Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nga đang ở "cửa trên", Ukraine phản ứng yếu ớt, lòng tin ở mức rất thấp và một tương lai khó đoán

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế27/03/2025

Điểm đáng chú ý trong Thỏa thuận Biển Đen là Mỹ "sẽ giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tăng cường khả năng tiếp cận các cảng và hệ thống thanh toán cho các giao dịch như vậy".


Một tin vui được Nhà Trắng thông báo là Nga và Ukraine đều đã nhất trí "loại bỏ việc sử dụng vũ lực" ở Biển Đen sau các cuộc đàm phán tại Riyadh, Saudi Arabia - một dấu hiệu ban đầu nhưng quan trọng, cho thấy tiến triển hướng tới thỏa thuận hòa bình, chấm dứt xung đột quân sự - một mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm cách bảo đảm.

Trong hai tuyên bố riêng biệt về kết quả các cuộc đàm phán giữa các bên, Nhà Trắng cho biết, Moscow và Kiev đã "đồng ý đảm bảo an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn việc sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự ở Biển Đen".

Thỏa thuận Biển Đen: Nga vẫn ở 'cửa trên', Ukraine phản ứng yếu ớt, lòng tin đang ở mức rất thấp với một tương lai khó đoán
Tàu chở hàng được nhìn thấy từ một tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Ukraine khi chúng di chuyển trên Biển Đen, ngày 7/2/2024. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều thừa nhận họ nghi ngờ về giới hạn của các hoạt động quân sự trong một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế của cả hai nước.

Biển Đen có tầm quan trọng kinh tế cơ bản đối với cả Nga và Ukraine. Hoạt động xuất khẩu hàng hải của họ sang châu Á và Địa Trung Hải đều bắt đầu từ đây. Nhưng đối với Ukraine, điều đó còn quan trọng hơn, đó là vấn đề sống còn, vì các cảng của tỉnh Odessa là cửa ngõ hàng hải duy nhất của họ ra thị trường quốc tế. Năng lực hàng hải của họ đã bị hạn chế nghiêm trọng do bị Nga quản lý các cảng trên Biển Azov.

Nga được "bật đèn xanh"?

Giới truyền thông quốc tế đưa tin, trước khi đạt được thỏa thuận, Nhà Trắng đã "bật đèn xanh" cho Moscow. Và Washington đã hành động mà bỏ qua sự phản đối của Kiev, bằng cách cam kết với Điện Kremlin sẽ "tạo điều kiện phục hồi" xuất khẩu nông sản của Nga trên thị trường quốc tế, vốn bị hạn chế nghiêm trọng bởi thuế quan và lệnh trừng phạt do các đồng minh phương Tây của Ukraine áp đặt.

Điện Kremlin sau đó đã ban hành một tuyên bố, bổ sung thêm rằng Mỹ và Nga sẽ tổ chức "các biện pháp kiểm soát thích hợp thông qua việc kiểm tra các tàu như vậy", mà không nêu rõ các biện pháp này là gì.

Đổi lại, Mỹ sẽ "giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và tăng cường quyền tiếp cận các cảng và hệ thống thanh toán cho các giao dịch như vậy".

Nhưng cụ thể hơn về các yêu cầu của Nga, trong tuyên bố của Điện Kremlin cho thấy, lệnh tạm dừng giao tranh ở Biển Đen sẽ chỉ có hiệu lực sau khi các lệnh trừng phạt đối với ngân hàng nông nghiệp Nga, Rosselkhozbank, cùng với các tổ chức tài chính khác hoạt động trong lĩnh vực thương mại thực phẩm quốc tế, bao gồm cả các sản phẩm cá và phân bón, được dỡ bỏ.

Tuyên bố của Điện Kremlin yêu cầu rõ rằng, các tổ chức này phải được kết nối với hệ thống SWIFT và mọi lệnh trừng phạt và hạn chế đối với thực phẩm, phân bón, tàu thuyền và máy móc nông nghiệp phải được dỡ bỏ.

SWIFT, viết tắt của Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng toàn cầu, là một "động mạch" tài chính quốc tế cho phép chuyển tiền qua biên giới tốt hơn. Một tháng sau chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine (2/2022) 7 ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT. Rosselkhozbank bị loại chậm hơn vài tháng tháng, vào tháng 6/2022.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt ít nhất 21.692 lệnh trừng phạt đối với các cá nhân, tổ chức truyền thông hoặc các tổ chức của Nga trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, năng lượng, hàng không, đóng tàu và viễn thông...

Thỏa thuận Biển Đen sẽ đưa Moscow trở lại thị trường ngũ cốc và phân bón, cho phép tạo ra lợi nhuận và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói sau khi Kiev và Moscow đồng ý ngừng bắn trên biển rằng, "không chỉ vì chúng tôi muốn kiếm được lợi nhuận hợp pháp trong cạnh tranh công bằng, mà còn vì chúng tôi lo ngại về tình hình an ninh lương thực ở châu Phi và các quốc gia khác ở Nam Bán cầu".

Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã thừa nhận, trở ngại chính là chính phủ của ông phản đối việc dỡ bỏ các hạn chế thương mại đối với hàng xuất khẩu nông sản và phân bón hàng hải của Nga. Các sản phẩm này đang bị hạn chế bởi thuế quan và lệnh trừng phạt do phương Tây. Tổng thống Ukraine cho rằng, các lệnh trừng phạt này phải được duy trì vì chúng đóng vai trò là đòn bẩy cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai.

Tuy nhiên, ngay từ trước các cuộc đàm phán tại Riyadh, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Mike Waltz cho rằng, việc nối lại thỏa thuận ngũ cốc sẽ là trọng tâm chính của các cuộc đàm phán và lệnh ngừng bắn trên Biển Đen để cả hai bên có thể vận chuyển ngũ cốc, nhiên liệu và bắt đầu tiến hành thương mại trở lại.

Liệu từ thỏa thuận ngũ cốc có thể giúp khôi phục hòa bình trên Biển Đen không? Tất nhiên, có nhiều ý kiến cả thuận chiều và trái chiều, tuy nhiên phần lớn ủng hộ. Hãng thông tấn TASS trích lời nhà ngoại giao Grigory Karasin: "Mọi thứ đã được thảo luận - đã có một cuộc đối thoại căng thẳng, đầy thách thức, nhưng nó rất hữu ích. Nhìn chung, ấn tượng là về một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, điều này là cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này, với sự tham gia của cộng đồng quốc tế, trước hết là Liên hợp quốc và các quốc gia riêng lẻ".

John E Herbst, Giám đốc cấp cao tại tổ chức tư vấn Atlantic Council có trụ sở tại Washington, DC, gọi thỏa thuận này là "bước đi hữu ích, nhưng chưa phải là bước đi lớn".

Trong khi đó, nhà phân tích Matthew Kroenig từ Hội đồng Đại Tây Dương tin tưởng đây là "một bước tiến tới việc hạn chế xung đột, trên con đường hướng tới hòa bình cuối cùng".

"Ranh giới đỏ" khó vượt qua

Cuộc xung đột quân sự ở Biển Đen đã tác động đáng kể đến vận chuyển thương mại, đặc biệt là xuất khẩu ngũ cốc, gây tổn hại đến nguồn cung lương thực toàn cầu. Nhà Trắng hy vọng sử dụng các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia để cho phép con đường vận chuyển tự do ở Biển Đen được khôi phục trở lại.

Thực tế, Thỏa thuận mới này có thể được coi là sự tiếp tục của Sáng kiến ​​ngũ cốc Biển Đen, được ký kết vào nửa cuối năm 2022 với sự trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Nga đã sớm rời đi chỉ vài tháng ký kết (năm 2023). Khi đó, Sáng kiến cũng đã thông suốt đường vận chuyển hàng hải ở Biển Đen, cho phép cả Nga và Ukraine đều được xuất khẩu ngũ cốc.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov và nhiều quan chức Nga trước đó đều khẳng định rằng, Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen năm đó đã không đáp ứng được một số yêu cầu của Moscow. Lý do chính khiến Nga phải rời đi là nội dung thứ hai của thỏa thuận - nhằm mục đích nới lỏng xuất khẩu nông sản của Nga, đã không được thực hiện. Dù các công ty thực phẩm và phân bón của Nga không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng các hạn chế về hậu cần, thanh toán và phí bảo hiểm đã cản trở việc vận chuyển.

Hiện Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đang yêu cầu cần phải có thêm "các cuộc tham vấn kỹ thuật sớm nhất có thể" để "thống nhất về mọi chi tiết và khía cạnh kỹ thuật của việc thực hiện, giám sát và kiểm soát các thỏa thuận". Phía Kiev vẫn cảnh giác khi đặt ra tình huống có hoạt động quân sự mới ở Biển Đen vẫn tiếp diễn và đưa ra yếu cầu "nếu Nga tiếp tục thao túng và đe dọa, thì cần phải có các biện pháp mới, cụ thể chống lại Moscow”...

Trong khi đó, trước các tuyên bố của Nhà Trắng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov cũng cho biết, Nga ủng hộ việc nối lại lệnh ngừng bắn ở Biển Đen, nhưng yêu cầu phải có sự đảm bảo rõ ràng từ Nhà Trắng - nghĩa là cần một lệnh từ Tổng thống Trump yêu cầu ông Zelensky không được phá vỡ thỏa thuận này. Nga không thể tin lời Kiev - Bộ trưởng Lavrov cho biết.

Trước đó, Moscow và Kiev cũng đều đã nhất trí "tăng cường các biện pháp thực hiện" "thỏa thuận cấm tấn công các cơ sở năng lượng của Nga và Ukraine". Tuy nhiên, dường như các thỏa thuận chi tiết vẫn khá mơ hồ, nên kể từ sau thỏa thuận ban đầu đã đạt được vào tuần trước, mỗi bên đều đưa ra những cáo buộc rằng bên kia vi phạm và vẫn thực hiện hành động tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Như vậy, sẽ cần có thêm nhiều cuộc đàm phán nữa để cụ thể hơn về chi tiết của lệnh ngừng bắn ở Biển Đen và thảo luận về cách thực hiện lệnh ngừng bắn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng. Bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng sẽ mong manh với lòng tin đang ở mức rất thấp, tuy nhiên, với vai trò trung gian, Tổng thống Trump cảm thấy tầm nhìn của mình về một thỏa thuận hòa bình đang bắt đầu thành hình.

Giới quan sát cho rằng, dù các thỏa thuận đã đạt được những bước tiến rất quan trọng và có thể coi là thành công ban đầu trong phong cách ngoại giao của Tổng thống Trump, nhưng vẫn còn phải xem liệu cả hai bên có tuân thủ chúng hay không và vẫn còn những trở ngại đáng kể đối với một nền hòa bình hoàn toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chấm dứt những gì ông coi là mức độ tàn phá và mất mát sinh mạng không thể chấp nhận được. Ông cũng không muốn người nộp thuế Mỹ phải chịu chi phí hỗ trợ phòng thủ của Ukraine trước chiến dịch quân sự của Nga nữa.

Nhưng Ukraine đã nói rằng, việc công nhận lãnh thổ mà Moscow đang chiếm giữ thuộc về Nga - là một "ranh giới đỏ" mà họ sẽ không vượt qua. Hơn nữa, Ukraine còn muốn có sự đảm bảo an ninh sau xung đột quân sự, giống như quân gìn giữ hòa bình từ các thành viên NATO, mà Moscow sẽ thấy khó chấp nhận.



Nguồn: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-bien-den-nga-dang-o-cua-tren-ukraine-phan-ung-yeu-ot-long-tin-o-muc-rat-thap-va-mot-tuong-lai-kho-doan-308875.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước
Hơn 1.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành, xếp hình bản đồ Việt Nam tại Hồ Gươm
Ngắm dàn tiêm kích, trực thăng bay tập luyện trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm