Theo các chuyên gia, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ áp mức thuế đến 46% lên 90% hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì có thể nói hầu như tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu mức thuế quan trong nhóm cao nhất thế giới. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong năm nay.
Mức thuế 46% là gì?
Dư luận hai ngày qua "sục sôi" trước những thông tin Mỹ áp mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam. Nhiều ý kiến dấy lên lo ngại mức thuế này sẽ đánh vào hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần bình tĩnh xem xét lại, mức "thuế đối ứng 46%" thực sự có ý nghĩa gì?
Theo TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý, đại học Fulbright Việt Nam, thuế suất đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra ngày 3/4 được tính bằng chênh lệch thương mại giữa hai nước, chia đôi và làm tròn lên (có một số tham số điều chỉnh nhưng hiện tại chúng được quy ra bằng 1).
Ví dụ, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ đạt 136,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 123,5 tỷ USD, chiếm 90,4%. Con số này chia đôi và làm tròn số lên sẽ là 46% - “thuế đối ứng” áp cho Việt Nam.
Cần có thêm thông tin để hiểu rõ hơn, uy nhiên, ông Du cho rằng, cần hiểu mức thuế 46% không phải là thuế suất đánh vào các hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Đây là con số phía Mỹ chỉ ra sự nghiêm trọng trong chênh lệch thương mại hai chiều giữa hai nước.
Và bước tiếp theo khi Mỹ công bố mức thuế này là các nước phải vào vòng đàm phán - điều ưa thích của ông Trump, nhằm đưa ra mức thuế cụ thể cho từng mặt hàng xuất khẩu.
Mức thuế cụ thể đối với từng mặt hàng và mức chung đối với từng quốc gia như thế nào sẽ phụ thuộc vào quá trình đàm phán giữa hai bên và nhiều các vấn đề liên quan khác như tính chất của các mặt hàng, các ưu tiên và điều kiện của Mỹ.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, việc chính quyền Trump áp thuế 46%, nghe có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng khi phân tích rõ, có thể thấy câu chuyện không quá "sốc" như tưởng tượng.
Đây là mức thuế đối ứng, tức có thể thay đổi tùy vào cách Việt Nam phản ứng và đàm phán. Hiện tại, Việt Nam đã có những động thái đầu tiên như giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng từ Mỹ để làm dịu tình hình và sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai.
Ông Thiên cho rằng, trước những thông tin này, phản ứng tiêu cực từ dư luận có thể sẽ tạo ra những hiệu ứng dây chuyền, có thể có lợi hoặc bất lợi. Do đó, Việt Nam phải tính toán để có ứng xử phù hợp, không nên đánh đồng hay "hoảng loạn" theo kiểu tâm lý đám đông, tạo ra cú sốc không cần thiết.
Ngành nào đang xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ?
Các doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với thách thức lớn khi Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu, gây lo ngại về doanh thu và thị trường tiêu thụ. Việt Nam chịu mức thuế đối ứng 46%, thuộc hàng cao nhất trong số hàng chục nền kinh tế bị áp thuế đối ứng theo sắc thuế do ông Trump ký vào rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam.
Theo các chuyên gia, thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ thách thức các nhà sản xuất lẫn các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam. Đặc biệt mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam lại thấp hơn chúng ta.
Ông Nguyễn Đình Duy, CFA, giám đốc - chuyên gia phân tích cao cấp của VIS Rating - một công ty chuyên xếp hạng tín nhiệm, cho rằng những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ và nhiều doanh nghiệp có tỉ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên ông Duy vẫn kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.
Ngoài ra theo ông Duy, các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác.
"Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế", ông Duy lo ngại.
Chưa kể, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn.
Khối phân tích VIS Rating dẫn ra, trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
Thống kê tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 85% GDP của Việt Nam năm 2024, do đó xuất khẩu là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.
Ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số?
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, Mỹ là thị trường xuất khẩu trị giá tới 119 tỷ USD/năm của Việt Nam. Theo mức thuế suất mới, Việt Nam sẽ phải chịu khoản thuế lên tới hơn 54 tỷ USD, tương đương 10% GDP. Ông Hiếu nhận xét đây là mức thuế rất nặng nề.
"Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Nếu Mỹ áp mức thuế đến 46% lên 90% hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ thì có thể nói hầu như tất cả các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều sẽ phải chịu mức thuế quan trong nhóm cao nhất thế giới. Tôi e ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số của Việt Nam trong năm nay”, ông Hiếu nhấn mạnh thêm.
Trước đó, theo phân tích của Công ty chứng khoán KBSV, khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu (theo WorldBank), trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu. "Chúng tôi ước tính, trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng, GDP Việt Nam giảm 0,7 - 1,3% so với kịch bản cơ sở. Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%", báo cáo của KBSV nêu.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, dự báo các ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nội thất (đặc biệt là đồ gỗ), dệt may, da giày, nông sản, thủy sản, điện tử...
"Thuế tăng lên thì giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng. Đáng nói là mức thuế Mỹ áp với Việt Nam cao hơn các nền kinh tế khác đang xuất khẩu cùng các mặt hàng vào Mỹ. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vì giá sẽ tăng lên. Đây là ảnh hưởng rõ rệt nhất", ông Bình nói.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng hơn khi so với một số nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Theo bảng thuế suất mới, Việt Nam chịu mức thuế cao hơn từ 10-20%.
“Tôi thường xuyên qua Mỹ và thấy rằng rất nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam được lưu thông trên thị trường này, trong đó đến từ các lĩnh vực như may mặc, điện tử, da giày… Với mức thuế thay đổi cao, trong tương lai, các nhà kinh doanh Mỹ có thể lựa chọn những sản phẩm này từ các nước khác có mức thuế thấp hơn. Điều này có thể khiến những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chuyển hướng, tìm đến các quốc gia lân cận để đầu tư”, ông Hiếu nói.
Với mức thuế suất mới, ông Hiếu nhận định hàng hóa Việt Nam vẫn sẽ được tiêu thụ ở Mỹ nhưng chắc chắn sẽ ở một mức thấp hơn rất nhiều.
“Tại thời điểm này chúng ta chưa thể có dự báo là hàng hóa của Việt Nam có thể giảm bao nhiêu, nhưng theo tôi nhìn thấy thì có khả năng giảm tới một nửa. Giảm tới một nửa sẽ ảnh hưởng tới GDP rất nhiều của Việt Nam”, chuyên gia bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành e ngại, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hoá thì hàng Việt Nam khó xuất khẩu sang Mỹ vì thuế cao, người tiêu dùng nước Mỹ sẽ lựa chọn các mặt hàng tương tự từ nước khác có mức thuế thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngoại thương của Việt Nam, trong đó có giảm sản lượng hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Nhận định về lý do Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, có thể Mỹ đang không chỉ nhắm đến Việt Nam, mà còn nhắm đến các nước khác. Nguyên nhân là các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ phần lớn là mặt hàng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất tại Việt Nam.
“Những công ty đó thường xuất khẩu các sản phẩm phần lớn không có hàng gốc từ Việt Nam, mà nhập khẩu nguyên liệu về từ các nước và sử dụng lao động của Việt Nam gia công, chế biến thành sản phẩm để xuất đi. Ngoài ra còn có một số mặt hàng tạm nhập, tái xuất, trong đó nhiều mặt hàng của Trung Quốc hoặc có nguồn gốc từ Trung Quốc”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.
Tương tự, ông Hiếu cho rằng, Mỹ lo ngại Việt Nam có thể trở thành trạm trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc để né mức thuế cao. Do đó, Mỹ đã đánh thuế Việt Nam cao tương đương để ngăn chặn việc này xảy ra.
Mặc dù bị áp thuế cao nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng Việt Nam sẽ có chính sách ứng phó phù hợp. Các chuyên gia của KBSV nhấn mạnh: "Kể cả trong trường hợp bị Mỹ cho vào danh sách bị áp thuế đối ứng, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đảo ngược tình hình, chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ".
Nguồn: https://baodaknong.vn/my-ap-thue-doi-ung-46-lieu-co-anh-huong-den-muc-tieu-tang-truong-hai-con-so-248412.html
Bình luận (0)