Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Long An: Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Chùa Phước Lâm

Chùa Phước Lâm là một ngôi chùa cổ, được xây dựng từ thế kỷ 19, có tên chữ Hán là Phước Lâm Tự. Nhân dân trong vùng thường gọi là chùa ông Miêng do lệ cử tên của ông Bùi Văn Minh, người đã sáng lập ra ngôi chùa.

Việt NamViệt Nam05/01/2025

Chùa Phước Lâm tọa lạc ở ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, nằm phía bên phải của tỉnh lộ 826 (từ QL1), cách thị trấn Cần Đước 1,5 km về phía Nam và thị xã Tân An khoảng 30 km về phía Tây. Chùa Phước Lâm cũng nằm gần những tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 1 (cách 15 km), quốc lộ 50 (cách 1 km).

Từ khi ở Nam Bộ có sự phân định về hành chính vào năm 1698, phần đất di tích lúc bấy giờ thuộc Tổng Phước Lộc – huyện Tân Bình – Phủ Gia Định. Đến năm 1808, Tổng Phước Lộc được nâng lên thành huyện gồm 2 tổng Lộc Thành và Phước Điền, lúc này di tích thuộc làng Tân Lân, một trong 28 làng của Tổng Lộc Thành. Năm 1832, hai huyện Thuận An và Phước Lộc được tách ra khỏi Phủ Tân Bình để thành lập Phủ Tân An. Năm 1862, sau khi chiếm xong 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp chia thành nhiều hạt tham biện trong đó hạt Cần Giuộc được thành lập từ huyện Phước Lộc trước đây. Di tích lúc bấy giờ thuộc xóm Mương ông Buông, làng Tân Lân, Tổng Lộc Thành Trung. Từ năm 1876, phần đất di tích thuộc tiểu khu Chợ Lớn, khu vực Mỹ Tho, một trong 4 khu vực hành chính lớn mà Đô đốc Duperre ra nghị định phân chia ở Nam Kỳ.

Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi các tiểu khu thành tỉnh, áp dụng chính thức vào ngày 1/1/1900, di tích lúc bấy giờ lại thuộc địa giới tỉnh Chợ Lớn. Năm 1923, Sở Đại lý Rạch Kiến được thành lập gồm các làng trong 3 tổng Lộc Thành, từ đó đến năm 1955, di tích thuộc sở Đại lý Rạch Kiến (sau là quận Rạch Kiến). Từ năm 1956, Sở Đại lý quận Rạch Kiến được đổi tên thành quận Cần Đước, thuộc tỉnh Long An khi tỉnh này được thành lập từ 2 tỉnh Chợ Lớn và Tân An nhập lại. Năm 1967, chính quyền địch chia Cần Đước thành hai quận Cần Đước và Rạch Kiến, ranh giới giữa hai quận này giữ nguyên đến năm 1975. Sau ngày miền Nam giải phóng, hai quận Cần Đước và Rạch Kiến nhập lại vào năm 1977 gồm 16 xã và 1 thị trấn được giữ nguyên cho đến nay.

Từ Thị xã Tân An, du khách theo quốc lộ 1 đến thị tứ Gò Đen, rẽ theo đường tỉnh lộ 835 đến ngã tư Xoài Đôi. Từ đây tiếp tục đi theo đường tỉnh lộ 826 về phía thị trấn Cần Đước, đến cây số 14 rẽ phải vào đường làng khoảng 100m thì đến di tích.

Cách đây trên dưới 300 năm cùng với công cuộc khẩn hoang đất Nam Bộ, những lưu dân người Việt đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất Cần Đước hiện nay. Cùng với lưu dân có những nhà sư người Việt và thuyền sư Trung Hoa đến truyền đạo tại vùng đất xa xôi này. Khai phá vùng đất mới tuy rất phi nhiều nhưng còn hoang du rậm rạp, những người đi mở đất này đã phải đương đầu với những khó khăn, trắc trở, bệnh tật, thú dữ và một môi trường hoàn toàn xa lạ, những điều ấy vẫn còn để lại qua những câu ca dao như:

"Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh
Đến đây xứ sở lạ lùng
Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh"

Đối mặt với thực tế đó, muốn tồn tại lưu dân không những phải có một tinh thần quyết tâm, sự cần cù chịu khó mà họ còn một chỗ dựa về mặt tinh thần. Phật giáo đã đáp ứng được nhu cầu của họ. Với gốc gác là những nông dân Miền Trung, Miền Bắc, lưu dân ngoài việc thờ cúng tổ tiên còn coi việc đi chùa lễ Phật là một cứu cánh tinh thần để có thêm nghị lực đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống. Chính vì thế mà những ngôi am, tự, đạo tiên bang tre, lá do các nhà sư dựng lên đã nhanh chóng trở thành nơi để các tín đồ lui tới. Khi người dân định cư đông đúc, đời sống đã được ổn định, những ngôi chùa lớn, nguy nga bắt đầu xuất hiện thay cho các ngôi thảo am buổi ban sơ.

Dưới thời các chúa Nguyễn, những vị vua sùng kính đạo Phật nhiều ngôi chùa đã xuất hiện ở vùng đất Nam Bộ. Chịu ảnh hưởng bởi tinh thần sùng đạo ấy nhiều người dân đã hiến đất, bỏ tiền xây chùa hoặc biến nhà ở của mình thành chùa.

Chùa Phước Lâm có nguồn gốc ban đầu là tư gia của ông Bùi Văn Minh, được xây dựng vào năm Tân Tỵ (1880). Ông Bùi Văn Minh là một điền chủ khá giả trong vùng. Sinh thời ông đã góp nhiều công của và làm nhiều việc công ích trong làng nên khi mất đi ông được tôn làm hậu hiền và được thờ trong đình Tân Lân. Sẵn từ tâm sùng đạo Phật lại không có con nên ông đã “cải gia vi tự”, lập nên Chùa Phước Lâm, một dạng chùa làng vừa làm nơi thờ Phật vừa là từ đường của dòng họ Bùi. Do tôn kính ông Bùi Văn Minh, dân làng kiêng húy gọi tên ông là ông Miêng và ngôi chùa do ông lập ra, ngoài tên chữ Hán là Phước Lâm Tự còn được gọi là chùa ông Miêng. Từ khi ngôi Chùa Phước Lâm được dựng các tín đồ tới lui tới ngày càng đông, lòng sùng kính Phật giáo trong quần chúng ở đây được củng cố, phát triển. Chính vì thế mà lần lượt trong khu vực gần Chùa Phước Lâm, 3 ngôi chùa khác cũng được xây dựng. Từ thuở khẩn hoang, cư dân đã đặt tên cho khu vực này là xóm Mương Ông Bường. Đến khi Chùa Phước Lâm và 3 ngôi chùa mới được xây dựng, địa danh Xóm Chùa đã thay thế địa danh xóm Mương Ông Bường trở thành chính thức trên bản đồ hành chính. Do sự phát triển của đạo Phật và vị trí địa lý thuận lợi, Phật giáo ở Cần Đước đã có mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ với vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Tiền Giang. Một minh chứng cho điều này là việc ông Bùi Văn Minh sau khi lập chùa xong đã thỉnh thầy Hồng Hiếu người đã tu học ở chùa Giác Hải (Thành phố HCM ngày nay) về trụ trì đầu tiên ở Chùa Phước Lâm. Chùa Giác Lâm một cổ tự ở Thành phố Hồ Chí Minh (xây dựng năm 1744) cũng là tổ đình của các chùa thuộc phái Lục Hòa ở Cần Đước, trong đó có Chùa Phước Lâm. Khoảng năm 1890, thầy Hồng Hiếu đã cho xây dựng thêm một điện thờ tiếp nối với Chùa Phước Lâm mà ông Bùi Văn Minh đã dựng vào năm 1880. Đó chính là Chánh điện của Chùa Phước Lâm ngày nay, Chánh điện cũ được dùng làm tổ đường của chùa và từ đường của họ Bùi. Ngoài ra hai bên ngôi Chánh điện cũ còn có hai dãy nhà đông lang và tây lang vốn là lẩm lúa của họ Bùi được sử dụng làm nhà kho và nhà trù.

Trong khoảng 10 năm với nổ lực của ông Bùi Văn Minh và thầy Hồng Hiếu, Chùa Phước Lâm đã được xây dựng hoàn chỉnh: trước đó ông Minh còn hiến cho chùa vài chục mẫu ruộng để phát canh thu tô lấy nguồn tài chính phục vụ cho Phật sự. Nhờ vậy, công với tấm lòng sùng đạo của phật tử, Chùa Phước Lâm đã trở thành một ngôi chùa lớn, khang trang, hệ thống kèo, cột toàn bằng danh mộc. Công cuộc xây dựng chùa được đảm trách bởi những cánh thợ lừng danh thời bấy giờ. Riêng phần trang trí nội thất, những bao lam, hoành phi, câu đối và các hoa tiết điêu khắc đều được thực hiện bởi những nghệ nhân chạm gỗ nổi tiếng ở Cần Đước - cánh thợ họ Đinh.

Ngay từ buổi đầu thành lập nhờ có những vị cao tăng đạo Cao Đức Trọng trụ trì và Hoằng Dương Đạo pháp cùng với uy tín và đạo đức của vị sáng lập là ông Bùi Văn Minh, Chùa Phước Lâm đã sớm trở thành một trung tâm Phật giáo của huyện Cần Đước. Hiện tại trong số 15 vị chủ trì của các chùa trong huyện Cần Đước đã có 9 vị từng thọ giới và tu học ở Chùa Phước Lâm. Chùa Phước Lâm, tính từ vị sáng lập là Bùi Văn Minh đến nay đã có truyền thừa được 7 đời, vị trụ trì hiện nay là thiền sư Thích Huệ Thông.

Kế thừa truyền thống yêu nước của Phật giáo Việt Nam, chư vị trụ trì Chùa Phước Lâm đã phát huy tinh thần “nhập thế” với chủ trương“đạo pháp và dân tộc”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các vị trụ trì đã chở che, đùm bọc lực lượng cách mạng ở Cần Đước. Trong thời kỳ chống Mỹ, Chùa Phước Lâm là cơ sở cách mạng, là nơi lui tới hoạt động của một số cán bộ lãnh đạo địa phương. Chính vì thế mà địch thường bắn phá khu vực chùa mà dấu tích của nó hiện tại chúng ta vẫn còn thấy rõ: nóc Chánh điện bay mất, hai bên đông lang, tây lang bị nổ nát.

Nhìn chung, trên dưới 300 năm vùng đất Cần Đước được người Việt khai phá thì trong ngần ấy năm đạo Phật đại thừa được xây dựng và không ngừng phát triển. Trong buổi đầu, đạo Phật là niềm an ủi tinh thần giúp cho lưu dân vượt qua những khó khăn trở ngại khi nơi đây còn hoang vu, bệnh tật, thú dữ hoành hành. Đạo Phật là một trong những nhân tố liên kết mọi người lại với nhau, với một đức tín, một niềm đồng cảm sâu sắc. Tính cởi mở, không ràng buộc khắc khe của Phật giáo đã thích hợp và tác động đến tinh thần phóng khoáng của người dân Cần Đước. Mối liên hệ giữa Phật giáo và lịch sử khai phá Cần Đước là hết sức gắn bó. Sự phát triển của đạo Phật qua các tín đồ và hệ thống chùa chiền, đặc biệt là Chùa Phước Lâm ít nhiều là chứng tích của công cuộc khai phá, xây dựng đời sống vật chất, tinh thần của người dân Cần Đước trong buổi đấu khẩn hoang lập ấp.




Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm