qua vai trò dẫn dắt của các doanh nhân.

Năm 2024, Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 44/133 quốc gia và nền kinh tế - tăng 2 bậc so với năm 2023; chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu cũng tăng 2 bậc, từ vị trí 58 lên 56, đứng thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á và thứ 12 khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TP HCM và Hà Nội đã lọt vào tốp 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu. Hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo đã được thành lập trên cả nước, thu hút đông đảo doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đặc biệt, năm 2024, Việt Nam thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Bày tỏ niềm vui trước những "quả ngọt" nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều bạn trẻ đã tự thành lập doanh nghiệp, kêu gọi được vốn đầu tư, tạo ra việc làm cho chính mình và cho người khác.

"Hàng ngàn học sinh, sinh viên đã viết tiếp những câu chuyện khởi nghiệp rất Việt Nam nhưng mang tầm vóc toàn cầu bằng những sản phẩm đã thay đổi cách chúng ta sống, học tập và làm việc: Từ ứng dụng công nghệ trong y tế, nông nghiệp sạch cho đến giải pháp số trong đời sống hằng ngày" - Thủ tướng nhìn nhận.

Khởi nghiệp bằng các dự án có ích cho đất nước- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ sinh viên tại ngày hội “Khởi nghiệp toàn quốc của học sinh, sinh viên” lần VII. Ảnh: TRẦN TRI

Cần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Tham dự ngày hội, em Trần Văn Lực - sinh viên năm 4 ngành khoa học máy tính ĐH Bách khoa Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty CP Awake Drive - là minh chứng rõ nhất cho việc ươm mầm khởi nghiệp của người trẻ.

Xuất phát từ trăn trở về vấn nạn tai nạn giao thông do thiếu tỉnh táo khi lái xe trong cuộc sống hiện đại, Lực và nhóm bạn ấp ủ ý tưởng ứng dụng công nghệ vào một thiết bị giám sát và duy trì sự tỉnh táo cho người lái. Năm 2022, Lực khởi xướng dự án Awake Drive. Dự án đã tranh tài tại nhiều cuộc thi và trở thành một dự án khởi nghiệp thành công chỉ sau 2 năm nghiên cứu.

Để thúc đẩy tinh thần nghiên cứu và khởi nghiệp trong giới trẻ, Lực đề xuất nhà nước và các cơ sở giáo dục tập trung vào các giải pháp thiết thực, như: ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên; thành lập quỹ đầu tư "mạo hiểm", xây dựng môi trường khởi nghiệp…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng Đề án 1665 - với tầm nhìn chiến lược và sứ mệnh quan trọng - đã, đang và sẽ tiếp tục khơi dậy một làn sóng khởi nghiệp trẻ trong cộng đồng học đường Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy phía sau những kết quả ban đầu là không ít lực cản, "điểm nghẽn".

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ rõ khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ đôi khi mới chỉ dừng lại ở những ý tưởng mang tính sáng tạo, chưa ưu tiên chuyển hóa thành sản phẩm, dịch vụ. Thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm, thiếu kỹ năng mềm - đó là ba "góc khuyết" rõ nhất trong hành trang khởi nghiệp của thế hệ trẻ hiện nay.

"Tổ chức hoạt động khởi nghiệp còn thiên về phong trào, thiếu chiều sâu. Nếu không có cơ chế hỗ trợ dài hơi, không có mạng lưới nhà đầu tư thì sân chơi khởi nghiệp trong trường học khó có thể đạt được những kết quả mong muốn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khởi nghiệp không có giới hạn, cần được thúc đẩy với tinh thần thần tốc, táo bạo.

Thủ tướng yêu cầu "3 nhà" - gồm nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp - phải phối hợp cùng nhau để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, hiệu quả dành cho học sinh, sinh viên. Trong đó, các doanh nghiệp cần tích cực đặt hàng, đầu tư và đồng hành với sinh viên, hỗ trợ thực hành, thực tập và thương mại hóa ý tưởng; cùng nhà trường, truyền cảm hứng, đầu tư và dẫn dắt thế hệ trẻ.

"Một quốc gia khởi nghiệp không thể thiếu tinh thần khởi nghiệp từ mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Tôi hy vọng với khát vọng, trí tuệ và sự dẫn dắt đúng hướng, học sinh, sinh viên và 20 triệu thanh niên Việt Nam sẽ là những người tiên phong, nắm bắt khoa học - công nghệ. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới" - Thủ tướng nhắn nhủ. 

Lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ, quán triệt, triển khai hiệu quả nội dung chỉ đạo định hướng của Thủ tướng, với tinh thần đã hứa là thực hiện, thực hiện với tinh thần thần tốc, táo bạo, không giới hạn để phát huy đầy đủ các giá trị, tiềm năng của thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam. Bộ GD-ĐT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để thực hiện đầy đủ các chỉ đạo trên.

"Sự ghi nhận của Thủ tướng về những kết quả đạt được trong 7 năm qua của Đề án 1665 không chỉ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên mà còn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với ngành giáo dục cả nước. Qua đó, Thủ tướng đã lan tỏa nguồn cảm hứng mạnh mẽ tới những người đang thực hiện sứ mệnh khơi dậy khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới sáng tạo vì tương lai phát triển bền vững của đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.


Nguồn: https://nld.com.vn/khoi-nghiep-bang-cac-du-an-co-ich-cho-dat-nuoc-196250420223119358.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm