Triển khai thực hiện kế hoạch số 01KH/BCĐTW ngày 21/3/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”, NHNN Việt Nam đã ban hành kế hoạch của ngành Ngân hàng, kèm theo quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 28/4/2025. Đây là kế hoạch, với các nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể cho các đơn vị chức năng tổ chức triển khai thực hiện, với kết quả đầu ra và từng mốc thời gian hoàn thành.
Việc xây dựng và phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trong ngành Ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc phổ cập tri thức nền tảng về chuyển đổi số và kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Qua đó giúp lực lượng này hiểu đúng, nắm vững kiến thức và sử dụng thành thạo các nền tảng, công cụ, dịch vụ số trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ. Ở góc độ học tập, thông tin và tuyên truyền, việc tổ chức thực hiện tốt phong trào “Bình dân học vụ số” và các nội dung học tập, đào tạo và bồi dưỡng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Phong trào “Bình dân học vụ số” góp phần phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho cán bộ, người lao động ngành Ngân hàng |
Thứ nhất, phát động phong trào để toàn thể cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng, từ các đơn vị quản lý đến các tổ chức tín dụng (TCTD) học tập, thực hành và vận dụng kiến thức về chuyển đổi số, về kỹ năng số nhằm phục vụ cho hoạt động tại đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý; hoạt động kinh doanh và nhiệm vụ ngành trong việc phát triển ngân hàng số, kinh tế số và phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo tinh thần nghị quyết 57 của Trung ương Đảng.
Thứ hai, thông qua phong trào tạo hiệu ứng lan tỏa và tinh thần học tập. Học để tiếp thu kiến thức mới, kiến thức số, kỹ năng số rất thiết thực đối với ngành Ngân hàng - ngành tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Với ý nghĩa đó, phong trào sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy quá trình đổi mới và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời là giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quan trọng trong phát triển ngân hàng số và ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành; cung cấp dịch vụ (dịch vụ ngân hàng; dịch vụ công) cho nền kinh tế.
Thứ ba, với nội hàm phổ cập kiến thức số và nâng cao trình độ, kỹ năng số, NHTW sẽ xây dựng và phát động phong trào “Bình dân học vụ số” của ngành trên cơ sở mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, để phong trào trở thành động lực và lan tỏa hiệu ứng chung, thiết thực và phổ thông, yêu cầu tính chủ động, sáng tạo trong cách làm, cách triển khai thực hiện phù hợp tại mỗi đơn vị là rất quan trọng. Trong đó ý nghĩa “bình dân học vụ” cần được khai thác, quán triệt và vận dụng triệt để, sáng tạo, với nội dung đơn giản, dễ học, dễ tiếp thu và học mọi lúc, mọi nơi trên môi trường mạng… đồng thời, đảm bảo phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng loại hình TCTD và tại mỗi TCTD theo yêu cầu và định hướng kế hoạch của NHTW.
Có thể khẳng định, phong trào “Bình dân học vụ số” của ngành Ngân hàng sẽ là phong trào thi đua trong học tập và rèn luyện kỹ năng số, kiến thức số để phục vụ hiệu quả cho công tác và nhiệm vụ của Ngành. Để phong trào phát huy hiệu quả, các TCTD cần sớm chủ động kế hoạch và chương trình hành động cụ thể; phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cũng như đẩy mạnh truyền thông lan tỏa tinh thần học tập số trong toàn hệ thống, đạt mục tiêu đề ra.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-day-manh-pho-cap-kien-thuc-so-qua-phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-163807.html
Bình luận (0)