Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

‘Lực đẩy’ mạnh cho dệt may mở thị trường

Báo Công thươngBáo Công thương28/03/2025

Xúc tiến xuất khẩu tại chỗ đã, đang giúp ngành dệt may thu hút lượng lớn nhà nhập khẩu. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tìm hiểu, chọn Việt Nam làm cứ điểm.


Báo Công Thương đã có buổi thảo luận với TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Dệt May Hà Nội xung quanh vấn đề này. Đồng thời lắng nghe chia sẻ của ông về mong muốn cũng như giải pháp nhằm giúp ngành đạt mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn.

Thành quả tốt từ hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ

-Ngành dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu sang 104 quốc gia, vùng lãnh thổ - một con số không hề nhỏ, theo ông, đâu“bí quyết” để đạt kết quả đáng ghi nhận trên?

Ông Hoàng Xuân Hiệp: Ngành dệt may Việt Nam tập trung chủ yếu vào xuất khẩu. Năm 2024, trong tổng số 44 tỷ USD kim ngạch, chiếm 90 % là hoạt động xuất khẩu, 10% là hoạt động nội địa. Chính bởi phần lớn sản lượng của ngành dành cho xuất khẩu, do đó, phát triển thị trường mới là một trong những đặc điểm, cũng đồng thời là thế mạnh của ngành dệt may.

Bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc …, nhờ nỗ lực đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do của Chính phủ, Bộ Công Thương ngành dệt may đã khai mở nhiều thị trường mới như: Canada, Australia, Mexico, Nga…Từ đó, ngành dệt may ngày một củng cố được vai trò, vị thể trên thị trường dệt may toàn cầu.

Và, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu tại chỗ đã có đóng góp rất tích cực vào việc phát triển thị trường mới của ngành dệt may Việt Nam. Trước hết, hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức ngay tại Việt Nam giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được với cả khách hàng truyền thống và khách hang mới.

Thứ hai, tiếp cận được với chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nhà cung cấp nguyên liệu cho ngành thời trang Việt Nam. Đặc điểm của kinh tế bây giờ là kinh tế toàn cầu, chuỗi cung ứng cũng là chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta không thể sản xuất hết mọi thứ. Vì thế, đó là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam có thể tiếp cận được với nhiều mắt xích trong chuỗi cung ứng và dần dần sẽ bước chân vào những khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị.

Thứ ba, xúc tiến thương mại ngay tại thị trường nội địa giúp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được công nghệ mới, công nghệ tiên tiến giúp với chi phí hợp lý nhất. Ngành dệt may hiện có đến 89 % doanh nghiệp có dưới 200 lao động, tức là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ không có chi phí để tham gia các hoạt động xúc tiến xuất khẩu ở nước ngoài, tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà nhập khẩu thì việc tham gia các hội chợ trong nước được tổ chức với quy mô quốc tế là giải pháp thay thế tốt.

TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

-Nói về xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, ngành dệt may có triển lãm quốc tế, ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải được tổ chức định kỳ hàng năm đã trở thành điểm đến của các nhà cung ứng trên thế giới, qua nhiều năm tổ chức, ông nhìn nhận ra sao về sự nhiệt tình tham gia của các đối tác nước ngoài?

Ông Hoàng Xuân Hiệp: Hai hội chợ xúc tiến của ngành dệt may được tổ chức vào tháng 4 và tháng 10 hàng năm là minh chứng sinh động cho việc nhà cung ứng, mua hàng trên thế giới đã xem Việt Nam là một trong những quốc gia rất mạnh về dệt may.

Tại hội chợ tổ chức tháng 4, thường có khoảng 1.000 các nhà trưng bày tham gia, hội chợ tháng 10 có khoảng 300 nhà trưng bày. Qua số lượng doanh nghiệp tham dự có thể rõ ràng nhìn thấy bên cạnh mục đích thương mại, các nhà trưng bày có rất nhiều lợi ích khi tham gia, nổi bật nhất là cơ hội để tiêu thụ những mặt hàng của họ. Chỉ riêng về vải thôi, một năm doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nhập khẩu 10 - 11 tỷ USD - con số không hề nhỏ, chưa kể khoảng 10 tỷ USD giá trị các nguyên, phụ liệu khác.

Cùng đó, họ cũng là những nhà cung cấp công nghệ mới cho ngành dệt may Việt Nam. Đó cũng là cơ hội với ngành vì chúng ta tiến hành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất nhanh khi tiếp cận được công nghệ phù hợp.

Nhà trưng bày khi tham gia vào triển lãm ở Việt Nam cũng tiếp cận được với một lượng khách hàng người Việt Nam rất tốt. Đó cũng là minh chứng thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng tốt hơn và minh chứng sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh ngày một tăng lên. Điều này cũng thể hiện rất sinh động khi năm 2010 thị phần của dệt may Việt Nam trên thế giới khoảng 2% nay tăng lên khoảng 6%.

Xúc tiến xuất khẩu tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường (Ảnh minh hoạ)
Xúc tiến xuất khẩu tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường (Ảnh minh hoạ)

Chung sức thu hút đầu tư FDI vào khâu thượng nguồn

-Mục tiêu của các hoạt động xúc tiến xuất khẩu trên sân nhà là thu hút nhãn hàng, nhà nhập khẩu đến với Việt Nam, mở cơ hội hợp tác nhằm phát triển sản xuất, nhất là trong khâu thượng nguồn, ông nghĩ sao về ý kiến này và cho đến nay thu hút đầu tư của ngành đã đạt được ở mức độ nào?

Ông Hoàng Xuân Hiệp: Một trong những điểm yếu của ngành dệt may Việt Nam là khâu thượng nguồn, từ thiết kế mẫu mã đến sản xuất nguyên liệu. Những hội chợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu tại chỗ đã giúp ngành dệt may Việt Nam củng cố lĩnh vực sản xuất này là khá nhiều.

Đầu tiên có thể thấy ngay được là qua hội chợ xúc tiến thương mại doanh nghiệp sản xuất ở khâu thượng nguồn của Việt Nam tìm được thị trường của mình. Rõ ràng, phát triển được ở những thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… sẽ thúc đẩy và là động lực kéo cả một khu vực sản xuất đi lên. Ví dụ xuất khẩu sợi của Việt Nam khoảng 4 tỷ USD, vải khoảng 2-3 tỷ USD, nếu tìm được thị trường cho mặt hàng này sẽ là sức kéo cho khâu sản xuất sợi, vải phát triển mạnh mẽ hơn.

Đầu tư vào thượng nguồn đòi hỏi vốn rất lớn nên lựa chọn công nghệ hợp lý để đầu tư sao cho khả năng hoàn vốn sớm nhất. Về lựa chọn thiết bị thì qua hội chợ xúc tiến thương mại, doanh nghiệp trong nước có thể đối sánh các nhà cung cấp với nhau.

Mặt khác, thông qua các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, trong quá trình tiếp xúc với khách, nhà sản xuất cũng nắm được thông tin của các thị trường về tiêu chuẩn hay quy định mới.

Kết quả hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, cộng hưởng với chính sách khác của Chính phủ, kết quả thu hút nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam là rất tốt. Tính đến hết năm 2024, có khoảng trên 3.500 dự án, thu hút trên 37 tỷ USD cho ngành dệt may.

-Qua thực tế quan sát, theo ông, ngành dệt may có khó khăn gì trong thu hút đầu tư thông qua các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ và đâu là giải pháp để tháo gỡ?

Ông Hoàng Xuân Hiệp: Chúng ta tổ chức những sự kiện xúc tiến thương mại thì nội dung cho xúc tiến thương mại rất quan trọng - đó chính là nội lực của từng lĩnh vực. Để cho xúc tiến thương mại thành công, chúng ta phải chuẩn bị nội lực tốt để quảng bá với thế giới.

Ví dụ, đối với dệt may, thiếu nguyên phụ liệu là nút thắt lớn, nhiều đối tác đến tìm cơ hội đầu tư, giao thương vào sợi - dệt - nhuộm nhưng lại không được chào đón từ phía các địa phương nên rất khó giữ chân nhà đầu tư.

Chính sách cũng như ưu đãi về mặt tài chính, thuế đối với công nghiệp hỗ trợ cho ngành chưa rõ ràng và không đủ sức hấp dẫn.

Khó khăn cuối cùng, nhân lực cũng là một trong những rào cản khi khách hàng nước ngoài đến Việt Nam đầu tư, muốn có nhân lực chất lượng cao nhưng với ngành dệt may đang rất thiếu.

Giải pháp cho việc này, Chính phủ cần quy hoạch những khu công nghiệp tập trung quy mô lớn cho từng lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt. Như dệt may, nên có những khu công nghiệp lớn riêng của ngành, trong đó có xử lý nước thải, cung cấp hạ tầng về chuyển đổi xanh, nhân lực …

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ về mặt tài chính, thuế, lãi suất tất nhiên là những chính sách hỗ trợ không vi phạm vào các cam kết hội nhập quốc tế. Cùng đó, những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt nhưng mà nhân lực đầu vào khan hiếm, Nhà nước nên có chính sách đặt hàng đào tạo cho nhân lực thuộc khối thượng nguồn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội: Xúc tiến xuất khẩu tại chỗ không chỉ kéo nhà nhập khẩu mà còn thu hút nhà đầu tư và mở rộng sản xuất khâu thượng nguồn tại Việt Nam, giúp ngành lấp dần “khoảng trống” nguyên phụ liệu.


Nguồn: https://congthuong.vn/xuc-tien-xuat-khau-luc-day-manh-cho-det-may-mo-thi-truong-380451.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm