Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mường Lát vươn mình: Hành trình thay đổi từ Nghị quyết 11-NQ/TU (Bài 1) - Mở hướng cho “vùng khó”

(Baothanhhoa.vn) - Hơn 2 năm sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 11), với cách làm sáng tạo, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự đồng lòng của người dân đã đánh thức tiềm năng và cơ hội, mở ra triển vọng phát triển mới cho mảnh đất vùng cao biên giới.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa01/05/2025

Mường Lát vươn mình: Hành trình thay đổi từ Nghị quyết 11-NQ/TU (Bài 1) - Mở hướng cho vùng khó

Điện sáng về bản đã giúp cho bộ mặt nông thôn ở huyện Mường Lát đổi thay rõ rệt.

"Rốn nghèo" thức giấc

Chúng tôi đến huyện vùng cao Mường Lát giữa những ngày tháng 4, trong khí thế hào hùng của đại lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Quốc lộ 15C dẫn lên huyện Mường Lát ngập sắc đỏ rực rỡ của cờ Tổ quốc, cùng sắc trắng của hoa trẩu, điểm trên nền xanh của đại ngàn trùng điệp. Những nếp nhà kiên cố, những công trình dân sinh được xây dựng khang trang... Tất cả đã gợi nên một “màu” sự sống mới trên mảnh đất này.

Thành lập từ 1996 trên cơ sở chia tách huyện Quan Hóa (cũ), Mường Lát có xuất phát điểm rất thấp. Toàn huyện có 7 xã biên giới và 1 thị trấn, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống (Thái, Kinh, Mường, Khơ Mú, Dao, Mông). Nhiều năm qua, Mường Lát bị xem là “rốn nghèo” của tỉnh và nằm trong nhóm huyện nghèo nhất cả nước. Nguyên nhân chính là địa hình đồi núi phức tạp, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất khó khăn, thổ nhưỡng đất đai không thuận lợi. Đặc biệt, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí của người dân còn thấp.

Để Mường Lát thoát nghèo, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách phát triển. Nhờ thế, tình trạng du canh, du cư đã chấm dứt, tập quán canh tác đã dần chuyển đổi. Tuy nhiên, dù diện tích tự nhiên của huyện lớn (81,2 nghìn ha), nhưng quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 3%, địa hình chia cắt phức tạp. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 20,7 triệu đồng/người/năm, Mường Lát vẫn nghèo.

Ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 11 đặc thù về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mường Lát là huyện đầu tiên trong cả nước được Tỉnh ủy ban hành riêng một nghị quyết để “dẫn đường” phát triển - thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với một địa bàn đặc thù.

Nghị quyết 11 xác định, giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 10,2% trở lên; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 3.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 7%. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng giữ ở mức 77%. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%; 7/7 xã đạt chuẩn NTM (1 xã đạt NTM nâng cao), 2 bản đạt NTM kiểu mẫu. Mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người của huyện Mường Lát đạt mức bình quân các huyện miền núi của tỉnh.

Tỉnh xác định “xây dựng và phát triển huyện Mường Lát là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh”. Tỉnh ủy giao Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên trực tiếp chỉ đạo các hoạt động này tại huyện Mường Lát. Đối với người dân, tỉnh xác định rõ đây là nhân tố chủ thể của nghị quyết. Quan điểm của tỉnh là Nhà nước chỉ giữ vai trò hỗ trợ, không làm thay, làm hộ. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, nghị quyết tập trung nguồn lực để hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng “lõi nghèo”, tạo động lực để người dân tự vươn lên thoát nghèo.

Quan điểm và giải pháp của Nghị quyết 11 “Tập trung tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Mông thay đổi nhận thức, cách thức, chuyển từ tập quán sản xuất “tự cung, tự cấp” sang sản xuất “hàng hóa”; chủ động, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế hộ, vươn lên thoát nghèo bền vững; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu trong cán bộ, đảng viên và người dân” - khiến bà con vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi nhiều năm qua, những chính sách của Nhà nước đã chăm lo cho bà con từ ăn ở đến học hành, khám chữa bệnh... Nay thực hiện Nghị quyết 11 của Đảng để thoát nghèo, vươn lên cuộc sống ấm no. Lo bởi chưa biết làm sao để sản xuất hàng hoá, rồi xây dựng sản phẩm, thương hiệu, thị trường... đều là những điều mới mẻ.

Để giúp người dân an tâm trong sản xuất, ngày 21/8/2023, Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa công bố kết quả nghiên cứu bản đồ Thổ nhưỡng, nông hóa và Đề án phát triển rừng bền vững huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo địa phương tổ chức các lớp tập huấn, trang bị kiến thức về khoa học - kỹ thuật cho người dân.

"Đảng vì Dân nên Nhân dân tin Đảng, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đặt trọn niềm tin vào nghị quyết của Đảng. Họ động viên nhau tích cực sản xuất nông nghiệp giá trị kinh tế cao, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên gắn với gìn giữ đặc sắc văn hóa dân tộc..." - Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca khẳng định.

Sức sống mới từ nông nghiệp

Một trong những “điểm sáng” của ngành nông nghiệp Mường Lát là xác định được cây trồng, vật nuôi chủ lực. Huyện duy trì 3.000 ha sắn, năng suất 150 tạ/ha, giá trị thu về hơn 110 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tập trung phát triển vùng lúa nếp Cay Nọi, một sản phẩm OCOP được thị trường ưa chuộng; xây dựng các vùng cây ăn quả, dược liệu; phát triển kinh tế từ trồng rừng. Về chăn nuôi, huyện tập trung phát triển gia súc (trâu, bò, dê,...), gia cầm (gà đen, vịt cổ rụt...) tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Tam Chung. Đến nay, tổng đàn vật nuôi đạt trên 180.000 con.

Mường Lát vươn mình: Hành trình thay đổi từ Nghị quyết 11-NQ/TU (Bài 1) - Mở hướng cho vùng khó

Vườn đào gần 1.000 gốc đã mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh Thao Lâu Pó, ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, xã Nhi Sơn và xã Pù Nhi phù hợp để trồng mận và đào. Mùa quả chín, nhiều gia đình dân tộc Mông dựng những chòi nhỏ dọc Quốc lộ 15C để bán, với giá giao động từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Vườn đào của gia đình anh Thao Lâu Pó, ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn có tuổi đời gần 10 năm. Anh Pó chọn giống đào pháp ở huyện Mộc Châu (Sơn La) về trồng để tạo sự khác biệt, giảm cạnh tranh. Với 1.000 gốc đào, dự kiến vụ 2025 gia đình anh Pó hái cả tấn quả, thu về cả trăm triệu đồng. Ngoài đào, gia đình anh còn trồng 500 gốc mận cơm, 200 gốc vải thiều, cam Vinh và bưởi. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình anh hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí có lãi hơn 100 triệu đồng. Năm 2024, gia đình anh Pó là 1 trong 19 hộ thoát nghèo của xã Nhi Sơn.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây đào, cây mận, huyện Mường Lát đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mận và khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích trồng đào, mận. Qua rà soát từ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát, địa phương có khoảng hơn 100ha mận, đào, chủ yếu tập trung ở các bản thuộc xã Pù Nhi và xã Nhi Sơn. Chính quyền 2 xã hướng bà con liên kết sản xuất theo mô hình “nhóm hộ”, thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mận theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Lát, chia sẻ: "Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đã cho loại cây trồng này ngon, ngọt hơn so với nhiều nơi khác. Để có chất lượng, nhiều hộ đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào việc lai tạo, cắt ghép để nâng cao hiệu quả cây trồng, trong đó có giống đào lai mận. Tuy nhiên, phát triển loại cây trồng này là một chuyện, để bà con có thu nhập từ nó lại là một chuyện khác. Đó là việc tìm đầu ra cho loại nông sản này".

Thực tế cho thấy, việc thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến, sản xuất nông lâm sản ở huyện Mường Lát rất khó khăn. Vì, không ai xây dựng nhà máy chế biến ở một huyện vùng cao, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, chưa hình thành vùng chuyên canh lớn, chưa xác định được cây trồng chủ lực, lại tốn thêm chi phí vận chuyển.

Nhận trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp các hoạt động ở huyện Mường Lát, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên đã vận động Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Công ty Phúc Thịnh) lên đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn huyện Mường Lát. Niên vụ 2023-2024, toàn huyện Mường Lát có khoảng gần 3.000ha sắn, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn (từ 2,4 - 2,6 triệu đồng/1 tấn), tổng số tiền người dân thu được từ bán sắn đạt hơn 100 tỷ đồng. Thu nhập từ cây sắn góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo.

Sắn chủ yếu được trồng xen canh với đất rừng sản xuất tại các xã Trung Lý, Mường Lý, Pù Nhi và Tam Chung. Trong đó, xã Mường Lý là xã có diện tích sắn lớn của huyện Mường Lát với gần 1.000ha.

Anh Mua Seo Sàng, Bí thư Chi đoàn bản Xa Lung, xã Mường Lý nói: "Hai năm qua được sự vận động, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi và các hộ trong bản bắt tay vào trồng cây sắn năng suất cao trên đất đồi. So với cây trồng khác thì cây sắn rất dễ trồng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên cây sắn sinh trưởng và phát triển khá tốt, bình quân mỗi cây có sản lượng tốt sẽ cho 2 - 3kg củ sắn tươi. Doanh nghiệp thu mua sắn và trả tiền tươi tại ruộng cho dân. Năm ngoái, gia đình tôi thu được gần 50 triệu đồng tiền bán sắn. Vụ sắn năm nay, vì người dân tự ý mở rộng diện tích canh tác nên giá thu mua sắn chỉ còn 1.100 - 1.300 đồng/kg".

Dù có chút biến động nhưng cây sắn vẫn định vị rõ tiềm năng và giá trị kinh tế của mình. Niên vụ năm 2025 -2026 sắp tới, theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND huyện Mường Lát, người dân phải ký kết hợp đồng bao tiêu với nhà máy, nếu giá thị trường xuống quá thấp thì doanh nghiệp sẽ mua một mức giá “bảo hiểm” để người dân không bị thua lỗ. Khi ký kết hợp đồng bao tiêu vùng nguyên liệu, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm giúp đỡ về kỹ thuật, phân bón, từ đó năng suất và sản lượng của cây sắn sẽ tăng lên.

Với những “vệt sáng” trên, Mường Lát đang từng bước vươn mình đổi thay. Từ những bản làng xa xôi ngày nào, hôm nay đã có đường lối, chính sách đúng đắn; đường sá, phương tiện đã về tận các bản. Diện mạo mới của vùng “rốn nghèo” đang dần hiện hữu, mở ra những trang sử mới đầy hứa hẹn cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Bài và ảnh: Tăng Thúy

Bài 2: Hoàn thành lời hứa với cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/muong-lat-vuon-minh-hanh-trinh-thay-doi-tu-nghi-quyet-11-nq-tu-bai-1-nbsp-mo-huong-cho-vung-kho-247403.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm