Với số thuế miễn khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm,Chính phủ đánh giá chính sách miễn thuế không làm giảm thu ngân sách so với hiện tại. |
Bước ngoặt chiến lược cho nông nghiệp Việt Nam
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ lâu được xác định là trụ cột trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo vệ Tổ quốc. Chính phủ nhấn mạnh, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, nhằm khẳng định vai trò của nông nghiệp trong đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế và cải thiện đời sống nông dân.
Chính sách miễn thuế SDĐNN từ năm 2001 đã chứng minh hiệu quả vượt trội. Chính phủ đánh giá, chính sách này giúp giảm gánh nặng tài chính cho nông dân, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ đất đai và hiện đại hóa nông thôn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và tình trạng đất đai manh mún, việc kéo dài chính sách đến năm 2030 là giải pháp cấp thiết để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đã mang lại tác động tích cực rõ rệt. Từ năm 2001- 2010, tổng số thuế miễn trung bình đạt 3.268,5 tỷ đồng mỗi năm, tăng lên 6.308,3 tỷ đồng mỗi năm giai đoạn 2011- 2016; 7.438,5 tỷ đồng mỗi năm từ 2017-2020, và ổn định ở mức 7.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Chính sách hỗ trợ trực tiếp nông dân, giảm chi phí sản xuất, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy các mô hình sản xuất quy mô lớn như kinh tế trang trại, hợp tác xã và cánh đồng lớn.
Kết quả nổi bật là sự tăng trưởng vượt bậc trong xuất khẩu nông sản, từ 4,7 tỷ USD năm 2001 lên 53,22 tỷ USD năm 2023, đưa Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á, dẫn đầu về các mặt hàng như gỗ, thủy sản, điều, tiêu. Chính phủ khẳng định chính sách miễn thuế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đặc biệt qua các hiệp định CPTPP và EVFTA.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đất đai manh mún, phân tán gây khó khăn cho sản xuất quy mô lớn. Chỉ 5,5% (trong tổng số 900.000 doanh nghiệp cả nước), tức khoảng 50.000 doanh nghiệp, trong đó có tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đầu tư vào nông nghiệp nên chưa đáp ứng tiềm năng và yêu cầu tái cơ cấu ngành. Hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, hiệu quả thấp, thiếu sức cạnh tranh.
Tình trạng đất bỏ hoang và sử dụng sai mục đích vẫn tồn tại, đòi hỏi chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn để khuyến khích đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Chính phủ nhận định rằng, miễn thuế SDĐNN là giải pháp tài chính hiệu quả, khuyến khích doanh nghiệp và nông dân gắn bó với đất, phát triển sản xuất bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
Đòn bẩy cho phát triển bền vững
Dự thảo Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN được Chính phủ thiết kế đơn giản nhưng tập trung, với hai nội dung cốt lõi nhằm củng cố và kéo dài chính sách đã chứng minh hiệu quả.
Trước hết, dự thảo Nghị quyết đề xuất kéo dài thời hạn miễn thuế SDĐNN đến hết ngày 31/12/2030, tiếp tục áp dụng theo các Nghị quyết 55/2010/QH12, 28/2016/QH14 và 107/2020/QH14. Chính sách này áp dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất, bao gồm đất trồng trọt, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng trồng. Riêng diện tích đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho tổ chức quản lý, nhưng không trực tiếp sản xuất mà cho tổ chức, cá nhân khác thuê lại theo hợp đồng sẽ không được miễn thuế. Quy định này nhằm đảm bảo sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích, tránh lãng phí tài nguyên. Chính sách kế thừa các quy định ổn định hơn 20 năm, giữ nguyên đối tượng và phạm vi áp dụng để đảm bảo tính liên tục và nhất quán.
Thứ hai, Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, ngay sau khi chính sách hiện hành theo Nghị quyết 107/2020/QH14 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2025. Thời điểm này đảm bảo không gián đoạn chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tạo sự ổn định để triển khai các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp. Chính phủ nhấn mạnh thời hạn kéo dài đến năm 2030 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, đặc biệt là mục tiêu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Chính phủ đánh giá chính sách miễn thuế không làm giảm thu ngân sách so với hiện tại, vì đã được áp dụng liên tục từ năm 2001. Với số thuế miễn khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm, chiếm chỉ 0,00057% tổng thu ngân sách năm 2023, tác động tài chính được xem là không đáng kể so với những lợi ích kinh tế - xã hội mang lại. Nghị quyết được xây dựng dựa trên đánh giá kỹ lưỡng hơn 30 năm thực hiện chính sách thuế SDĐNN, khẳng định tính lạc hậu của phương pháp tính thuế bằng thóc và sự cần thiết của việc miễn thuế để hỗ trợ nông nghiệp hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.
Chính phủ kỳ vọng Nghị quyết sẽ mang lại hiệu quả vượt trội, tiếp tục hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã. Chính sách này giúp giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản. Số tiền miễn thuế 7.500 tỷ đồng mỗi năm là nguồn lực tài chính quan trọng để phát triển các mô hình kinh tế trang trại, cánh đồng lớn và chuỗi giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế qua các hiep định CPTPP và EVFTA.
Nghị quyết sẽ thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai, khắc phục tình trạng manh mún và đất bỏ hoang, góp phần giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực đến năm 2030, như mục tiêu đề ra tại Kết luận 81-KL/TW. Chính sách tạo thêm việc làm ở nông thôn, nơi hơn 60% lực lượng lao động cả nước tập trung, qua đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Xuất khẩu nông sản được dự báo duy trì đà tăng trưởng, củng cố vị thế Việt Nam trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, tương tự miễn thuế SDĐNN tại Ireland, Anh, hay ưu đãi thuế tại Canada, Nga. Thuộc “hộp xanh lá cây” của WTO, chính sách không vi phạm cam kết trong CPTPP, EVFTA, đảm bảo tính minh bạch và hội nhập. Nghị quyết không phát sinh thủ tục hành chính hay bất bình đẳng giới, dễ triển khai và nhận được sự đồng thuận từ các địa phương. Chính phủ nhận định rằng việc miễn thuế không làm tăng thu ngân sách, nhưng tác động này không đáng kể do số thu từ thuế SDĐNN chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi lợi ích kinh tế - xã hội vượt xa, như đã chứng minh qua 20 năm thực hiện. Không có hạn chế đáng kể nào được ghi nhận, do chính sách đã ổn định và không gây vướng mắc hay xung đột với cam kết quốc tế.
Chính phủ kỳ vọng Nghị quyết sẽ củng cố vai trò nông nghiệp như lợi thế quốc gia, thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại hóa nông thôn và nâng cao đời sống nông dân. Chính sách hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 3% mỗi năm đến năm 2030, tăng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp và đưa nông nghiệp Việt Nam vào nhóm 15 nước phát triển nhất thế giới vào năm 2045. Nghị quyết góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định chính trị và phát triển bền vững…
Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025 để đảm bảo chính sách được triển khai liên tục từ ngày 1/1/2026. Nghị quyết sẽ tạo nền tảng vững chắc cho nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, góp phần đưa Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/mien-thue-dat-nong-nghiep-dong-luc-tai-co-cau-nong-nghiep-den-nam-2030-162793.html
Bình luận (0)