Ngày 15-4, tại Hà Nội, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh quốc gia số (GSMA Digital Nation Summit) được tổ chức tại Việt Nam. Hội nghị do Hiệp hội di động toàn cầu (GSMA) và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức. Hội nghị có sự đồng hành của Tập đoàn Viettel, đơn vị phối hợp cùng GSMA chuẩn bị những nội dung, vấn đề thảo luận tại các phiên hội thảo.
GSMA Digital Nation Summit có chủ đề “Kết nối Việt Nam - Vai trò của ngành di động trong xây dựng quốc gia số” nằm trong chuỗi các hoạt động về chuyển đổi số tại các quốc gia trong khu vực, với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ quốc tế lớn như Qualcomm, Nokia, Ericsson, LG…

Hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam hiện đại và bền vững. Sự kiện góp phần hưởng ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, kết nối các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và tạo động lực phát triển hạ tầng số hướng đến hiện thực hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chia sẻ về chủ đề phát triển hạ tầng số tại hội nghị, ông Nguyễn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, cho biết: “Đối với mạng 5G, dù đối mặt với nhiều thách thức về chi phí đầu tư lớn, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu triển khai nhanh để đến 2026 đạt vùng phủ như 4G hiện nay. Toàn bộ các khu vực đô thị và nông thôn sẽ được sử dụng thiết bị 5G Massive MIMO (đa ăng ten quy mô lớn) hiện đại nhất, bảo đảm hiệu năng cao và sẵn sàng cho các dịch vụ số thế hệ mới. Mục tiêu này nhằm đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận công nghệ, không phân biệt vùng miền, thu hẹp khoảng cách số ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu kinh tế số đóng góp 30% GDP của Việt Nam vào năm 2030”.
Đại diện Viettel High Tech, đơn vị phụ trách mảng nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel hiện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ mạng lõi 5G, khẳng định vai trò vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa là nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai mạng lõi 5G tự chủ, tại phiên thảo luận Viettel cũng đã công bố những kết quả khả quan trong nghiên cứu và phát triển công nghệ Open RAN. Đây là một hướng đi chiến lược giúp mở rộng khả năng tự chủ về hạ tầng viễn thông, giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự linh hoạt và tính mở trong kiến trúc mạng. Với việc làm chủ cả phần cứng lẫn phần mềm, Viettel nằm trong số ít các nhà mạng trên thế giới có khả năng triển khai toàn diện một hệ sinh thái 5G tự chủ. Từ nền tảng vững chắc này, Viettel tiến tới 5G Advanced và 6G trong 5 năm tiếp theo, tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin tại Việt Nam và khu vực.
Tại hội nghị, đại diện Viettel Cyber Security và Viettel IDC cũng đã thảo luận với GSMA, LG, Nokia, Ericsson về các giải pháp công nghệ, đóng góp chính sách trong lĩnh vực an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo. Theo ông Julian Gorman, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của GSMA, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, có lẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực và Viettel là một trong những nhà khai thác lớn nhất. Tiếng nói của Việt Nam và Viettel xứng đáng được lớn hơn trong ngành công nghiệp và sự kiện này là bước đầu tiên trong quá trình đó.
GSMA là tổ chức toàn cầu đại diện cho hơn 750 nhà mạng viễn thông và 400 công ty công nghệ trong hệ sinh thái di động. Đại diện cho các nhà mạng di động và các tổ chức trong hệ sinh thái di động và các ngành công nghiệp liên quan, GSMA mang lại lợi ích cho các thành viên thông qua ba trụ cột chính: kết nối vì lợi ích cộng đồng; dịch vụ và giải pháp ngành; tiếp cận. GSMA thực hiện các mục tiêu này thông qua việc tổ chức các sự kiện công nghệ thường niên lớn nhất thế giới như MWC và M360, thúc đẩy chính sách, hỗ trợ công nghệ.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/lan-dau-tien-hoi-nghi-thuong-dinh-quoc-gia-so-dien-ra-o-tai-viet-nam-post790797.html
Bình luận (0)