Thi công cống thoát lũ tại đoạn đường bản Nhụng Dưới - Bằng Ban, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.
Năm 2024, huyện Mai Sơn chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt mưa đá, mưa lớn, gió lốc và bão số 2, 3, đã gây lũ quét, lũ ống, khiến 7 người chết, 1 người bị thương, và 348 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó, 15 nhà sập hoàn toàn. 168 nhà nằm trong vùng nguy cơ phải di dời khẩn cấp tại các xã Chiềng Chung, Chiềng Nơi, Chiềng Ve, Nà Bó, Phiêng Pằn, Mường Bon, Mường Chanh. Hơn 640 ha lúa và rau màu bị hư hại, hơn 56 ha ao nuôi cá bị cuốn trôi, 3.779 con gia súc, gia cầm chết. 8 điểm trường bị ngập, nhiều tuyến đường sạt lở nghiêm trọng và các công trình hạ tầng, thủy lợi bị phá hủy. Tổng thiệt hại lên tới hơn 35 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện tượng sụt lún tại bản Nong Sơn, xã Chiềng Sung và bản Mòn, xã Cò Nòi, cũng ảnh hưởng đến cuộc sống nhân dân.
Đúc rút những kinh nghiệm trong triển khai ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các xã, thị trấn, kiểm tra chất lượng các công trình thủy lợi, giao thông, trường học và y tế để sửa chữa; củng cố Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp, xây dựng phương án ứng phó và xác định các vùng nguy cơ cao như lũ quét, sạt lở, ngập lụt và khu vực ven suối. Các xã, thị trấn chủ động phòng, chống bão lũ, huy động nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng” để ứng phó, khắc phục hậu quả.
Cầu Nặm Bông, xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, được đầu tư xây dựng.
Tại xã Chiềng Nơi, năm 2024 thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản cho xã. Sau thiên tai, xã phối hợp khẩn trương cùng các cơ quan chức năng khôi phục, thi công các công trình, dự án bị ảnh hưởng. Đến nay, đã xây dựng trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các bản Bằng Ban, Nhụng Dưới, Trạm Y tế xã, điện nông thôn, kè suối và các công trình nước sinh hoạt tại các bản Nhụng Dưới, Bằng Ban, Sài Khao, Pá Hốc.
Ông Cầm Văn Trực, Chủ tịch UBND xã Chiềng Nơi, cho biết: Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chằng néo nhà cửa, phòng chống gió lốc, gió xoáy và rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời, huy động máy móc, vật tư từ nhân dân các bản dọc tuyến đường để ứng trực, xử lý kịp thời các điểm sạt lở, đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa lũ sắp tới.
Năm 2024, xã Mường Chanh cũng chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 2, số 3. Sau lũ, huyện đã đầu tư gần 12 tỷ đồng xây mới, sửa chữa 9 công trình, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 322 triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ năm trước, việc ứng phó với thiên tai được cấp ủy, chính quyền xã chú trọng. Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã chỉ đạo các bản thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động di dời các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn trước mùa mưa lũ. Các khu vực xung yếu như đập tràn, cầu yếu tiếp tục vận động người dân đóng góp công sức và vật chất để sửa chữa, đảm bảo an toàn. Đồng thời, sẵn sàng huy động nguồn lực phòng chống mưa lũ, tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”.
Kè bản suối Nhụng, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn được xây dựng kiên cố.
Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Huyện đã thành lập đội xung kích, chủ yếu là ĐVTN và dân quân, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tăng cường tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, nâng cao năng lực cứu nạn, cảnh báo các điểm nguy hiểm trong mưa lũ và xây dựng phương án di dời các hộ ở vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét. Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện rà soát, bổ sung phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn. Đến nay, đã đầu tư gần 1.000 phao tròn, 800 áo phao cứu sinh, 24 bộ nhà bạt, 10 máy bơm nước, 5 máy phát điện và nhiều dụng cụ phục vụ phòng chống mưa lũ.
Tập trung, đầu tư cơ sở hạ tầng phòng chống mưa lũ, nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo, cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực đưa ra giải pháp cụ thể trong việc PCTT-TKCN, huyện Mai Sơn sẽ ứng phó kịp thời, hiệu quả với mùa mưa lũ năm nay.
Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/mai-son-chu-dong-phong-chong-mua-lu-MNtYpZJNg.html
Bình luận (0)