Cuốn sách gồm những bài tường thuật của nhiều nhà báo phương Tây - những người đã trực tiếp có mặt tại Việt Nam trong những ngày tháng lịch sử. Họ chứng kiến các đoàn quân Giải phóng hành quân vào miền Nam, mang theo tinh thần kiên định “dân tộc Việt Nam là một” và niềm tin tất thắng.
Họ chứng kiến những cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do Mỹ tổ chức, khi trực thăng nối đuôi nhau rời khỏi Sài Gòn, để lại một thành phố hoang tàn. Và chỉ sau một tuần, họ lại nhìn thấy một Sài Gòn khác - bình tĩnh, trật tự và tràn đầy biểu tượng của một thời đại mới.
Một trong những điểm đặc sắc của cuốn sách chính là cách những nhà báo mô tả sự thay đổi của con người và không khí trong thành phố trước và sau ngày 30-4-1975. Đó là những chiến sĩ Quân Giải phóng với bộ quân phục màu xanh lá cây cùng đôi dép cao su trò chuyện cởi mở với người dân.
Đó là hình ảnh những học sinh trong tà áo dài trắng, những bà mẹ, những người thân ôm nhau khóc trong ngày đoàn tụ. Người dân sau những ngày đầu lo lắng đã trở lại cuộc sống thường nhật, dẫu biết rằng trước mắt họ là một hành trình đầy thách thức để xây dựng lại đất nước.
Bên cạnh những câu chuyện của từng cá nhân, cuốn sách phản ánh một sự thật sâu sắc: Chiến thắng của Việt Nam không chỉ đơn thuần là thắng lợi của một ý thức hệ hay một lực lượng quân sự, mà đó là chiến thắng của cả một dân tộc - những con người đã chịu đựng quá nhiều mất mát, chia cắt và đau thương để giành lại độc lập, tự do.
Những người lính miền Bắc vào Nam không chỉ giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, mà còn tìm lại gia đình, người thân - những người đã bị chia lìa bởi chiến tranh suốt hàng chục năm. Khoảnh khắc gặp lại cha mẹ, anh chị em sau bao năm xa cách trở thành một trong những biểu tượng của hòa bình, thống nhất đất nước.
Cuốn sách là một cuốn biên niên chân thực, sống động và đầy cảm xúc về khoảnh khắc lịch sử khi chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất.
MAI AN
Nguồn:https://www.sggp.org.vn/ngay-30-4-1975-qua-goc-nhin-cua-phong-vien-nuoc-ngoai-post791045.html
Bình luận (0)