Ở xã Đông Tảo (Khoái Châu), có sản phẩm đậu phụ độc đáo với hương vị thơm, ngậy ai ăn một lần cũng nhớ, đó là đậu nghệ.
Đậu nghệ thành phẩm có màu vàng nhạt đẹp mắt, béo ngậy, là món ăn thanh mát, dân dã. Từ bìa đậu nghệ, người ta thường chế biến thành các món ăn ngon giàu chất dinh dưỡng như: Đậu luộc, đậu rán sốt cà chua, đậu rán chấm nước mắm chanh hoặc mắm tôm, canh đậu cà chua, đậu rán xào thịt ba chỉ...
Nghề làm đậu nghệ ở xã Đông Tảo đã có từ lâu. Theo các hộ dân làm nghề nơi đây, làm đậu nghệ không quá phức tạp nhưng phải thực hiện qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian. Nguyên liệu chính là đỗ tương được chọn lựa kĩ, sau đó ngâm trong nước sạch đến độ vừa phải (mùa hè ngâm khoảng 5 tiếng, mùa đông khoảng 8 - 10 tiếng). Đỗ sau ngâm để ráo nước, cắt củ nghệ thành những lát nhỏ trộn với đỗ theo tỷ lệ khoảng 5kg đỗ trộn với 150 gram nghệ tươi. Công đoạn tiếp theo là cho đỗ và nghệ vào xay, nghiền ra thành bột nước. Từ hỗn hợp bột thu được, dùng máy vắt để tách bã, lấy nước đỗ tương, sau đó đun sôi liu riu bằng nồi hơi để sữa chín từ từ. Sau khi nước đậu sôi sẽ đổ ra pha nước chua (nước đậu đã lên men để từ hôm trước) và muối, là chất xúc tác để nước đậu kết tủa thành đậu non. Đậu non được múc vào khuôn lót vải mỏng và ép ra nước cho miếng đậu đóng bánh mịn đều. Cuối cùng, chuyển đậu từ khuôn ra khay sạch là hoàn thành một mẻ.
Nếu như trước đây, các công đoạn sản xuất đậu nghệ hoàn toàn thủ công thì những năm gần đây, nghề làm đậu đã có nhiều khâu được máy móc thay thế như: máy nghiền, máy vắt, lò hơi luộc đậu thay thế luộc thủ công bằng bếp than, củi. Nhờ có máy móc, người làm đậu nhàn hơn nhiều, chỉ còn vài công đoạn cần làm thủ công bằng tay như: pha chua, gói, ép…
Bà Nguyễn Thị Thoan, một trong những hộ sản xuất đậu nghệ có tiếng ở thôn Đông Tảo Đông cho biết: Tôi làm nghề này đã 32 năm. Những năm gần đây, tôi đầu tư thêm máy, thiết bị, học hỏi kỹ thuật mới, kết hợp kỹ thuật truyền thống, nhờ đó sản phẩm làm ra luôn bảo đảm chất lượng. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi làm ra khoảng 75 – 125kg đậu nghệ thành phẩm, bán giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ thu nhập từ sản phẩm chính là đậu nghệ, người làm nghề còn tận dụng các phụ phẩm như: nước đậu, bã đậu, váng đậu… để dùng làm thức ăn chăn nuôi vừa giảm chi phí, vật nuôi cũng nhanh lớn, chất lượng thịt thơm ngon.
Đậu nghệ có thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh. Chị Đỗ Thị Hương ở thành phố Hà Nội cho biết: Mỗi lần có dịp đi qua xã Đông Tảo, tôi đều mua đậu nghệ về thưởng thức và làm quà...
Chủ tịch UBND xã Đông Tảo Nguyễn Thanh Quyết cho biết: Tháng 8 vừa qua, Hội đồng thẩm định xét công nhận làng nghề tỉnh đã tiến hành bỏ phiếu và đồng ý đề nghị UBND tỉnh xét công nhận làng nghề đối với Làng nghề đậu nghệ Đông Kim, xã Đông Tảo. Hiện nay, làng nghề đậu nghệ Đông Kim có 103 hộ sản xuất, tạo việc làm cho 145 lao động, với thu nhập trung bình gần 8 triệu đồng/người/tháng. Năm 2023, doanh thu của làng nghề đạt trên 104 tỷ đồng. Để phát triển làng nghề, thời gian tới chúng tôi khuyến khích người dân đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đồng thời liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm…
Nghề làm đậu nghệ mang đến món ăn phổ biến trên mâm cơm mỗi nhà, tuy vất vả sớm khuya nhưng đã góp phần mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình trong xã.
Nguồn: https://baohungyen.vn/ngay-thom-dau-nghe-dong-tao-3177121.html
Bình luận (0)