Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Món quà của tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc

Là nhà nghiên cứu Trung Quốc chuyên sâu về lịch sử cách mạng Việt-Trung, Giáo sư Hoàng Tranh nỗ lực hệ thống lại những sự kiện lịch sử quan trọng về tình hữu nghị hai nước để biên soạn thành những cuốn sách, kể những câu chuyện hấp dẫn, ý nghĩa về quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế20/04/2025

Món quà của tình hữu nghị
GS. Hoàng Tranh trao tặng ấn phẩm cho Bảo tàng Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 10/2024. (Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Giáo sư Hoàng Tranh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây đã viết, chủ biên nhiều cuốn sách, tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn ở Trung Quốc, đặc biệt trong thời gian ở Quảng Tây.

Cuốn sách mới nhất của ông với tựa đề “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây” được xuất bản như một món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1/1950-18/1/2025) và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc.

Không ngừng đào sâu nghiên cứu

Chia sẻ về cơ duyên khiến ông đi sâu nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn ở Trung Quốc, Giáo sư Hoàng Tranh nhớ lại vào giữa những năm 1960, ông tốt nghiệp khoa Lịch sử của Đại học Trung Sơn, sau đó ông có cơ hội làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, chuyên nghiên cứu lịch sử, với trọng tâm là lịch sử quan hệ Trung-Việt và lịch sử địa phương Quảng Tây.

Trong quá trình nghiên cứu, ông Hoàng Tranh nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng lâu dài tại Trung Quốc, đặc biệt là ở Quảng Tây và giữa hai nước Trung-Việt tồn tại mối quan hệ cách mạng sâu sắc.

“Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện một dự án nghiên cứu có hệ thống về những sự kiện lịch sử quan trọng liên quan tình hữu nghị Trung - Việt, xoay quanh đề tài ‘Hồ Chí Minh và Trung Quốc’, nhằm góp phần phát huy và tôn vinh tình hữu nghị giữa hai nước”, Giáo sư Hoàng Tranh nói.

Dưới sự chỉ đạo và hỗ trợ của Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, từ những năm 1980, ông Hoàng Tranh lần lượt viết và chủ biên nhiều sách liên quan đến đề tài Hồ Chí Minh và cách mạng Trung Quốc. Quá trình nghiên cứu gặp khó khăn vì các sự kiện xảy ra trước khi Trung Quốc thành lập (1/10/1949), tài liệu tham khảo khan hiếm, buộc ông phải tìm đến các nhân chứng, người từng biết sự việc để khai thác thông tin từ ký ức cá nhân của họ, hoặc dùng các tư liệu truyền miệng ấy làm đầu mối để tiếp tục điều tra và phát hiện các nguồn tư liệu có giá trị từ những kênh khác.

Tuy nhiên, với nỗ lực bền bỉ và mong muốn gìn giữ và phát huy tình hữu nghị Trung-Việt, tài sản quý báu do Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo tiền bối hai nước dày công vun đắp, Giáo sư Hoàng Tranh đã tích lũy được kiến thức chuyên môn sâu rộng và lượng tư liệu phong phú liên quan các chủ đề “Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, “Quảng Tây và Việt Nam” trong lịch sử hiện đại. Điều này tạo nền tảng thuận lợi cho ông trong việc nghiên cứu chuyên đề và xuất bản cuốn sách “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung - Việt tại Quảng Tây” trong thời gian gần đây.

Được khích lệ và truyền cảm hứng

Theo Giáo sư Hoàng Tranh, việc biên soạn và xuất bản cuốn sách “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây” như một cơ duyên thôi thúc ông. Tháng 3/2023, cuốn sách ảnh song ngữ Trung-Việt “Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Trung-Việt”, do Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây chủ biên và Giáo sư Hoàng Tranh trực tiếp biên soạn xuất bản.

Cuốn sách đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt, và nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam. Điều đó đã mang lại cho vị học giả Trung Quốc sự khích lệ lớn lao.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia Trung Quốc nhắc lại trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 12/2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Lãnh đạo hai nước đạt được nhận thức chung về việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Trong thời gian ở Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng với thanh niên hai nước và đại diện những người hữu nghị với tựa đề “Kế thừa tình hữu nghị truyền thống, mở ra chặng đường mới trong xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt”.

Khi đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đề cập nhiều câu chuyện cụ thể về “Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hữu nghị Trung-Việt”, với nhiều nội dung liên quan đến Quảng Tây. Những câu chuyện tiêu biểu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng lâu dài tại Quảng Tây; nông dân Nông Kỳ Chấn ở huyện Long Châu, Quảng Tây từng che chở cho Người thoát nạn; Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi đồng bào Việt Nam” tại Quảng Tây; Chuyện Người trở về nước từ biên giới Quảng Tây để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi... khích lệ ông rất nhiều trong việc tiếp tục sưu tầm và biên soạn thành sách về những câu chuyện hấp dẫn này trong quan hệ hai nước.

“Khi đọc được những thông tin này, tôi vô cùng xúc động. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Tổng Bí thư Tập Cận Bình vẫn đặc biệt quan tâm, tìm hiểu và giới thiệu những tư liệu quý về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây. Là một nhà sử học ở Quảng Tây nghiên cứu về lĩnh vực này, lẽ nào tôi không nên nỗ lực hơn nữa?”, Giáo sư Hoàng Tranh bày tỏ đầy cảm xúc.

Theo Giáo sư Hoàng Tranh, những tư liệu về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây tuy đã được giới thiệu rải rác, nhưng vẫn thiếu một hệ thống tổng thể. Do đó, ông quyết định tận dụng tư liệu đã tích lũy trong nhiều năm để khẩn trương biên soạn một cuốn sách hệ thống ghi lại những sự kiện lịch sử quan trọng về tình hữu nghị Trung-Việt diễn ra tại Quảng Tây. Đó chính là nguồn gốc ra đời của cuốn sách “Những câu chuyện về tình hữu nghị Trung-Việt tại Quảng Tây” - món quà đầy ý nghĩa mà một nhà sử học ở Quảng Tây dành tặng cho tình hữu nghị “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai quốc gia núi sông liền một dải trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc.

Qua đó, ông muốn gửi gắm thông điệp tới nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Nền tảng của tình hữu nghị Trung-Việt nằm ở nhân dân, tương lai nằm ở thanh niên. Thế hệ thanh niên hai nước là tương lai và hy vọng của mỗi quốc gia. Thanh niên hai nước cần noi gương sáng của các bậc lãnh đạo tiền bối, trở thành những người kế thừa tình hữu nghị Trung-Việt”, Giáo sư Hoàng Tranh nhấn mạnh.

Nguồn: https://baoquocte.vn/mon-qua-cua-tinh-huu-nghi-viet-nam-trung-quoc-311501.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm