Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thị trường chứng khoán: Cải cách và kỳ vọng nâng hạng

Việc được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển của thị trường chứng khoán, song không phải là đích đến cuối cùng. Điều thị trường cần hướng tới là một hệ sinh thái tài chính lành mạnh, minh bạch và bền vững – nơi cải cách không dừng lại ở mốc xếp hạng, mà trở thành động lực nội tại cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng07/05/2025

Hệ thống KRX mới đi vào vận hành từ ngày 5/5 - Ảnh: Hữu Khoa
Hệ thống KRX mới đi vào vận hành từ ngày 5/5 - Ảnh: Hữu Khoa

Nhiều giải pháp quyết liệt

Trả lời câu hỏi của báo chí tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 về triển vọng nâng hạng thị trường vào kỳ đánh giá tháng 9/2025 sắp tới, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Việc nâng hạng thị trường chứng khoán được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt". Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng cũng như định hướng chiến lược về phát triển thị trường đến năm 2030, thời gian qua Bộ Tài chính, cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương ví von tiến trình nâng hạng giống như “cuộc thi giọng hát hay”: Ngoài phần đánh giá của ban giám khảo (là các tổ chức xếp hạng như FTSE, MSCI), còn cần sự bình chọn của “khán giả” – tức là niềm tin của nhà đầu tư quốc tế. Vì thế, Việt Nam đang thực hiện hai tiến trình song song, vừa làm việc với các tổ chức xếp hạng, vừa tạo lập niềm tin từ cộng đồng các nhà đầu tư.

Việt Nam đã đáp ứng 9 tiêu chí nâng hạng do các tổ chức xếp hạng đưa ra. Tuy nhiên, như Thứ trưởng Phương khẳng định, đây mới là điều kiện cần; điều kiện đủ tùy thuộc vào đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài về tình hình đầu tư thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ trưởng Trần Quốc Phương tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Với các điều kiện cần và đủ như vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp lớn để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam”, Thứ trưởng Phương nói và nhấn mạnh sáu nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, triển khai hệ thống KRX như tính năng mới về giao dịch thanh toán, đưa vào một số giải pháp phòng ngừa rủi ro cho một số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài… Hệ thống KRX đã chính thức vận hành từ ngày 5/5/2025; Đồng thời ngày 26/4/2025, Bộ đã ban hành Thông tư số 18 sửa đổi, bổ sung một số quy định chuẩn bị cho việc triển khai hệ thống KRX đáp ứng một số đề xuất theo yêu cầu của tổ chức xếp hạng FTSE và một số nhà đầu tư lớn là khi triển khai cơ chế, không yêu cầu nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài có đủ 100% tiền như hiện nay.

Thứ hai, rà soát để sửa đổi Nghị định số 155 năm 2020, trong đó quy định rõ các công ty đại chúng được hoàn tất tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa nhằm minh bạch hóa thông tin tỉ lệ sở hữu nước ngoài cho các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, triển khai hoạt động bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đầu tư gián tiếp nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư gián tiếp.

Thứ tư, nghiên cứu triển khai các tài khoản giao dịch tổng theo hướng ban đầu đáp ứng các quỹ đầu tư nước ngoài, sau đó có đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật liên quan.

Thứ năm, tăng cung hàng hóa, đồng thời phát triển sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán như rút ngắn quá trình niêm yết cổ phiếu; phát triển các bộ chỉ số đầu tư bên cạnh các bộ chỉ số đầu tư hiện nay để làm cơ sở hoạt động cho các quỹ đầu tư…

Thứ sáu, thành lập nhóm đối thoại chính sách gồm các thành viên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng… để đẩy nhanh tiến độ cho quá trình nâng hạng thị trường.

Niềm tin từ cộng đồng quốc tế

Trong một thập kỷ qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng. Chỉ số VN-Index tăng 2,3 lần, vốn hóa thị trường tăng 6,4 lần, thanh khoản tăng 3,8 lần. Số lượng tài khoản giao dịch tăng 6,7 lần, trong khi mã số giao dịch chứng khoán (MSGD) cấp cho nhà đầu tư nước ngoài tăng 2,8 lần.

Riêng năm 2024, chỉ số VN-Index tăng 12,9%, vốn hóa thị trường tăng 21,2%, đạt gần 70% GDP. Số tài khoản giao dịch vượt 9 triệu, chiếm 9% dân số. MSGD cấp cho nhà đầu tư nước ngoài chạm mốc 50.000, với 12,4% thuộc về nhà đầu tư tổ chức. Thanh khoản duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch bình quân ngày đạt 21,1 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước.

“Những con số này cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam không hề bị hạn chế bởi các chỉ số định lượng và đủ sức đáp ứng yêu cầu nâng hạng”, ông Gary Harron – Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán của HSBC Việt Nam nhận định, đồng thời đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam trong thập kỷ qua.

Vị này cũng cho rằng, các tiêu chí định tính trong xếp hạng thị trường thường khó đo lường hơn, song Việt Nam đã chủ động cải thiện. “Những cải cách gần đây được đưa ra nhằm mục tiêu đáp ứng các tiêu chí nâng hạng đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nói chung cho nhà đầu tư nước ngoài”, theo ông Gary Harron.

Dù các cải cách chủ yếu nhắm tới nhóm nhà đầu tư tổ chức quốc tế, ông Harron cho rằng, lợi ích cuối cùng sẽ lan tỏa tới toàn bộ hệ sinh thái thị trường vốn Việt Nam. Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân hiện chiếm tới 90% giá trị giao dịch, việc chuẩn hóa khung pháp lý, nâng cao giám sát thị trường, cải thiện quản trị doanh nghiệp và tăng tính minh bạch sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho chính họ.

“Khuôn khổ pháp lý vững chắc, tăng cường giám sát thị trường, cải thiện quản trị doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng hiện đại hơn, tăng tính minh bạch và hiệu quả…, tất cả không chỉ giúp nhà đầu tư nước ngoài vững tin hơn mà còn củng cố niềm tin vào thị trường của nhà đầu tư trong nước”, vị này nhận định.

Nâng hạng: điều kiện, không phải đích đến

Theo các chuyên gia, việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng, nhưng không thể không công nhận rằng, tiềm năng của thị trường vốn Việt Nam mới là điều đáng nói hơn cả.

Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC ghi nhận Việt Nam là thị trường chứng khoán có kết quả hoạt động tốt nhất ASEAN trong năm 2024. Song tổ chức này cũng nhận định thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng, và tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. So với các nước ASEAN khác, sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng so với dòng vốn từ thị trường chứng khoán của Việt Nam đang ở mức đáng chú ý. Mức độ quá phụ thuộc vào tín dụng này có thể dẫn đến việc những điều chỉnh về mặt kinh tế gia tăng tác động theo hướng bất lợi lên chi phí đi vay.

Trong khi đó theo Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), dù thị trường vốn Việt Nam đã phát triển mạnh, vẫn còn nhiều khoảng trống. Một trong những vấn đề chính là thiếu vắng các nhà đầu tư tổ chức dài hạn như quỹ hưu trí. Tỷ trọng cao của nhà đầu tư cá nhân khiến thị trường dễ biến động mạnh, làm giảm động lực niêm yết của các công ty lớn.

Chính vì vậy, việc nâng hạng được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng huy động vốn của thị trường chứng khoán, hỗ trợ phát triển kinh tế và giảm tải áp lực cho hệ thống tín dụng truyền thống.

Ông Gary Harron cho biết, HSBC hiện cung cấp dịch vụ lưu ký cho khoảng 50% nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. “Và chúng tôi thực sự yên tâm khi chứng kiến các cơ quan quản lý đã tích cực tiếp nhận ý kiến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài về các thông lệ quốc tế tốt nhất nhằm thúc đẩy phát triển thị trường. Đây là một hướng đi đúng đắn được thực tiễn chứng minh mà chúng tôi đã quan sát được ở các thị trường từng trải qua quá trình nâng hạng”, ông nói.

Việt Nam có thể đã đáp ứng được các tiêu chí tối thiểu cố định nhưng tiêu chuẩn của cộng đồng đầu tư quốc tế cũng ngày càng cao khi các thị trường khác cũng cạnh tranh quyết liệt. Kinh nghiệm của HSBC cho thấy, các nhà đầu tư tổ chức sẽ liên tục trông đợi thị trường có những bước phát triển mang lại hiệu quả, an toàn tài sản và khả năng mở rộng quy mô.

Việc được nâng hạng chắc chắn sẽ là bước ngoặt quan trọng, nhưng theo giới chuyên gia, hành trình cải cách thị trường vốn sẽ không dừng lại ở đó. Bởi điều quan trọng hơn cả là phát triển một thị trường vốn vận hành đầy đủ chức năng, có khả năng huy động và phân bổ hiệu quả vốn cho các lĩnh vực, ngành nghề. Điều này sẽ đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế.

“Xét những yếu tố này cũng như những cải cách chính sách nhờ tiếp thu ý kiến cộng đồng quốc tế, có thể thấy câu chuyện phát triển thị trường của Việt Nam vẫn rất tích cực. Dù kết quả thế nào, HSBC Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục phát triển và tiến hóa, phát huy thành công đạt được trong 25 năm khai mở tiềm năng kể từ phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 7/2000, mang lại lợi ích chung cho Việt Nam”, ông Gary Harron tin tưởng.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-chung-khoan-cai-cach-va-ky-vong-nang-hang-163810.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam
Cảnh tượng hiếm thấy của rùa biển ở Côn Đảo mùa sinh sản

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm