Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khơi thông các nguồn lực để đảm bảo tăng trưởng kinh tế

Bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2025 đang diễn biến khó lường, tăng trưởng toàn cầu được dự báo chậm lại do các căng thẳng thương mại kéo dài. Năm 2025, Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên để làm tiền đề cho tăng trưởng 2 con số ở những năm tiếp theo. Để đạt mục tiêu này cần khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Báo Cần ThơBáo Cần Thơ26/04/2025

Nắm bắt các cơ hội

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22-4-2025 gửi các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. Công điện nêu rõ, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới xuất hiện nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt hơn, chiến tranh thương mại xảy ra trên diện rộng, triển vọng kinh tế thế giới suy giảm… đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các kết luận của Trung ương về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tăng trưởng kinh tế đạt 8% năm 2025. Đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Các TCTD đảm bảo cung ứng vốn cho vay sản xuất kinh doanh.

Song song đó, tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; phát huy hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước; tạo động lực cho khu vực tư nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Trong các nhóm giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công. Mục tiêu là phấn đấu giải ngân vốn đầu tư năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng giao; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công - tư. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải xác định rõ vướng mắc, nguyên nhân giải ngân chậm của từng dự án cụ thể để trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết; đẩy nhanh giải ngân vốn phải gắn liền với đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý cán bộ yếu kém về năng lực, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân…

Năm 2025, tổng vốn đầu tư công là 888.087,9 tỉ đồng. Theo Bộ Tài chính, ước đến 31-3-2025, cả nước giải ngân được 78.712 tỉ đồng, đạt 8,98% kế hoạch và đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ đạt 12,27%). Nguyên nhân đạt thấp hơn cùng kỳ theo Bộ Tài chính là trong 3 tháng đầu năm, nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa giải ngân, hoặc giải ngân rất thấp. Thủ tướng đã ký quyết định thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Theo báo cáo của các Tổ công tác, đến nay công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực, kỳ vọng đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.  

Ngoài thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường kết nối cung cầu, gắn sản xuất với phân phối và tiêu dùng nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả 17 FTA đã ký kết để khai thác các tối đa các thị trường và tích cực tìm kiếm thị trường mới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao khoa học công nghệ… nhằm tận dụng tốt tất cả các cơ hội cho tăng trưởng kinh tế.

Đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế

Công điện của Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Song song đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ…

Theo NHNN, tính đến 31-3-2025, quy mô tín dụng nền kinh tế đạt trên 16,23 triệu tỉ đồng, tăng 3,93% so với cuối năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 chỉ tăng 1,34%); đây là nỗ lực rất lớn của các TCTD trong bối cảnh chính sách tiền tệ thế giới nhiều biến động. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% năm 2025, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025. Ngay từ đầu năm, NHNN đã triển khai chỉ tiêu cụ thể đến các TCTD và yêu cầu các TCTD đẩy mạnh vốn ra thị trường, tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, vốn cho các gói tín dụng ưu tiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo các chuyên gia, sức khỏe của doanh nghiệp đã cải thiện tốt hơn trong năm 2024 và đây là đà để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức đang diễn ra.

Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm nhẹ so với năm 2024 và các TCTD đang tích cực đưa vốn vào nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Ông Trần Quốc Hà, Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực 14 (TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long) cho biết: Hiện tại dư nợ tín dụng khu vực 14 tăng khá tốt so với các năm. Ước đến cuối tháng 4-2025 tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 400.712 tỉ đồng, tăng 3,88% so với cuối năm 2024. NHNN Chi nhánh khu vực 14 đã chỉ đạo các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ, NHNN, hầu hết dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên đều tăng so với cuối năm 2024. Cụ thể, ước đến cuối tháng 4-2025, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 173.925 tỉ đồng, chiếm 43,4% tổng dư nợ khu vực và tăng 10,73% so với cuối năm 2024; dư nợ cho vay xuất khẩu tăng 12,44% (ước đạt 31.461 tỉ đồng); cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 72.863 tỉ đồng, tăng 5,75%... Các TCTD cũng tích cực tham gia Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Chi nhánh khu vực 14 đã chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Nguồn: https://baocantho.com.vn/khoi-thong-cac-nguon-luc-de-dam-bao-tang-truong-kinh-te-a185842.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm