Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao năng lực hòa nhập cho trẻ yếu thế

Trẻ em tự kỷ, khuyết tật là đối tượng yếu thế đặc biệt cần nhiều hơn sự quan tâm của gia đình và xã hội. Với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực, nâng cao năng lực hòa nhập xã hội cho trẻ yếu thế, ngày càng có nhiều dự án, hoạt động hướng đến đối tượng này.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/07/2025

Những con số biết nói

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển thần kinh làm khiếm khuyết các kỹ năng giao tiếp và phát triển các mối quan hệ xã hội. Vì nhiều nguyên nhân, tình trạng trẻ mắc các chứng tự kỷ, khuyết tật trí tuệ ngày càng phổ biến.

Trên thế giới, ước tính cứ 100 trẻ em thì có một trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (số liệu khảo sát tháng 3/2022). Còn tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016, tỷ lệ trẻ em khuyết tật là 2,79%, trong đó khuyết tật tâm lý - xã hội là dạng phổ biến nhất.

Trong khi đó, theo báo cáo các năm 2021-2022 của Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), tỷ lệ bệnh nhi mắc rối loạn phổ tự kỷ dao động trong khoảng 1,5-2%.

Còn theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) vào năm 2019, số người tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng, trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm. Dù đã có nhiều chính sách tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, tuy nhiên, các đối tượng này vẫn còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế và an sinh xã hội.

Theo khảo sát của Tổng cục thống kê, chỉ 16,8% trẻ em khuyết tật 2-15 tuổi có giấy chứng nhận khuyết tật, chỉ 14,1% trường học có học sinh khuyết tật có giáo viên được đào tạo để hỗ trợ những trẻ em này.

Các cơ sở giáo dục dành cho học sinh khuyết tật học chuyên biệt gồm Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trường Chuyên biệt Tương Lai, Trường chuyên biệt Thanh Tâm... đang thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục trẻ em khuyết tật. Tuy nhiên, hiện nay tại cộng đồng khu dân cư vẫn còn một số trẻ tự kỷ chưa có giấy xác nhận khuyết tật do nhiều nguyên nhân. Hệ lụy là các em không được nhận sự hỗ trợ phù hợp, gặp trở ngại trong tiếp cận các hoạt động can thiệp, hỗ trợ hòa nhập để phát triển.

Hành động vì trẻ yếu thế

Để chăm sóc, bảo vệ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ tự kỷ, khuyết tật, các tổ chức, đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Giữa tháng 6-2025, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam phối hợp với Liên minh châu Âu khởi động dự án “Nâng cao năng lực hòa nhập xã hội cho trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ” tại phường An Hải. Đối tượng hướng đến là 783 trẻ em, 500 người chăm sóc tại các phường; 17.200 học sinh và 200 giáo viên tại các trường tiểu học và THCS.

Dự án nhằm mục tiêu tăng cường tiếng nói và vai trò của trẻ em tự kỷ, khuyết tật trí tuệ trong việc tham gia, kiến tạo các hoạt động trong cộng đồng và trường học; tạo môi trường hòa nhập cho trẻ; bảo đảm việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trẻ em tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và người chăm sóc.

Đại diện Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, dự án xây dựng bộ tài liệu tập huấn, tổ chức hội thảo cho các bên liên quan; đồng thời thành lập các nhóm hỗ trợ dành cho phụ huynh. Bên cạnh đó, dự án tập trung nâng cao nhận thức thông qua các chiến dịch truyền thông tại trường học và cộng đồng, triển khai các sáng kiến do chính trẻ em tự kỷ khởi xướng.

Song song đó, thúc đẩy việc thực thi chính sách dành cho trẻ tự kỷ, khuyết tật. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm một hệ thống hỗ trợ toàn diện từ gia đình, nhà trường và xã hội cho trẻ em tự kỷ và khuyết tật trí tuệ, tạo một môi trường để các em hòa nhập và phát triển.

Là CLB tập hợp các gia đình có con tự kỷ, Chi hội Gia đình người tự kỷ (thuộc Hội Người khuyết tật thành phố) duy trì hoạt động hiệu quả. Chi hội thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giúp phụ huynh biết cách chăm sóc và can thiệp cho con; tư vấn cho phụ huynh có con tự kỷ, giúp họ hiểu rõ hơn về quyền lợi và nhu cầu của con em.

Đồng thời tổ chức giao lưu, kết nối giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng; tăng cường sự tham gia của trẻ tự kỷ trong giáo dục hòa nhập, góp phần nâng cao nhận thức và giảm thiểu phân biệt đối xử trong đời sống xã hội.

Nguồn: https://baodanang.vn/nang-cao-nang-luc-hoa-nhap-cho-tre-yeu-the-3265017.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm