
Tăng trưởng đồng đều các nhóm ngành
Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2025, thành phố Đà Nẵng mới (hợp nhất giữa Đà Nẵng và Quảng Nam) mức tăng trưởng GRDP đạt 9,43%. Trong đó, Đà Nẵng (cũ) đạt mức tăng trưởng 11,7%, thể hiện vai trò dẫn dắt với tốc độ phục hồi và phát triển vượt trội trong các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch; Quảng Nam tăng trưởng 6,63%, đóng góp vào sự ổn định và nền tảng sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp của khu vực.
Với mức tăng 9,43% trong 6 tháng qua, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 8/34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau sáp nhập). Trong đó, thành phố Đà Nẵng (cũ) đóng góp 6,47 điểm phần trăm và Quảng Nam đóng góp 2,96 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GRDP chung của toàn thành phố.
Theo Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự phục hồi đồng đều và ấn tượng ở cả 3 khu vực kinh tế. Đi sâu vào các khu vực kinh tế, giá trị tăng thêm (VA) khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò đầu tàu với mức tăng 6 tháng đạt 13,19% (đóng góp 3,89 điểm % vào mức tăng tổng VA chung toàn nền kinh tế).

Ở khu vực dịch vụ, tăng trưởng VA 6 tháng đầu năm của cả khu vực này ước đạt 10,37% (đóng góp 6,41 điểm %), phản ánh sự phục hồi rõ nét của du lịch, bán lẻ, vận tải và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng tăng cao, thúc đẩy tiêu dùng và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.
Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 3,44%. Mặc dù mức tăng khá khiêm tốn so với 2 khu vực kinh tế còn lại nhưng vẫn cho thấy sự ổn định và vai trò hỗ trợ quan trọng trong cơ cấu kinh tế thành phố, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa ngày càng gia tăng.
Quy mô GRDP theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố Đà Nẵng (mới) đạt 148,8 nghìn tỷ đồng. Xét trên phạm vi toàn quốc, quy mô GRDP 6 tháng đầu năm 2025 của thành phố Đà Nẵng (mới) chiếm 2,5% GDP cả nước và xếp thứ 11/34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập.
Dịch chuyển theo hướng dịch vụ - công nghiệp
Trước khi hợp nhất, cả Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều có vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế vùng. Quy mô GRDP thành phố Đà Nẵng cũ trong 6 tháng đầu năm khoảng 81,3 nghìn tỷ đồng, (chiếm 54,6% tổng GRDP thành phố mới) cho thấy Đà Nẵng đang giữ vai trò trung tâm kinh tế chủ lực, với thế mạnh vượt trội ở các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin và logistics.
Trong khi đó, quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam cũ trong nửa đầu năm 2025 đạt khoảng 67,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 45,4% GRDP thành phố Đà Nẵng mới). Dù có tốc độ tăng trưởng thấp hơn thành phố Đà Nẵng cũ nhưng Quảng Nam giữ vai trò nền tảng về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cung ứng lao động.
Cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng (mới) trong 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy xu hướng dịch chuyển mạnh theo hướng dịch vụ - công nghiệp, với khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (đạt 55,68% trong tổng GRDP). Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò trung tâm dịch vụ, du lịch, giáo dục và logistics của khu vực, đặc biệt với sự dẫn dắt từ thành phố Đà Nẵng (cũ) được cho là đầu tàu tăng trưởng vùng.
Trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,6%, phản ánh vai trò nền tảng của Quảng Nam trong sản xuất, đặc biệt tại các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai và một số cụm công nghiệp chủ lực.
Đáng chú ý, lĩnh vực xây dựng tăng tới 18,3%, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khu vực, phản ánh hiệu quả từ việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, phát triển hạ tầng giao thông đô thị và triển khai các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, các khu đô thị mới và hạ tầng công nghiệp - du lịch.

Theo nhận định của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, chênh lệch về quy mô GRDP giữa hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế về phía đô thị trung tâm, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tính liên kết và bổ trợ vùng giữa hai địa phương.
Việc phát huy đồng bộ lợi thế của cả hai sẽ là điều kiện then chốt để thành phố Đà Nẵng sau hợp nhất thực sự trở thành cực tăng trưởng bền vững của miền Trung trong giai đoạn tới.
Khả thi mục tiêu tăng trưởng
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng mới đang thể hiện đặc điểm của một vùng đô thị công nghiệp - dịch vụ phát triển, có tính liên kết cao, với dịch vụ đóng vai trò chủ đạo, công nghiệp làm nền tảng và nông nghiệp đang từng bước chuyển đổi theo hướng công nghệ cao và sinh thái.
Trước những khó khăn, thuận lợi đan xen, để duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2025 cho thành phố Đà Nẵng, Chi cục Thống kê thành phố đề xuất cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm.
Đồng thời rà soát, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là về đất đai, môi trường, quy hoạch; tăng cường xúc tiến đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, đô thị thông minh và hạ tầng logistics.

Theo PGS-TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), tuy tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Nam (cũ) không như kỳ vọng nhưng nhờ quy mô kinh tế của thành phố Đà Nẵng (cũ) lớn hơn Quảng Nam nên đã kéo được tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của thành phố Đà Nẵng mới lên xấp xỉ 10%.
“Thế mạnh công nghiệp của Quảng Nam (cũ) trong nửa đầu năm nay hơi trầm lắng, cần có các giải pháp đẩy mạnh động lực này để góp sức vào mục tiêu tăng trưởng chung của thành phố Đà Nẵng trong năm 2025. Lĩnh vực công nghiệp Quảng Nam những năm qua thường ghi nhận sự bứt phá vào nửa sau hàng năm, nhất là nếu có các chính sách ưu đãi.
Đầu tư thông qua khu vực công nghiệp - xây dựng cũng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng nên cũng cần cải thiện điều này ở các khu vực của tỉnh Quảng Nam (cũ), nhất là các công trình đầu tư công. Với tốc độ tăng trưởng đạt 9,43% trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay của thành phố Đà Nẵng là trong tầm tay”, PGS-TS. Bùi Quang Bình nhận định.
Nguồn: https://baodanang.vn/kinh-te-6-thang-dau-nam-2025-buoc-dem-cho-da-nang-moi-but-toc-3265197.html
Bình luận (0)