Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm nông thời 4.0

Chủ động bắt nhịp và ứng dụng tiến bộ khoa học vào hoạt động sản xuất, nhiều nông dân đang thay đổi tư duy, cách làm nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, để tiếp cận với nền nông nghiệp tiên tiến.

Báo Phú YênBáo Phú Yên21/04/2025

Mô hình trồng mía tưới nước bằng điện năng lượng mặt trời của ông Phạm Xuân Thủy ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: NGỌC HÂN

Không ngại đổi mới

Mô hình trồng bưởi áp dụng công nghệ cao của hộ ông Phan Thanh Minh ở xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh) là một trong những mô hình tiêu biểu, bước đầu thành công do ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Sông Hinh. Tiếp chúng tôi tại trang trại, ông Minh kể, khu vườn này trước đây là vùng đất đồi hoang hóa, sản xuất kém hiệu quả. Được chính quyền địa phương định hướng tham gia mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã bỏ công sức cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và chọn bưởi là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình.

Để mô hình phát triển bền vững, trong quá trình trồng, ông Minh chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như: tỉa cành, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh, kích thích ra hoa, thụ phấn bổ sung, bao bọc bưởi... Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên sau hơn 3 năm trồng, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch; trung bình mỗi vụ, thu hái từ 6-7 tấn bưởi, với giá bán ổn định từ 35.000 đồng/kg. Nói về thành công của mô hình trồng bưởi, ông Minh cho hay: Ngoài sự cố gắng của bản thân, phải kể đến sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, bởi theo tôi, muốn thành công bền vững phải có đầu tư, nhất là đầu tư vào công nghệ.

Nhắc đến mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa, không ai là không nhắc đến mô hình trồng mía của nông dân Phạm Xuân Thủy.

 Để có đủ nguồn nước tưới cho cây mía, sau khi tìm hiểu các tài liệu về sử dụng điện năng lượng mặt trời, ông Thủy đã mạnh dạn đầu tư chi phí lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để bơm nước tưới cho ruộng mía gần 30ha của gia đình. Theo tính toán của ông Thủy, trồng mía phải thâm canh và quan trọng là có nước tưới thì mới có hiệu quả cao. Nếu tưới nước bằng chạy máy dầu thì 1ha chi phí khoảng 20 lít dầu (2 ngày tưới, 400.000 đồng), 1 vụ mía cần tưới khoảng 10 lần, tổng chi phí tiền dầu khoảng 4 triệu đồng, trong khi đó sử dụng điện năng lượng mặt trời thì chỉ tốn công theo dõi, di chuyển ống tưới, khu vực tưới…

“Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất nên các vụ mía gần đây cây phát triển tốt, năng suất lên 90-95 tấn mía cây/ha, hiệu quả cao gần như gấp đôi. Vì vậy, sau 2 năm đầu tư vốn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để bơm nước tưới cho mía, hiện gia đình tôi đã thu hồi được vốn”, ông Thủy phấn khởi nói.

Tiếp tục nhân rộng và ứng dụng

Nhằm giúp hội viên tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nông sản an toàn, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh xây dựng các văn bản, chương trình, kế hoạch cụ thể triển khai xuống các cấp hội; bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng cầm tay chỉ việc.

Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, hiện có nhiều mô hình, các lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật được các cấp hội triển khai thực hiện như: mô hình ủ phân hữu cơ; hướng dẫn thực hành ủ chua dự trữ thức ăn xanh và chế biến phối trộn thức ăn cho bò; kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn sinh học; kỹ thuật phòng trị bệnh trên trâu, bò… giúp nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác, giảm chi phí, nhân công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua Chương trình mỗi xã một sản phẩm, các cấp hội còn hỗ trợ các thủ tục hồ sơ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ, hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đặc biệt, các cấp hội phối hợp với Bưu điện tỉnh, Sở Công Thương đưa các sản phẩm của người nông dân giới thiệu rộng rãi trên sàn giao dịch thương mại điện tử và trang thông tin điện tử chuyên biệt về OCOP của tỉnh.

Để khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ, các cấp hội đã phát động nhiều phong trào thi đua, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tín dụng được quan tâm nhằm tạo nguồn lực cho nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ.

Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Nhận thấy xu thế sử dụng các sản phẩm thuần thiên nhiên trong chăm sóc sức khỏe ngày càng nhiều, được hội nông dân hỗ trợ, hướng dẫn, bà Võ Thị Huệ ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) quyết định đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng nhà xưởng và thành lập cơ sở sản xuất bột ngũ cốc dinh dưỡng và hạt sen khô.

“Sau nhiều năm trồng sen, mè đen, đậu nành và chỉ bán thô, tôi nhận thấy nếu chỉ sử dụng các loại hạt này theo cách truyền thống thì sẽ không khai thác hết giá trị. Thế nên, khi được tham quan một số mô hình sản xuất chế biến hạt sen, tôi quyết định đi học nghề và đầu tư vào chế biến chuyên sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giúp nâng cao giá trị nông sản cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện 2 sản phẩm bột ngũ cốc dinh dưỡng và hạt sen khô đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của gia đình ngày càng rộng mở ở các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh”, bà Huệ chia sẻ.

Theo ông Phan Xuân Hạnh, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thời đại 4.0, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm; tham gia đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Potsmart.vn, đổi mới sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/lam-nong-thoi-40-3f25775/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm