Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành Ngân hàng Thanh Hóa: Bệ đỡ huyết mạch cho tăng trưởng bứt phá năm 2025

Năm 2025, Thanh Hóa bước vào giai đoạn tăng tốc, bứt phá, với mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 11% trở lên. Trong bức tranh phát triển đầy kỳ vọng ấy, ngành Ngân hàng được xác định là một trong những trụ cột quan trọng, góp phần huy động, phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng26/04/2025

Theo Quyết định số 921/QĐ-UBND ngày 31/3/2025 về kịch bản tăng trưởng kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từng quý ở mức cao: quý I từ 9,79%, quý II từ 10,64%, quý III từ 10,74% và quý IV từ 12,57% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương và hệ thống chính trị là yêu cầu cấp thiết, trong đó ngành Ngân hàng tiếp tục giữ vai trò then chốt, được ví như "huyết mạch" của nền kinh tế.

Linh hoạt, chủ động và hiệu quả

Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Thanh Hóa được nâng cấp thành mô hình NHNN Khu vực 7 không chỉ là sự thay đổi về mô hình tổ chức, mà còn phản ánh tư duy điều hành mới, hướng tới tăng hiệu quả quản lý toàn vùng. Dù còn nhiều thách thức bước đầu, song theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi, mô hình này sẽ tạo thuận lợi cho phối hợp chính sách và điều hành tín dụng sát với trọng tâm phát triển của địa phương.

Đến cuối tháng 2/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tại Khu vực 7 đạt 500.853 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cuối năm 2024, đáp ứng 90% nhu cầu tín dụng trên địa bàn. Riêng Thanh Hóa và Nam Định chiếm tỷ trọng lớn nhất, lần lượt khoảng 39,3% và 27,3% tổng huy động của toàn khu vực.

Tính đến cuối tháng 3/2025, huy động vốn tiếp tục tăng, ước đạt 504.150 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2024. Về tín dụng, dư nợ toàn khu vực đạt 556.230 tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa dẫn đầu, chiếm khoảng 40,1% tổng dư nợ.

Đến cuối tháng 3/2025, huy động vốn của các TCTD tại Khu vực ước đạt 504.150 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2024
Đến cuối tháng 3/2025, huy động vốn của các TCTD tại Khu vực ước đạt 504.150 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cuối năm 2024

Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, hệ thống ngân hàng đã chủ động phân bổ dòng vốn vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch và khoa học công nghệ, góp phần khơi thông các “điểm nghẽn”, tạo động lực mới cho tăng trưởng.

Các TCTD trên địa bàn cũng tập trung thúc đẩy tín dụng ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng và hộ kinh doanh, gắn tăng trưởng tín dụng với kiểm soát chất lượng, phòng ngừa rủi ro, đặc biệt đối với các lĩnh vực tiềm ẩn như bất động sản, chứng khoán.

Song song đó, NHNN Khu vực 7 đẩy mạnh cải cách hành chính, số hóa quy trình tín dụng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ triển khai Đề án 06 về xây dựng chính quyền số và đô thị thông minh. Đây chính là những bước đi quan trọng, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và mở rộng hoạt động đầu tư - kinh doanh.

Gắn kết ngân hàng - doanh nghiệp

Một trong những điểm sáng nổi bật của ngành Ngân hàng Thanh Hóa thời gian qua là sự chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để kết nối, đối thoại, tháo gỡ khó khăn về vốn cho khu vực sản xuất - kinh doanh. Các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, cho vay phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, thiên tai... đã kịp thời tiếp sức cho hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất.

Tại các khu công nghiệp trọng điểm như KKT Nghi Sơn, WHA Smart Technology - Thanh Hóa, Lam Sơn - Sao Vàng, Bỉm Sơn - Thạch Thành, hệ thống ngân hàng không chỉ làm nhiệm vụ cấp vốn mà còn trở thành đối tác chiến lược, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án, từ giai đoạn giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hạ tầng, đến sản xuất và xuất khẩu.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ ngành ngân hàng trong việc triển khai nhiệm vụ điều hành, khai thác hiệu quả tiềm năng địa phương, bảo đảm hoạt động ổn định và phát triển bền vững. NHNN Khu vực 7 được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến kinh tế - xã hội, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong hoạch định chính sách tiền tệ, tín dụng phù hợp.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, yêu cầu đặt ra đối với Thanh Hóa là phải vừa tăng trưởng nhanh, vừa bảo đảm bền vững. Ngành ngân hàng đang thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thích ứng linh hoạt và chủ động sáng tạo, cùng chung tay với tỉnh hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng.

Những kết quả ấn tượng đạt được trong năm 2024 và quý I/2025 là minh chứng rõ ràng: tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 ước đạt 12,16% (đứng thứ 2 cả nước), thu ngân sách đạt 57.052 tỷ đồng (vượt 60% dự toán), tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 138.856 tỷ đồng (vượt 2,9% kế hoạch). Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ dòng vốn tín dụng kịp thời, hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Với nền tảng vững chắc và sự phối hợp ngày càng chặt chẽ giữa ngành ngân hàng và chính quyền các cấp, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những "đầu tàu" tăng trưởng của cả nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ngành Ngân hàng Thanh Hóa: Bệ đỡ huyết mạch cho tăng trưởng bứt phá năm 2025

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/nganh-ngan-hang-thanh-hoa-be-do-huyet-mach-cho-tang-truong-but-pha-nam-2025-163418.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm