Theo đó, NHNN đã ban hành 4 quyết định chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng bắt buộc và Ngân hàng Đông Á - một dấu mốc quan trọng trong lộ trình xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng. Sau chuyển giao bắt buộc, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Với trường hợp SCB, trên cơ sở phương án cơ cấu lại SCB của nhà đầu tư, NHNN đã có Tờ trình báo cáo Chính phủ về Phương án cơ cấu lại SCB. “Ngày 18/4/2025, NHNN đã có Tờ trình số 40/TTr-NHNN trình Thủ tướng Chính phủ về việc giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 29/4/2025, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện phương án cơ cấu lại SCB và sẽ có Tờ trình Báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định”, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin tại báo cáo.
Đối với các NHTM Nhà nước, NHNN đánh giá các ngân hàng trên tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các TCTD cả về quy mô vốn, tài sản, huy động vốn và tín dụng. Các NHTM nhà nước tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...; đẩy mạnh cơ cấu lại mạng lưới kênh phân phối, trong đó ưu tiên phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống quản trị rủi ro, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; tích cực phát triển dịch vụ ngân hàng mới, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng lành mạnh, hiệu quả, gắn với việc thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, kém hiệu quả và chấn chỉnh, củng cố, cơ cấu lại các công ty con, công ty liên kết ở trong nước và nước ngoài.
Về phía các NHTMCP cũng đang tích cực hoàn thiện, triển khai thực hiện theo phương án cơ cấu lại (PACCL) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, về cơ bản, các NHTMCP đều đang tập trung củng cố, chấn chỉnh toàn diện trên các mặt tài chính, quản trị và hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh năng lực cạnh tranh. Các ngân hàng đã tích cực tăng trưởng, mở rộng quy mô, đẩy mạnh tín dụng, huy động vốn, tích cực cải thiện khả năng chi trả và các chỉ số an toàn lành mạnh tài chính. Bên cạnh đó, các NHTMCP cũng nỗ lực, tích cực xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng đặc biệt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; phát triển dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác và mở rộng dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển và đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng truyền thống và phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng hiện đại…
Đối với các TCTD nước ngoài, NHNN cho biết đã tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát đối với TCTD nước ngoài để bảo đảm các TCTD nước ngoài hoạt động an toàn, đúng quy định của pháp luật. Trong đó NHNN chủ trương khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ TCTD trong nước tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ. Đối với TCTD nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao hoặc chưa đáp ứng chuẩn mực an toàn được cảnh báo kịp thời và yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, hiện nay, các TCTD nước ngoài đang tích cực triển khai PACCL đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến tháng 02/2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng MBV, Dầu Khí Toàn Cầu, VCBNeo, Vikki Bank, Sài Gòn) ở mức 1,88%.
Cũng trong báo cáo gửi tới Quốc hội, NHNN cho biết, năng lực tài chính của TCTD, nhất là tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước và NHTM có vốn nhà nước chi phối tiếp tục được nâng cao.
Đối với các NHTM Nhà nước, trong năm 2024, để củng cố năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại, NHNN đã trình cấp có thẩm quyền chấp thuận bổ sung vốn điều lệ cho Vietcombank, BIDV thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu và đang lấy ý kiến trình cấp có thẩm quyền đối với Vietinbank. Ngoài ra, các ngân hàng này đang thực hiện các thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
Còn với các NHTMCP và các công ty tài chính, trên cơ sở đề xuất của các TCTD, NHNN đã chấp thuận tăng vốn điều lệ theo quy định, trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Tuy đạt được kết quả tích cực nhưng lãnh đạo NHNN cho biết, tiến độ cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các Tập đoàn/Tổng Công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-tai-co-cau-he-thong-tctd-163801.html
Bình luận (0)