Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân sẽ chặn đứng vấn nạn mua bán thông tin

(Dân trí) - Trước bối cảnh dữ liệu cá nhân (DLCN) bị lộ, lọt, mua bán tràn lan và khoảng trống pháp lý hiện tại, việc xây dựng Luật Bảo vệ DLCN được xem là vô cùng cấp thiết.

Báo Dân tríBáo Dân trí23/04/2025


Sáng 23/4, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia tổ chức Tọa đàm "Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân" với mục tiêu tăng cường lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đồng thời góp phần trang bị kiến thức và nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và quyền riêng tư trong kỷ nguyên số.

Đây cũng là hoạt động góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào tháng 5. Luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2026.

Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân sẽ chặn đứng vấn nạn mua bán thông tin - 1

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an tại sự kiện (Ảnh: NCA).

Phát biểu khai mạc, Trung tướng Nguyễn Minh Chính khẳng định: "Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân là bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa quyền con người, quyền công dân, phù hợp với định hướng "lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực" mà Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đã đề ra.

Việc xây dựng luật không chỉ đáp ứng nhu cầu nội tại, mà còn là yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm chủ quyền số quốc gia".

Xây dựng luật là cấp bách

Tại Tọa đàm, đại diện Ban soạn thảo - Thiếu tá Đào Đức Triệu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội, Trưởng Ban Nghiên cứu, tư vấn Chính sách và Pháp luật đã trình bày những nội dung trọng tâm trong Dự thảo bao gồm: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc xử lý dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, trách nhiệm bảo vệ dữ liệu, cơ chế xử lý vi phạm và bảo đảm quyền riêng tư trong môi trường số.

"Việc xây dựng Luật là cấp bách nhằm thể chế hóa quy định Hiến pháp về quyền riêng tư, quyền con người và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số quốc gia. Luật ra đời trong bối cảnh dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến trên không gian mạng, trong khi tình trạng lộ, lọt, mua bán DLCN diễn ra tràn lan, gây mất an ninh và xâm phạm quyền lợi cá nhân.

Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân sẽ chặn đứng vấn nạn mua bán thông tin - 2

Theo Thiếu tá Đào Đức Triệu, luật ra đời trong bối cảnh dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến trên không gian mạng, trong khi tình trạng lộ, lọt, mua bán DLCN diễn ra tràn lan, gây mất an ninh và xâm phạm quyền lợi cá nhân (Ảnh: NCA).

"Nhiều quốc gia đã ban hành luật về bảo vệ DLCN, Việt Nam cần có khung pháp lý tương thích để hội nhập và tăng cường hợp tác quốc tế, bảo vệ DLCN gắn liền với an ninh con người, an ninh quốc gia và chủ quyền dữ liệu quốc gia", ông Triệu cho biết.

Luật sẽ lấy bảo vệ DLCN làm nền tảng, động lực cho sự phát triển và khai thác dữ liệu đúng hướng, lâu dài. Đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ DLCN chặt chẽ và tạo thuận lợi cho hoạt động xử lý dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cân bằng giữa quản lý dữ liệu với đổi mới sáng tạo, tập trung vào các tác nhân rủi ro cao thay vì quy định bao trùm và cuối cùng là ưu tiên hậu kiểm (giám sát, trách nhiệm) hơn tiền kiểm (giấy phép).

Tại sự kiện, các chuyên gia cũng làm rõ các khái niệm về dữ liệu cá nhân (cơ bản, nhạy cảm), dữ liệu phi cá nhân, chủ thể dữ liệu, bên kiểm soát/xử lý dữ liệu, xử lý dữ liệu, chuyển dữ liệu xuyên biên giới, khử nhận dạng dữ liệu.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển, kiến nghị xây dựng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh dữ liệu cá nhân, đồng thời thiết kế bản kiến trúc tổng thể về quản trị và thực thi chính sách sau khi Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân ban hành theo lộ trình khoa học chính sách.

Luật Dữ liệu Cá nhân sẽ làm rõ các định nghĩa cốt lõi (DLCN cơ bản/nhạy cảm, chủ thể, bên kiểm soát/xử lý, xử lý dữ liệu, chuyển dữ liệu xuyên biên giới,...) và áp dụng cho cả môi trường điện tử lẫn thực tế.

Luật quy định 11 quyền cơ bản cho chủ thể dữ liệu (quyền biết, đồng ý, truy cập, xóa,...) và đặt ra các nghĩa vụ cho bên xử lý dữ liệu như phải có cơ sở pháp lý (thường là sự đồng ý), áp dụng biện pháp bảo vệ, đánh giá tác động, chỉ định nhân sự phụ trách (DPO) và thông báo vi phạm.

Luật cũng có quy định riêng cho việc xử lý DLCN của trẻ em, người mất tích/đã chết và yêu cầu đánh giá tác động, thông báo khi chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Ngoài ra, dự thảo phân biệt việc "sử dụng" DLCN như tài nguyên với "mua bán" như hàng hóa, và đề xuất cơ chế chứng nhận/xếp hạng tín nhiệm bảo vệ DLCN cho doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là một bước tiến quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ quyền riêng tư trong kỷ nguyên số, đồng thời thúc đẩy sự phát triển an toàn và bền vững của kinh tế - xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia thừa nhận rằng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện một số nội dung để đảm bảo tính khả thi và cân bằng lợi ích các bên.

Bảo vệ quyền riêng tư và các quyền lợi hợp pháp của công dân

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng A05 cho biết: "Việc ban hành Luật Bảo vệ DLCN hiện nay được coi là cấp thiết vì Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo".

Theo Thượng tá Sơn, tình trạng vi phạm liên quan đến DLCN, đặc biệt trên không gian mạng, diễn ra khá phổ biến và đáng báo động.

Hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định đồng bộ, thống nhất và cụ thể về bảo vệ DLCN. Hiện có khoảng 68 văn bản quy phạm pháp luật đề cập đến các khía cạnh liên quan tới DLCN (như thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, dữ liệu số...) nhưng với phạm vi và nội hàm khác nhau, chưa tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh. Chính vì thế, việc ban hành một luật riêng về bảo vệ DLCN là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển trong thời gian tới".

Phó Cục trưởng A05 kỳ vọng: "Luật Bảo vệ DLCN được kỳ vọng sẽ là "mảnh ghép" quan trọng còn thiếu, giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo sự đồng bộ trong quản lý Nhà nước và tác động đến hoạt động điều hành của Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các hoạt động, tương tác của người dân trên mọi môi trường, đặc biệt là môi trường mạng.

Đồng thời, luật sẽ giúp bảo vệ quyền riêng tư và các quyền lợi hợp pháp khác của công dân liên quan đến dữ liệu cá nhân của họ".

Dự thảo Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân gồm 07 chương, 69 điều, quy định đầy đủ về các nội dung: nguyên tắc xử lý dữ liệu, quyền và nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu và bên liên quan, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, đánh giá tác động dữ liệu, xếp hạng tín nhiệm bảo vệ dữ liệu, xử lý vi phạm và cơ chế kiểm tra, giám sát. Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu công dân Việt Nam.

Về cơ sở chính trị, Luật cụ thể hóa các nội dung trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó xác định "lấy con người làm trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển", gắn bảo vệ dữ liệu cá nhân với bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số.

Về cơ sở pháp lý, Luật nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Mục tiêu tổng thể là hoàn thiện hành lang pháp lý thống nhất, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế số, bảo đảm an ninh trật tự và chủ quyền dữ liệu quốc gia.

Luật dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2026.

Nguồn: https://dantri.com.vn/cong-nghe/luat-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-se-chan-dung-van-nan-mua-ban-thong-tin-20250423161356499.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm