Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao năng lực thực tiễn cho nguồn nhân lực số

NDO - Theo số liệu được tổ chức Báo cáo thị trường IT Việt Nam công bố, năm 2025, ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam dự kiến cần khoảng 700.000 nhân sự mới. Tuy nhiên, con số thực tế hiện có tại các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 500.000 người. Sự chênh lệch này cho thấy ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt một lượng lớn lao động được đào tạo chính quy và có tay nghề cao.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân01/05/2025

Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có 74.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với hơn 1,2 triệu lao động. Để theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần có 3 triệu nhân sự làm việc trong lĩnh vực này.

Ngành công nghệ thông tin được đánh giá là ngành được trả mức lương tương đối cao. Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang được nhiều cơ quan, doanh nghiệp tích cực triển khai, thì việc tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin luôn là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, với số lượng sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu còn thấp, độ vênh giữa kiến thức được học và kinh nghiệm thực tế còn khoảng cách khá lớn thì việc tuyển chọn nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn là “bài toán khó” chưa có lời giải.

Mỗi năm, các trường đại học, cao đẳng trong nước đào tạo thêm khoảng 50.000 nhân lực công nghệ thông tin, nhưng trong số này chỉ có khoảng 30% đáp ứng ngay được yêu cầu công việc, 70% còn lại vẫn phải trải qua quá trình đào tạo để thuần thục các kỹ năng thực hành trước khi chính thức tham gia vào dự án của doanh nghiệp. Thực tế này đòi hỏi các đơn vị phải đổi mới và đa dạng các hình thức đào tạo, nhằm lấp đầy khoảng trống nhân lực số.

Trong những năm tới, nền kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, có thể đạt 74 tỷ USD vào năm 2030. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn luôn được biết đến với lợi thế nguồn lao động giá rẻ và dồi dào. Tuy nhiên, thời đại công nghệ số, đòi hỏi cả lao động chất lượng cao, có tay nghề, trình độ, chuyên môn sâu đang là điểm nghẽn khiến nguồn nhân lực sẽ vừa thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nhìn vào thực tế yêu cầu công việc về công nghệ của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước hiện nay, chúng ta thấy một câu chuyện đó là có một sự vênh nhau khá lớn giữa kiến thức được học ở trong trường đại học và kiến thức thực tế mà học sinh, sinh viên khi ra ngoài làm việc. Những thông số qua mỗi kỳ tốt nghiệp của sinh viên và nhu cầu của thị trường cho thấy, giữa chương trình đào tạo và thị trường tuyển dụng lao động chưa có được sự ăn khớp với nhau”.

Có lẽ câu chuyện của Nguyễn Tiến Anh, một IT tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện đang thử việc tại một doanh nghiệp chuyên về viễn thông phản ánh đúng tình trạng của những IT mới ra trường hiện nay.

Anh kể: Ai cũng nghĩ làm việc trong ngành công nghệ thông tin sẽ có mức lương và chế độ đãi ngộ tốt bởi ngành này đang có nhu cầu tuyển dụng cao. Tuy nhiên thực tế khi chúng em ra trường thì mọi thứ không đơn giản như vậy. Khi đi xin việc, các công ty đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm việc từ 1-2 năm. Ngoài ra, đặc thù của ngành này phải cập nhật kiến thức liên tục để theo kịp sự phát triển của công nghệ mới. Trong khi đó, chúng em chỉ được học lý thuyết, kỹ năng thực hành vẫn còn yếu nên để đáp ứng yêu cầu làm việc rất vất vả.

Từ câu chuyện của Nguyễn Tiến Anh cho thấy nhận định của PGS.TS Phạm Mạnh Hà là có cơ sở. Một trong những nguyên nhân khiến cho nhân sự IT có độ vênh về kiến thức trong đào tạo và thực tiễn đó là hiện nay các nội dung, giáo trình đào tạo về công nghệ thông tin chưa được phân bổ một cách hợp lý. Bên cạnh đó, việc tư vấn, hướng nghiệp ngành nghề về lĩnh vực công nghệ thông tin cũng phải được triển khai từ sớm để học sinh chuẩn bị đầy đủ hành trang bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay. Đây là một thực tế cần phải nhìn nhận lại quá trình đào tạo để làm sao kiến thức đào tạo phải gắn với thực tiễn của công việc.

Để lấp đầy những khoảng trống về kiến thức của nhân sự ngành công nghệ, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có những cách tiếp cận mới để ươm mầm nguồn nhân lực số chất lượng cao trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp giúp các bạn trẻ được trải nghiệm môi trường làm việc thực sự, được hướng dẫn làm các công việc của một kỹ sư phần mềm. Tại đây các bạn không chỉ được thực hành các kiến thức đã được học mà còn có cơ hội trải nghiệm thực tế để có thêm sự lựa chọn cho công việc hay những dự định trong tương lai.

Đây có thể là tiền đề quan trọng để hình thành nguồn nhân lực IT chất lượng cao. Có những cơ hội được trải nghiệm kỹ năng số, trải nghiệm công việc từ sớm là cơ hội tốt để các bạn trẻ cọ sát, trau dồi thêm những kỹ năng của mình. Còn với doanh nghiệp, đây chính là chìa khóa để tìm kiếm những nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Nhằm khắc phục những thiếu hụt về thực tiễn của nguồn nhân lực số, đồng thời nhằm tìm kiếm, tuyển dụng nhân sự có năng lực cao về làm việc cho doanh nghiệp, hằng năm, Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech đều xây dựng và tổ chức một “sân chơi” dành cho các bạn trẻ đam mê công nghệ.

Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech chia sẻ: “Việc xây dựng, tổ chức các sân chơi công nghệ để mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ hơn cho học sinh, sinh viên so với việc chỉ học những kiến thức ở trường cũng là giải pháp thiết thực nhằm giúp cho giới trẻ Việt Nam không bị bỏ lại phía sau trong xu hướng phát triển của các công nghệ mới trên thế giới”.

Ngành công nghệ thông tin toàn cầu dự kiến sẽ đạt quy mô 2 nghìn tỷ USD vào năm 2028 với gần 100 triệu lao động. Với tốc độ phát triển nhanh chóng và hội nhập sâu rộng về khoa học công nghệ, cùng với những chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy về chuyển đổi số, ứng dụng số hóa trong mọi mặt đời sống xã hội như hiện nay, thì vấn đề cải cách trong đào tạo nhân lực ngành IT là cần thiết.

Chúng ta đang có nguồn nhân lực công nghệ thông tin được đánh giá là có rất nhiều tố chất và tiềm năng. Tuy nhiên, để biến những tố chất và tiềm năng ấy thành kỹ năng thực sự đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì cần có những sự trang bị bài bản về kiến thức và công nghệ.

Nguồn: https://nhandan.vn/nang-cao-nang-luc-thuc-tien-cho-nguon-nhan-luc-so-post870953.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm