Thông điệp này được các đại biểu, diễn giả và doanh nghiệp nhấn mạnh tại diễn đàn văn hóa doanh nhân năm 2025 với chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (VCCI) tổ chức chiều ngày 15/4 tại Hà Nội.
Tại sự kiện, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, việc xây dựng bản sắc văn hóa kinh doanh vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, việc xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh trở thành nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài.
“Kinh doanh có trách nhiệm là một nội hàm quan trọng của văn hóa kinh doanh. Đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo dựng uy tín không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả quốc gia; đồng thời giảm thiểu rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý trong quá trình hội nhập quốc tế”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo ông Công, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy, về lâu dài lợi nhuận và lợi tức đầu tư của doanh nghiệp phải được xem xét trong bối cảnh rộng hơn, bao hàm các vấn đề về kinh tế, xã hội và trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp. Họ đã quan tâm đến lợi ích của xã hội và bảo vệ môi trường nhiều hơn là những yêu cầu theo quy định của pháp luật, như: giải quyết vấn đề lao động việc làm, các vấn đề môi trường, đấu tranh chống nạn hối lộ, tham nhũng cho đến việc tham gia và phát triển cộng đồng.
"Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm không chỉ đóng góp vào kết quả kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường sống bền vững và quản trị tốt thông qua chuỗi cung ứng", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh, các giá trị văn hóa chính là gốc rễ tạo nên sự bền vững. Một doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài không thể chỉ chạy theo lợi nhuận mà cần xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc từ triết lý kinh doanh, sứ mệnh kinh doanh, tầm nhìn đến cách ứng xử với nhân viên, với đối tác và khách hàng.
Văn hóa doanh nghiệp định hình bản sắc, giữ gìn uy tín, tạo dựng niềm tin. Chính điều đó làm nên thương hiệu, làm nên sự khác biệt trong môi trường nhiều cạnh tranh. Không chỉ đơn giản là làm giàu mà làm giàu một cách có trách nhiệm, biết tôn trọng pháp luật, tuân thủ đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường và chia sẻ với cộng đồng.
Chia sẻ thực tiễn từ doanh nghiệp, đại diện CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) cho biết, một trong những yếu tố góp phần vào những thành tựu của doanh nghiệp thời gian qua là phương châm kinh doanh có trách nhiệm trong các mối quan hệ với cổ đông, người lao động, khách hàng và đối tác cũng như cộng đồng xã hội. Nhờ đó, uy tín thương hiệu QNS đã không ngừng gia tăng theo thời gian.
Đóng vai trò then chốt trong quá trình xây dựng nên thương hiệu QNS và tạo dựng giá trị bền vững cho công ty là tinh thần “Đồng thuận – Tận tâm – Sáng tạo” xuyên suốt trong hành trình phát triển của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Hồng Thanh - nguyên Phó Giám đốc Học viện Viettel, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội nhấn mạnh, đạo đức kinh doanh tất yếu sẽ là một phần của văn hóa kinh doanh. Trong kỳ nguyên số, mỗi hành động dù nhỏ nhất đều có thể để lại dấu vết, những lựa chọn lặng lẽ cũng sẽ không tồn tại nữa. Ngày nay, kinh doanh không thể không có trách nhiệm và không có trách nhiệm thì sẽ dẫn đến không còn thương hiệu, nhân sự có thể rời bỏ. Kinh doanh không có trách nhiệm có thể vướng vào vòng lao lý.
"Trách nhiệm ở đây không còn là một sự lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết, là gốc dễ để tạo ra sự trường tồn. Giới hạn đạo đức có thể vượt qua hoặc không thể vượt qua của người làm kinh doanh", ông Thanh nhìn nhận.
Về trách nhiệm, xã hội của doanh nghiệp xoay quanh 3 vấn đề chính: trách nhiệm với sản phẩm, trách nhiệm với người lao động và trách nhiệm với đất nước.
Nhấn mạnh vấn đề trách nhiệm đối với sản phẩm, theo ông Thanh, đây là trách nhiệm trực tiếp tác động đến người tiêu dùng mà cũng là danh dự, là sự tồn vong của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, sản phẩm là nguồn sống của doanh nghiệp.
Nhưng khi kinh doanh có trách nhiệm thì không thể đánh đổi đạo đức để nuôi sự sống đó được. Sản phẩm không chỉ là thứ doanh nghiệp bán ra mà là thứ khiến khách hàng nhớ về mình, tin tưởng và lựa chọn cho những lần tiếp theo. Một sản phẩm có thể được bán với giá 6 triệu đồng nhưng nếu doanh nghiệp có thể sản xuất và bảo đảm lợi nhuận ở mức 5 triệu đồng thì việc lựa chọn giá bán 5 triệu đồng hay 6 triệu đồng không chỉ là một bài toán tài chính mà là bài toán lương tâm của người lãnh đạo.
Cho rằng lợi ích là tạm thời nhưng uy tín, hình ảnh và lòng tin của khách hàng là vĩnh viễn, ông Thanh kể câu chuyện về triết lý kinh doanh của Viettel - nơi ông có khoảng thời gian dài công tác.
"Tại thời điểm Viettel ra đời năm 2004, giá cước viễn thông rất cao có thể lên tới khoảng 2000-3.000 đồng/phút. Đặc biệt, khi gọi liên vùng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh, có những thời điểm là 16.000 đồng/phút. Thời điểm đó, mức lương tối thiểu người lao động chỉ có 180.000 đồng.
Khi ấy, Viettel đã đưa ra những gói cước rất thấp, chỉ khoảng 3-500 đồng/phút, người tiêu dùng được lựa chọn những sản phẩm có giá trị hơn. Với cái cách làm như vậy, bây giờ Viettel đã trở thành một thương hiệu toàn cầu có giá trị, top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới", ông Thanh kể.
Trong khi đó, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ liên quan đến hàng giả hàng kém chất lượng, mới đây nhất là vụ kinh doanh sữa giả 500 tỷ đồng bị Bộ Công an triệt phá.
"Sự việc này giống như một hồi chuông cảnh tỉnh rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, người bán hàng, nhà sản xuất, nhà phân phối, những người nổi tiếng. Họ không thể thoái thác trách nhiệm của mình, đặc biệt là trách nhiệm xã hội", chuyên gia nhìn nhận.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Cộng đồng doanh nhân phải coi đạo đức là thương hiệu cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội”.
Ông cũng đề nghị VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục lan tỏa 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời kiến nghị Nhà nước hoàn thiện thể chế để tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển bền vững.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/kinh-doanh-co-trach-nhiem-bai-toan-luong-tam-cua-doanh-nghiep/20250415062228992
Bình luận (0)