Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Ảnh: Minh Hiếu
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp ở Việt Bắc ngày 15/7/1954 đã nhận định: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương” và “đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của Nhân dân Đông Dương”. Hội nghị quyết định: “Thay đổi phương châm chính sách và sách lược đấu tranh cốt để thực hiện một cách thuận lợi mục đích trước mắt. Đây là một sự thay đổi quan trọng về phương châm và sách lược cách mạng, nhưng mục đích của cách mạng vẫn là một”.
Thấu hiểu nỗi niềm của đồng bào miền Nam, nhân Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước, khẳng định công lao to lớn của Nhân dân miền Nam “đi trước về sau”. Đồng thời, Người chỉ rõ tính chất cuộc đấu tranh “để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành lấy thắng lợi, toàn thể Nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”!
Đất nước ta tạm thời bị chia làm hai miền, với hai chế độ xã hội khác nhau. Xác định rõ cuộc đấu tranh còn phải tiếp tục và trường kỳ, nên việc xây dựng hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhận thức được quy luật quan trọng này, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định miền Bắc là nền tảng của cuộc đấu tranh của cả nước và do đó đã sớm định ra đường lối xây dựng miền Bắc tiến lên CNXH. Đây là nhiệm vụ lâu dài, đồng thời cũng khẩn trương, cấp bách để phục vụ cho công cuộc đấu tranh chính trị ở miền Nam. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã tập trung trí tuệ và sức lực vào việc xây dựng miền Bắc và hỗ trợ tích cực cho đồng bào ta ở miền Nam trực tiếp đấu tranh chống Mỹ áp đặt chủ nghĩa thực dân mới.
Hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Miền Bắc lúc này đứng trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Đó là xây dựng CNXH từ sau cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài ở một đất nước vốn nghèo nàn, lạc hậu qua hàng ngàn năm phong kiến và gần một thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Công việc đầu tiên là phải tiếp nhận và thiết lập chính quyền mới ở vùng trước đây do địch tạm chiếm; đồng thời, phải bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch khôi phục nền kinh tế - xã hội sau chiến tranh, phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Tiếp đó là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm 1957-1960; tiếp tục tiến hành cải cách ruộng đất, bước đầu xây dựng HTX nông nghiệp; xây dựng quân đội cách mạng tiến dần lên chính quy, hiện đại...
Trong khi đó ở miền Nam, dưới bàn tay khủng bố tàn bạo của Mỹ - Diệm đã phủ lên đời sống và phong trào cách mạng một màu tăm tối. Sự căm phẫn được đẩy lên cao độ và tinh thần đấu tranh của đồng bào ta không khi nào ngừng sôi sục. Trước yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) khai mạc ngày 13/1/1959 để phân tích về đặc điểm, tính chất mâu thuẫn hiện tại của cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhận định: “Cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo bao gồm hai nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược đó tuy tính chất khác nhau, nhưng quan hệ hữu cơ với nhau, song song tiến hành, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau, trợ lực mạnh mẽ cho nhau, nhằm phương hướng chung là giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tạo điều kiện thuận lợi để đưa cả nước Việt Nam tiến lên CNXH”. Hội nghị cũng đề ra nhiệm vụ chung của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này là “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hòa bình; thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước; ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên CNXH; xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
Về cách mạng XHCN ở miền Bắc, hội nghị đã chỉ ra rằng: Miền Bắc tiến lên CNXH là theo quy luật phát triển khách quan của xã hội miền Bắc, vì mục đích nâng cao không ngừng đời sống Nhân dân, mặt khác, tích cực gánh vác phần trách nhiệm đối với phong trào cách mạng của cả nước. Kinh tế, văn hóa miền Bắc phát triển, đời sống Nhân dân miền Bắc được cải thiện, lực lượng quốc phòng miền Bắc ngày càng được vững mạnh, sẽ tăng thêm sức mạnh của cách mạng và uy thế chính trị của Nhân dân ta, tăng thêm tin tưởng và tính tích cực cách mạng của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống chế độ Mỹ - Diệm. Quá trình tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc cần chống khuynh hướng tách rời cuộc cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam; hoặc coi nặng cuộc cách mạng này mà xem nhẹ cuộc cách mạng kia. Nhiệm vụ thống nhất nước nhà phải được thấu suốt trong tất cả các chủ trương công tác, chính sách của Đảng, Nhà nước và hành động của Nhân dân trên miền Bắc.
Hiện vật, hình ảnh được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Về cách mạng Việt Nam ở miền Nam, hội nghị phân tích rất kỹ đặc điểm, tính chất xã hội miền Nam là xã hội thực dân kiểu mới, chính quyền Ngô Đình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, đại diện cho lợi ích của đế quốc Mỹ, của phong kiến và tư sản mại bản thân Mỹ phản động nhất ở miền Nam. Xã hội miền Nam nổi lên hai mâu thuẫn cơ bản đó là: Mâu thuẫn giữa Nhân dân ta ở miền Nam và bọn đế quốc xâm lược, chủ yếu là đế quốc Mỹ; mâu thuẫn giữa Nhân dân miền Nam, trước hết là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến. Do đó, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là “đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ; thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam; thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của Nhân dân; giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”...
Như vậy, cuộc đấu tranh vì nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình còn phải tiếp tục dưới nhiều hình thức và bằng những phương pháp thích hợp. Trong cuộc đấu tranh này, cách mạng Việt Nam phải đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược và do đó đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền nhiều vấn đề mới, phức tạp, cần phải giải quyết. Đứng trước tình thế mới của đất nước, để hoàn thành nhiệm vụ lớn lao đó, đòi hỏi sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng ta phải tỉnh táo, sáng suốt, nhạy bén, chủ động, linh hoạt và vững vàng. Đồng thời, đặt ra yêu cầu có tính tất yếu đó là toàn quân, toàn dân và toàn thể cán bộ từ Bắc đến Nam phải đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng và Mặt trận Dân tộc thống nhất, để tạo sự nhất trí, kiên quyết, khôn khéo cả về tư tưởng và hành động trong quá trình đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Lê Phượng
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-chu-truong-cua-dang-ve-cach-mang-hai-mien-bac--nam-245702.htm
Bình luận (0)