Trồng cau mang lại thu nhập ổn định nên nhiều nhà nông trên địa bàn tỉnh đã cải tạo, khôi phục lại vườn cau để tăng thêm thu nhập, đồng thời góp phần tô điểm vẻ đẹp làng quê.
Đó là những chia sẻ của ông Hoàng Văn Việt ở khu 4, xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao khi nhắc về loài cây mang hồn cốt nơi ông sinh ra và gắn bó. Ông Việt kể rằng, ngày trước, cau được coi là chỉ dấu đặc biệt của mỗi gia đình trong làng. Bởi chỉ cần nhìn vào hàng cau trước nhà, người lạ có thể biết gia đình ấy có bao nhiêu thành viên. Như gia đình ông Việt chẳng hạn. Sau khi sinh 4 người con, bố ông ra chợ mua 6 cây cau nhỏ về trồng trước sân. Dù được trồng cùng một thời điểm, trên cùng một mảnh đất nhưng theo thời gian, 6 cây lại có kích thước khác nhau. Hai cây đầu tượng trưng cho bố và mẹ cao lớn nhất, 4 cây còn lại nhỏ và thấp dần tựa như 4 anh chị em trong nhà. Người làng quan niệm, cây cau là biểu tượng của sự hiên ngang, sum vầy và sung túc. Cau nhà nào tươi tốt, sống lâu là có phúc. Nếu chẳng may có cây bị sâu bệnh, rũ héo hoặc ngã đổ sẽ là điềm gở, phải tìm cây khác trồng thế vào...
Là địa phương còn lưu giữ được nét đẹp trồng cau tô điểm cho làng quê, khắp các đường làng, ngõ xóm trên địa bàn Lâm Thao đâu đâu cũng thấy thấp thoáng dáng hình cây cau, hàng cau cao vút. Các loại cau được người dân nơi đây lựa chọn trồng chủ yếu là cau lùn và cau trắng. Cau lùn thường được trồng làm cảnh trong sân vườn, cao trung bình, gốc thân hơi phình rộng, mang nhiều rễ nổi. Cau trắng có thân cao, tròn, hoa trắng và đặc biệt là quả khi chín có màu đỏ rất bắt mắt. Cây có chiều cao đến 10 mét, thân tròn đều, đốt sát nhau, thường được trồng trong sân trường học, nhà văn hoá...
Những năm gần đây, ngoài phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, thói quen ăn trầu của nhiều người, cau còn được tiêu thụ mạnh nhờ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Hiện mỗi buồng cau (loại 100 quả) có giá bán dao động từ 200-300.000 đồng. Thu nhập từ cau ổn định nên nhiều nhà nông bắt đầu cải tạo, khôi phục lại vườn cau để tạo thêm nguồn thu nhập, đồng thời góp phần tô điểm vẻ đẹp làng quê với những hàng cau thẳng tắp dọc theo các tuyến đường nông thôn mới.
Một góc hàng cau tại xã Cao Xá, huyện Lâm Thao.
Gắn bó với nghề “ăn cơm mặt đất, làm việc trên trời” nhiều năm, cứ đến dịp cuối Hè, anh Nguyễn Văn Dũng, huyện Cẩm Khê lại tất bật ngược xuôi khắp các huyện Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hoà - khu vực trồng nhiều cau trong tỉnh để thu mua cau. Anh Dũng chia sẻ: “Mùa cau bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12. Cau thu mua phải đảm bảo các yếu tố: Quả tròn trịa, lành lặn và xanh bóng, không bị mất chóp cau... Với giá bán trung bình 60.000-70.000 đồng/kg, có những buồng sai quả, người bán có thể thu về tiền triệu...”.
Cùng với lũy tre xanh, cây đa, bến nước,... cây cau là một trong những hình ảnh thân thương, ghi đậm dấu ấn làng quê. Nét đẹp văn hoá trong trồng cau vườn nhà hay sự xuất hiện của trầu cau trong những lễ nghi, các dịp trọng đại của đời người là cách để con người trân trọng lưu giữ, tiếp nối cái duyên với quả cau, tạo ra những giá trị kinh tế và tinh thần tốt đẹp cho muôn đời.
Đồng Niên
Nguồn: https://baophutho.vn/luu-giu-net-dep-lang-que-213338.htm
Bình luận (0)