“Những người lính Bắc Kạn một thời máu lửa”
“Những ký ức về cuộc chiến lúc xa lúc gần, lúc nhớ lúc quên, ngắt quãng bởi thời gian và tuổi tác, bởi sự khắc nghiệt của chiến tranh và cuộc sống, được ghi lại trong những trang viết này…– Một thế hệ thanh niên Bắc Kạn quả cảm, trong những giờ phút thử thách quyết định của Tổ Quốc, đã sẵn sàng “xếp bút nghiên” cầm súng đánh giặc, tuổi xuân rong ruổi trên các chiến trường, đã hy sinh cả cuộc đời hay một phần thân thể của mình cho cuộc sống hòa bình hôm nay…”

Đó là những dòng chữ đầu tiên được tác giả Bùi Kim Phụng chia sẻ trong cuốn sách “Những người lính Bắc Kạn một thời máu lửa”. Và cũng đúng với tinh thần như vậy, độc giả sẽ được sống lại những tháng năm mưa bom, lửa đạn qua dòng hồi tưởng của chính những người lính được tác giả Bùi Kim Phụng chắp bút bằng cả tâm huyết và lòng cảm phục…
Mở đầu cuốn sách là hai câu hát “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng !” (Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền), theo đó là những câu chuyện vừa vui lại vừa xót xa “ Chúng tôi đi trong đợt tuyển quân cuối cùng trong năm – đợt thứ 3, ngày 12 tháng 12 năm 1971, trong đội hình 150 thanh niên trẻ trung, nhiệt huyết ở các xã thuộc huyện Bạch Thông, huyện Na Rì và thị trấn Bắc Kạn. Ra đi mang theo lời nhắn nhủ nghiêm trang: Gian khổ cũng đừng đảo ngũ! Của cha, lời dặn trong nước mắt của mẹ: Giữ sức khỏe con nhé!... Mang theo dáng hình người thương mến vẫn giữ kín trong tim mà giờ đây đã không còn bí mật nữa, dù nhiều cô bạn cùng lớp vô tư tổ chức liên hoan chia tay, không biết rằng có một trái tim đang loạn nhịp vì mình…”(Chuyện nhập ngũ).
Sau những bỡ ngỡ và cảm xúc ban đầu, các chiến sĩ đã thực sự sống cùng bom đạn. Từ đây, mỗi trang sách trở thành một dấu ấn lịch sử, theo từng chiến dịch, trận đánh, địa danh. Nhờ thế độc giả sẽ biết đến những chuyện chưa bao giờ kể của những người lính Bắc Kạn khi chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị; Chiến dịch Thượng Đức; Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 – Giải phóng miền Nam… Chiến tranh vốn tàn nhẫn, từng đoạn phim ký ức thời chiến tràn ngập sự khốc liệt và bi thương ở “Ám ảnh”; “Lần đầu bị thương”; “Sự mất mát bất ngờ”; “Đồng đội ơi! Đừng giật mình…”; “Ước mơ của người lính giữ B40 trên Chốt 383”…
Trong những giờ phút lịch sử của ngày 30/4/1975, những người lính trẻ của quê hương Bắc Kạn đã kể lại cảm xúc nghẹn ngào: “Nếu khi xưa, từ Bến Nhà Rồng bên kia sông, Bác Hồ của chúng ta không chấp nhận thân phận người dân một nước nô lệ, đã bôn ba thế giới để tìm cách giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thì con cháu của người cũng không chấp nhận cảnh thương đau:
"Đường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong lửa nước sôi
Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời núi sông”
(Tố Hữu)
Mà bao thế hệ đã nối tiếp nhau đi, không tiếc xương máu hy sinh, giành lại một nửa đất nước... Để hôm nay cũng đúng trên khúc sông này, với vị thế của người làm chủ những người lính tự hào đứng trên mũi tàu quân sự to như ngôi nhà mấy tầng, nhìn sông nước hữu tình ngời sáng mà thưa: "Bác Hồ ơi! Non sông đã liền một dải rồi..."
(Quyết định vào phút cuối)
Lên đường đánh giặc
“Anh giận dữ, ngẩng đầu ra trận
Em đồng lòng quyết chí theo anh
Tạm gác tình lứa đôi hò hẹn
Đeo tay nải ra bến tập trung…”
(Đi tòng quân)
Là những câu thơ đầu tiên trong tập thơ bằng tiếng Tày “Khửn tàng tức slấc” (dịch: Lên đường đánh giặc). Cuốn sách đã được Cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng viết lại từ cuốn nhật ký ở chiến trường của ông.

Ông Thưởng sinh năm 1928, từ nhỏ đã thích đi học và có ước mơ trở thành nhà văn. Đầu năm 1948, chàng thanh niên người dân tộc Tày tình nguyện làm đơn xin nhập ngũ. Tại đơn vị, ông là một người hiếm hoi biết chữ nên được giữ lại làm thư ký quân khí. Cũng từ đó, ông bắt đầu gắn bó với công tác tuyên truyền. Ban đầu là dịch thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Tày, rồi viết các khẩu hiệu và ghi chép thông tin về cuộc kháng chiến. Nhờ thế, đã cho ông tư liệu để ghi lại nhật ký chiến trường của mình.
Năm 1968, ông nhận lệnh đưa quân vào chiến trường miền Nam, sau những trải nghiệm thực tế trên đường hành quân CCB Hà Thiêm Thưởng đã đặt bút viết nhật ký. Theo đó những ngày tháng “Luyện tập”, “lên đường”, rồi “Hiến lễ đón quân” cũng được ông miêu tả tỉ mỉ trong những vần thơ của mình. Vì được tận mắt chứng kiến và trải qua nên nhiều câu thơ đã khiến độc giả thấu hiểu phần nào gian khổ, hy sinh anh dũng của thế hệ đi trước. Đến khi quay lại miền Bắc công tác, ông tiếp tục viết thơ theo những hoạt động tiêu biểu trong cuộc kháng chiến của ta. Những dấu mốc lịch sử như: “Chiến dịch Tây Nguyên”; “Chiến dịch Huế - Đà Nẵng”; “Chiến dịch Hồ Chí Minh”… đều được ông miêu tả, ghi chép lại thành các bài thơ bùng cháy niềm tự hào về dân tộc, về đất nước.
Có lẽ đây là một trong những tập thơ duy nhất bằng tiếng Tày được viết tại chiến trường Miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Là nhật ký kháng chiến nên 36 bài thơ được cựu chiến binh Hà Thiêm Thưởng hoàn thành trong 10 năm. Trong đó, ông nhớ nhất là khi làm bài thơ “Việt Nam toàn thắng”.
Ông bảo, lúc ấy ai cũng đang căng thẳng bên chiếc điện thoại, chuông reo ông sẵn sàng cầm giấy bút để nghe chỉ huy chỉ đạo thông báo nội dung cần ghi lại. Khi nghe thấy giọng nói như hét lên của chỉ huy rằng “Việt Nam toàn thắng” cứ lặp đi lặp lại ông vừa hạnh phúc vừa run rẩy cầm bút, cảm xúc đặc biệt vô cùng. Sau đó, ông và mọi người nhận được lệnh thu lại hết các băng rôn, khẩu hiệu, phông bạt cũ, đem về giặt sạch và chỉ viết đúng 4 chữ “Việt Nam toàn thắng” để đi treo vào ngày mới. Vậy là đúng ngày 30/4 lịch sử ấy tôi đã đặt bút viết:
“Tin đại thắng vang dội bốn phương
Toàn thắng rồi Việt Nam toàn thắng…
Ước mong Bác thật sự là đây
Ba mươi xuân, xuân này trọn vẹn…”
(Việt Nam toàn thắng)
Năm 2018, tập thơ “Khửn tàng tức slấc” đã được chính tác giả dành tất cả tâm huyết dịch ra tiếng phổ thông với mong muốn lưu lại cho con cháu sau này. Và “ước nguyện cả đời” của người CCB đã trở thành hiện thực khi Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã tái bản lại cuốn sách theo bản song ngữ Tày - Việt.
Gấp lại từng cuốn sách về chiến tranh được viết trong thời bình, hẳn rằng nhiều độc giả sẽ như chúng tôi, cảm thấy trong tim đang được thắp lên ngọn lửa tự hào về một thế hệ cha ông anh dũng, kiên trung. Xin phép được kết thúc bài viết bằng đôi lời nhắn nhủ: “…Giá trị của mỗi giây phút được sống trong hòa bình đã được đánh đổi bằng biết bao máu xương của những người con ưu tú: Đừng để những dòng máu đổ ra từ ngày ấy trở nên hoài phí! Ai biết trân trọng mỗi phút giây yên ổn trong hiện tại sẽ biết gắng hết sức mình để đừng phải nhìn thấy máu đồng loại chảy nữa! Nếu chúng ta không nhớ những điều này, làm sao xứng đáng với sự hy sinh đó chứ?” (trích từ bài viết "Cái giá của chiến thắng" trong Những người lính Bắc Kạn một thời máu lửa).
Nguồn: https://baobackan.vn/ky-uc-nguoi-linh-giua-hoa-binh-post70572.html
Bình luận (0)