Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Huế |
Ông Cung Trọng Cường chia sẻ: Để đưa Tủ sách Huế đến với học sinh trên địa bàn thành phố, Viện tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Sở Văn hóa và Thể thao thúc đẩy văn hóa đọc ở các trường học, thông qua việc tặng sách và giới thiệu sách.
Năm 2024, Viện Nghiên cứu phát triển phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm giới thiệu Đề án Tủ sách Huế tại Trường THPT Bình Điền (Hương Trà) và Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc). Nội dung giới thiệu về Tủ sách Huế và vai trò của các bạn trẻ đối với việc thúc đẩy phát triển Tủ sách Huế, giới thiệu một số ấn phẩm, như “Huế Kinh đô diệu kỳ”, tặng thêm một số cuốn sách khác. NXB Thuận Hóa và Thư viện Tổng hợp, 2 đơn vị đồng hành cũng tặng sách, giới thiệu về thư viện để học sinh có thể tiếp cận những cuốn sách quý, đọc sách trong môi trường mở. Mục tiêu của Tủ sách Huế là lan tỏa văn hóa Huế, văn hóa đọc, một trong những nền tảng quan trọng để nâng cao tri thức cho các bạn trẻ. Họ cũng chính là những người quan trọng trong việc thúc đẩy Tủ sách Huế, văn hóa đọc của Huế trong tương lai.
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc năm nay, Viện phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tọa đàm “Tủ sách Huế và Văn hóa đọc với học sinh Cố đô”, giới thiệu các mô hình đại sứ văn hóa đọc được tổ chức thành công trong cả nước, các mô hình cộng đồng như CLB Sách và Văn hóa Huế… để các trường có thể tham khảo trong việc tổ chức các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc cho học sinh.
Vậy một số hoạt động đã triển khai có đạt được mong muốn? Học sinh có hứng thú với Tủ sách Huế?
Chúng tôi nhận thấy, nơi để tiếp cận tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả cao là tiếp cận khu vực giáo dục, vào các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông. Các em học sinh rất hứng thú khi biết Đề án Thiết lập và phát triển Tủ sách Huế, các ấn phẩm viết về Huế. Thông qua những hoạt động này, chúng tôi kỳ vọng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông hiểu được Tủ sách Huế và được tiếp cận kho tài liệu này. Từ đó, các em có thể lan tỏa giá trị của Tủ sách Huế cũng như văn hóa đọc về gia đình, cộng đồng. Đây là cách tiếp cận tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn lực, chúng tôi mới thực hiện ở vài điểm theo kiểu thúc đẩy, rất mong sự đồng hành của Sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan để cùng tạo ra sự lan tỏa nhiều hơn.
Viện Nghiên cứu phát triển thành phố trao tặng các ấn phẩm của Tủ sách Huế cho Trường THPT Bình Điền. Ảnh: Viện NCPT |
Ngoài Tủ sách Huế, có rất nhiều tri thức khác từ các tủ sách chuyên đề, sách tham khảo… Tủ sách Huế là một phần trong đó, bao gồm văn hóa Huế, thái độ ứng xử, lịch sử văn hóa... Thời gian tới, khi số lượng ấn phẩm của Tủ sách Huế mở rộng hơn, nhiều cuốn sách rất mới và phù hợp với giới trẻ có thể đưa vào Tủ sách Huế bởi vì nó có giá trị thực tiễn.
Khi tổ chức các hoạt động thúc đẩy, Tủ sách Huế như là một phần lõi, Viện đưa rất nhiều ấn phẩm khác đi theo cùng Tủ sách Huế để các bạn học sinh tiếp cận. Thông qua tư tưởng của Tủ sách Huế để lan tỏa văn hóa đọc là điều quan trọng.
Theo ông, cần phải làm gì để tạo hứng thú, khơi gợi được niềm đam mê cũng như để các em nhận thức được giá trị của Tủ sách Huế?
Đây là một việc rất quan trọng. Để các bạn trẻ đam mê đọc sách, thúc đẩy việc phát triển Tủ sách Huế trong tương lai, ngoài việc lan tỏa của nhóm Tủ sách Huế, việc rất quan trọng là từng trường học phải thúc đẩy ngay văn hóa đọc sách và phải có không gian đọc sách, tổ chức giờ đọc sách, các cuộc thi về sách... Điều rất quan trọng nữa là làm sao lan tỏa được văn hóa đọc để từ thư viện, trường học đến nơi công cộng, mọi người đều thích sách và đọc sách.
Nói Tủ sách Huế thì chỉ hẹp trong những cuốn sách về chuyên môn nhưng phải nghĩ rộng ra nó như một điểm tựa để thúc đẩy văn hóa đọc, thúc đẩy hiểu biết tri thức thông qua sách. Đây là mong muốn hướng tới của Đề án Tủ sách Huế. Để đạt được điều này, phải có một quá trình, có những bước đi bài bản. Tất nhiên là với môi trường phát triển quá nhanh như bây giờ, hình thức đọc cũng phải thay đổi, kể cả Tủ sách Huế cũng phải theo sự thay đổi này.
Ông có hiến kế nào cho việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường?
Chúng tôi chưa thống kê con số chính xác, nhưng qua các ý kiến của chuyên gia hoặc thông qua một vài diễn đàn liên quan văn hóa đọc thì tỷ lệ đọc sách trong trường học không cao. Để thúc đẩy văn hóa đọc trong học đường, các cơ sở giáo dục thực hiện theo kênh của trường, ví dụ xây dựng tủ sách trong trường học hay giờ đọc sách. Viện Nghiên cứu phát triển đang thúc đẩy văn hóa đọc từ gia đình, cộng đồng, các câu lạc bộ sách…, từ đó tạo sự lan tỏa đến mọi người nói chung và học sinh nói riêng. Điều này cần thời gian và phải liên tục, tích cực.
Để lan tỏa văn hóa đọc trong môi trường học đường, theo tôi, trường nào cũng có thư viện, cũng có thể huy động được sách nhưng quan trọng phải có cách làm sáng tạo để thu hút các em học sinh. Hiện nay, có nhiều trường làm rất tốt việc này. Nếu trường nào cũng làm tốt, phong trào đọc sách sẽ lan tỏa.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/lan-toa-tu-sach-hue-van-hoa-doc-trong-hoc-duong-152706.html
Bình luận (0)