Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngăn chặn bạo lực học đường - Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý

Sau sự việc nam sinh lớp 6 tại Trường THCS Cao Mại, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao bị bạn cùng lớp lăng mạ, đánh tới tấp và bắt thực hiện hành vi phản cảm trong nhà vệ sinh của trường gây bức xúc dư luận thì vấn đề ngăn chặn bạo lực học đường lại tiếp tục được đề cập đến. Báo Phú Thọ đã thực hiện cuộc phỏng vấn với TS Lê Thị Xuân Thu - Trưởng Khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương xung quanh vấn đề này.

Báo Phú ThọBáo Phú Thọ20/04/2025

Ngăn chặn bạo lực học đường - Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý

TS Lê Thị Xuân Thu - Trưởng Khoa Chính trị và Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hùng Vương.

* PV: Thưa bà, sau khi xem video sự việc, dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý, bà đánh giá hành vi của học sinh vi phạm như thế nào?

* TS Lê Thị Xuân Thu: Đây có thể thấy là hành vi bắt nạt trong trường học. Chúng ta cần hiểu đúng và đủ bản chất hành vi bắt nạt trong trường học. Bắt nạt trong trường học không chỉ là hành vi vi phạm nội quy mà còn là vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và sự phát triển của học sinh. Hành vi bắt nạt như đánh đập, làm nhục bạn học hay quay video lưu giữ sự việc thể hiện rõ bắt nạt thể chất và bắt nạt xã hội (danh dự).

Đáng lưu tâm, không chỉ bắt nạt thể chất, hành vi bắt nạt xã hội (danh dự) là hành vi làm tổn hại đến danh tiếng, địa vị xã hội hoặc các mối quan hệ của nạn nhân. Hình thức này bao gồm việc chủ động cô lập, loại trừ một người ra khỏi nhóm, vận động người khác không chơi hoặc không giao tiếp với người đó, truyền tin đồn sai sự thật, hoặc làm cho người đó xấu hổ trước đám đông. Đây là dạng bắt nạt không công khai, thường kéo dài và khó bị phát hiện nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và vị thế xã hội của nạn nhân.

Ngăn chặn bạo lực học đường - Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý

Trường THCS Cao Mại (Thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao) tổ chức buổi trao đổi với phụ huynh các bên để tìm giải pháp xử lý

*PV: Bà có thể cho biết tác động của các hành vi bắt nạt đối với cả nạn nhân và học sinh thực hiện hành vi này như thế nào?

* TS Lê Thị Xuân Thu: Những hành động này không chỉ xâm phạm thân thể, danh dự và nhân phẩm của nạn nhân mà còn dễ gây ra sang chấn tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần của các em. Đối với nạn nhân, các em thường chịu sang chấn, tổn thương tâm lý nghiêm trọng như rối loạn lo âu, trầm cảm, sợ đến trường và mất niềm tin vào môi trường giáo dục. Tình trạng này còn ảnh hưởng đến khả năng học tập, giao tiếp xã hội và sự phát triển nhân cách của các em.

Đối với học sinh thực hiện hành vi, nếu không được can thiệp kịp thời, các em có nguy cơ phát triển lệch chuẩn hành vi, hình thành nhân cách sai lệch và thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc cũng như giải quyết vấn đề.

Ngăn chặn bạo lực học đường - Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý

Bạo lực học đường là vấn đề khiến nhiều nhà quản lý giáo dục đau đầu để tìm giải pháp ngăn chặn triệt để (Ảnh minh họa)

*PV: Bà có thể cho biết thêm nguyên nhân dẫn đến hành vi bắt nạt trong trường học này là gì?

* TS Lê Thị Xuân Thu: Nhiều học sinh thực hiện hành vi bắt nạt thường xuất phát từ những khó khăn trong gia đình. Ví dụ, bố mẹ ly hôn, đi làm xa... thường thiếu vắng sự gắn kết và hỗ trợ cảm xúc cần thiết. Điều này dẫn đến việc các em thiếu kiểm soát hành vi do không được định hướng và uốn nắn đúng cách. Các em có thể tìm cách khẳng định quyền lực và kiểm soát trong môi trường học đường như một phản ứng trước cảm giác bất lực hoặc tổn thương tại gia đình. Ngoài ra, các em còn gặp khó khăn trong quản lý cảm xúc, thiếu đồng cảm và có thể biểu hiện rối nhiễu hành vi như chống đối xã hội và bạo lực.

*PV: Bà có thể đưa ra những lời khuyên, giải pháp can thiệp dưới góc độ tâm lý học với học sinh có hành vi bắt nạt?

* TS Lê Thị Xuân Thu: Để có giải pháp hiệu quả rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.Với học sinh vi phạm, cần thực hiện đánh giá tâm lý cá nhân để hiểu rõ hành vi và cảm xúc. Tư vấn tâm lý cá nhân thường xuyên nhằm xây dựng nhận thức đúng về hành vi sai trái. Áp dụng chương trình can thiệp hành vi tích cực giúp học sinh học kỹ năng kiểm soát tức giận, giải quyết xung đột và tăng cường đồng cảm qua hoạt động trị liệu nhóm.

Gia đình cần xây dựng môi trường yêu thương, lắng nghe và hỗ trợ cảm xúc cho trẻ, đồng thời làm gương bằng cách thể hiện hành vi tích cực. Việc thiết lập giới hạn rõ ràng và áp dụng kỷ luật tích cực giúp trẻ hiểu và tuân thủ quy tắc. Cha mẹ nên duy trì thói quen sinh hoạt đều đặn, khuyến khích trẻ tham gia hoạt động thể chất và sáng tạo, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng và giấc ngủ đầy đủ. Gia đình cũng cần chủ động học hỏi, tham gia các lớp kỹ năng nuôi dạy con để nâng cao hiệu quả giáo dục. Cha mẹ cần trở thành chỗ dựa vững chắc cho con phát triển toàn diện và hạnh phúc.

Nhà trường cần thể hiện rõ vai trò của mình, ban hành chính sách phòng chống bạo lực học đường, không khoan nhượng với hành vi bắt nạt. Tổ chức truyền thông nội bộ nâng cao nhận thức của toàn trường. Đào tạo giáo viên, phụ huynh về phát hiện, báo cáo và can thiệp hiệu quả.

Ngăn chặn bạo lực học đường - Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý

Trường THCS Cao Mại phối hợp cơ quan chức năng tổ chức ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục pháp luật

* PV: Vậy còn góc độ nạn nhân, các em cần làm gì để đối phó khi bị bắt nạt?

* TS Lê Thị Xuân Thu: Với nạn nhân, điều đầu tiên, cần can thiệp tâm lý. Tư vấn tâm lý cá nhân giúp học sinh bộc lộ cảm xúc, vượt qua cảm giác sợ hãi, mặc cảm. Các buổi trị liệu nếu cần có thể kết hợp chuyên gia tâm lý. Bên cạnh đó, cần trang bị kỹ năng phản hồi tích cực, tự bảo vệ, tìm kiếm sự giúp đỡ và xây dựng mối quan hệ lành mạnh. Ngoài ra, thông qua các hoạt động học tập, nghệ thuật, thể thao nhằm giúp học sinh cảm thấy có giá trị và được công nhận giúp các em phục hồi lòng tự trọng và cần xây dựng kế hoạch bảo vệ cá nhân cho học sinh tại trường, thông báo cho gia đình và tăng cường giám sát ở những khu vực có nguy cơ.

Điều quan trọng thứ hai cần hỗ trợ học sinh ứng phó với hành vi bắt nạt. Đó là, khuyến khích học sinh không đáp trả bằng bạo lực, giữ bình tĩnh, báo cáo với người lớn đáng tin cậy. Cần tăng cường nội lực tâm lý, sự kiên cường cho học sinh, giúp học sinh thể hiện năng lực cảm xúc – xã hội thông qua các chương trình giáo dục kỹ năng sống. Tổ chức các nhóm bạn đồng hành, giúp nạn nhân không cảm thấy đơn độc và có chỗ dựa tinh thần.

Việc phối hợp đồng bộ giữa cá nhân, gia đình và nhà trường là chìa khóa để phòng chống và giảm thiểu hành vi bắt nạt trong trường học, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Thùy Trang (Thực hiện)

Nguồn: https://baophutho.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-duoi-goc-nhin-chuyen-gia-tam-ly-231407.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm