Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ra trong một gia đình nho học tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc và tình yêu sâu sắc với đàn kìm, đàn cò, đặc biệt là đàn tranh. Năm 12 tuổi, ông chính thức thọ giáo các thầy đàn và dần khẳng định tên tuổi trong giới nghệ thuật.
Không chỉ là bậc thầy trình tấu, nhạc sư còn là người cải tiến đàn tranh từ 16 lên 21 dây, mở rộng âm vực, góp phần nâng tầm nhạc cụ truyền thống. Ông từng giữ vai trò Trưởng ban cổ nhạc miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1955-1964), giảng dạy và truyền lửa đam mê cho biết bao thế hệ học trò trong và ngoài nước.
Những năm cuối cuộc đời, ông vẫn miệt mài giảng dạy qua Internet, giao lưu âm nhạc với bạn bè khắp thế giới. Tiếng đàn của ông "liêu trai, phù thủy" như lời cố Giáo sư Trần Văn Khê – không chỉ là âm thanh mà còn là triết lý sống, là tiếng vọng hồn dân tộc. Năm 2008, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật. Ông được xem là một trong sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Hơn một thế kỷ sống và cống hiến, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là “báu vật sống” của âm nhạc Việt Nam. Tiếng đàn hữu thanh đã tắt, nhưng tiếng đàn vô thanh của ông vẫn vang vọng trong lòng người mộ điệu khắp năm châu.
Nguồn: https://nhandan.vn/nguyen-vinh-bao-bac-thay-dan-tranh-va-di-san-van-hoa-nam-bo-post873903.html
Bình luận (0)