Ngày 9.8.2024, Bộ VH-TT-DL công bố nghệ thuật trang trí cây nêu của người Kor ở H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian.
LỄ ĂN TRÂU CẦU KỲ VÀ DÀI NGÀY
Đại úy Hồ Văn Năm, Phó công an xã Trà Bình (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi), dù còn trẻ nhưng có nhiều hiểu biết về văn hóa, tín ngưỡng đồng bào Kor. Từ nhỏ, đại úy Năm đã chứng kiến lễ ăn trâu (hiến tế thần linh) của đồng bào mình. Lễ diễn ra cầu kỳ, dài ngày, mục đích chính là tạ ơn thần linh, tổ tiên. Trong lễ hiến tế, người Kor phải dựng cây nêu.
Cây nêu phướn của người Kor
ẢNH: P.DUNG
Theo đại úy Năm, lễ ăn trâu diễn ra khoảng tháng 11, 12 hoặc tháng giêng, có khi kéo dài qua tháng 2 âm lịch, thường là thời điểm sau Tết ngã rạ của người Kor. Thông thường, khi có "lời hứa" với thần linh rằng, nếu phù hộ cho gia đình và người làng bình yên, làm ăn dư dả sẽ cúng trâu hoặc trong nhà có người đau ốm, gặp sự cố "khó gỡ", người Kor khấn và được thần linh, ông bà tổ tiên… giúp đỡ qua cơn hoạn nạn, họ sẽ hiến trâu tạ ơn. Con trâu hiến tế phải là trâu đực. Từ khi có lời khấn nguyện, người Kor dắt trâu về nhốt trong chuồng, nuôi kỹ 3 năm, đến khi trâu mập mạp, mông, vai, u… to khỏe mới tổ chức lễ hiến tế.
Trang trí cây nêu ở thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng
ẢNH: H.SINH
Về phần cây nêu, với đồng bào Kor là công đoạn dài, dày công của nhiều người. Muốn có cây nêu đẹp, người Kor lùng trong rừng tìm cây chò chỉ đưa về làng. Sau đó, dựng lên thành trụ và thân, còn ngọn nêu là thân cây lồ ô cao. Theo đại úy Năm, quá trình chuẩn bị cây nêu kéo dài cả tháng trời với sự góp công của nhiều người. Trong lễ ăn trâu, không phải muốn dựng cây nêu gì cũng được, mà phải theo thứ tự và theo nguyện ước của chủ lễ. Khi chủ lễ muốn dựng cây nêu phướn, họ dùng ống lồ ô đựng nước dộng mạnh xuống đất. Nếu nước trong ống lồ ô bắn ra văng về hướng mặt trời mọc và văng vào người, xem như thần linh đồng ý. Còn nếu không, phải dừng việc dựng nêu.
Mâm thần và gubla của cây nêu phướn
ẢNH: P.DUNG
Theo sách Văn hóa cổ truyền của dân tộc Kor (Cao Chư, NXB Đà Nẵng, 2009), cây nêu trong lễ ăn trâu có nhiều loại: Ăn trâu nêu phướn (xa glák), nêu thượng (xa cô); nêu xa cóh; nêu lá; nêu cót kja; nêu dù; nêu đu đủ… Theo tìm hiểu của chúng tôi, có gia đình ăn cả 3 con trâu đều dùng nêu phướn, nhưng đến khi dùng nêu lá xem như lễ ăn trâu cuối cùng, nghĩa là tạ ơn với thần linh, tổ tiên xong. Người Kor sinh sống đường rừng và đường nước ở H.Trà Bồng có cách trang trí và dựng cây nêu khác nhau, đều có nét độc đáo riêng. Ngoài ra, trong quá trình ăn trâu, chủ nhà còn chuẩn bị heo và hàng chục con gà mời cả làng đến chung vui.
NÉT TINH TÚY NHẤT CỦA NGƯỜI KOR
Trong các loại cây nêu tại lễ ăn trâu, nêu lá đơn giản nhất, còn lại đều rất công phu trong nghệ thuật tạo hình. Việc đi tìm cây chò chỉ, vỏ cây, lồ ô... dù không đơn giản nhưng không phải công phu nhất, mà dày công chính là nghệ thuật tạo hình trên cây nêu.
Phụ nữ Kor nhảy múa quanh cây nêu
ẢNH: P.DUNG
Đơn cử như cây nêu phướn cao từ 13 - 15 m, gồm: đế, thân và ngọn. Theo đó, đế có hình trụ tròn, gồm 2 đoạn. Đoạn chân cột từ mặt đất lên quá đầu người dùng để buộc cổ trâu hiến tế, không trang trí hoặc chỉ tô màu trắng. Đoạn còn lại trang trí hoa văn liên kết thành các dải đồng tâm nằm ngang, mỗi dải rộng chừng 10 - 12 cm. Ở đây màu trắng được sử dụng làm nền, các hoa văn hình quả trám, hình răng cưa, hình mặt trời… nổi lên với các màu đen, đỏ.
Thân cây nêu dài từ 2,8 - 3 m. Phần thân dưới được tạo 7 dải hoa văn xung quanh thân, nền được tô màu trắng, sau đó là vòng màu đỏ được tô đậm trên đường phân cách giữa các dải. Ngoài ra, người Kor còn vẽ 5 - 7 đường chạy song song quanh thân cột với các màu đen đỏ, xen kẽ nhau trên nền màu trắng. Mỗi dải hoa văn là các hình vẽ trang trí khác nhau, người Kor thể hiện ngôn ngữ tạo hình gắn với các vị thần linh trong tín ngưỡng của họ, như: nữ thần Mo Cả (nữ thần sinh ra con người), thần Pnon (gọi là Cơi Pnon, thần hộ mệnh, chồng của nữ thần Mo Cả)…
Phần thân trên của cây nêu (khoảng 1 m) được trang trí mâm thần, nơi ngự của các vị thần linh đến dự lễ. Người Kor trang trí mặt trên mâm màu trắng và những hoa xơ vỏ cây đỏ, trắng xen nhau; mặt dưới mâm cũng tô màu trắng với các hoa văn vòng tròn và hình tia mặt trời, tượng trưng nữ thần Mo Cả.
Một cây nêu chuối (gâk cót kja)
ẢNH: H.SINH
Trên mâm thần, người Kor kê một cái thân trụ, gọi là gubla. Trong đó, trụ gu là cột và 4 tai gu bằng gỗ, được đẽo lõm cong thành các khấc nhô lên ở cạnh trên. Trên đỉnh khấc nhô lên có gắn 4 con chim chèo bẻo màu đen (2 con mái nhỏ và 2 con đực) ở tư thế đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Phía trên gubla là thân nêu được làm bằng đoạn lồ ô bọc xơ vỏ cây có màu trắng ngà.
Phần ngọn nêu và lá phướn cũng được trang trí cầu kỳ.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động H.Trà Bồng, người có hàng chục năm công tác trong ngành văn hóa H.Trà Bồng, lễ ăn trâu hiến thần linh là nét tinh túy nhất của người Kor, mang tính cộng đồng rất cao. Người Kor không có thầy cúng, nên chủ nhà khi cúng xong, người trong làng có thể đến khấn vái trước lễ cúng, cầu cho thần linh, tổ tiên phù hộ đời sống an lành, không đau ốm, bệnh tật…
Trong suốt 12 ngày diễn ra lễ ăn trâu, người Kor hát a lát "tâm sự" với trâu hiến tế cho các thần linh; hát ka lu nói chuyện với thần linh về cuộc sống đồng bào, cầu an, cầu may mắn trong đời sống… Những lời hát đó không bao giờ lặp lại suốt 12 ngày đêm. Khi cúng tế, chủ nhà đứng làm chủ lễ, con trai đứng bên, ngày trước còn mang cả gươm, giáo đứng hai bên trang nghiêm, nghe lời cúng để sau này tự cúng. Nhờ vậy, phong tục được truyền lại cho thế hệ sau, không mai một. (còn tiếp)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nghe-thuat-trang-tri-cay-neu-cua-nguoi-kor-185250330222506017.htm
Bình luận (0)