Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đặt ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (phiên bất thường) cho ý kiến về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, diễn ra chiều 21.4.
Cùng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chọn tên xã, phường mới phải tính toán kỹ
Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn trình bày tại Hội nghị, trước khi sắp xếp, toàn tỉnh có 155 đơn vị. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh còn 58 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã và 17 phường, giảm 97 đơn vị (giảm 62,58%).
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cao với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; đồng thời, trao đổi về tên gọi của các đơn vị, địa giới hành chính giữa các đơn vị và các nội dung sẽ triển khai thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: N.H |
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, bên cạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính, việc chọn tên gọi rất quan trọng. “Em sinh ở Tam Quan. Giữa miền Nam ruột thịt. Quê em dù xa tít. Em vẫn nhớ vẫn thương”, đồng chí Lê Kim Toàn dẫn mấy câu thơ, nhấn mạnh phải làm sao để tên gọi của mỗi xã, phường mới phải gắn liền với vùng đất, truyền thống văn hóa, con người ở đó. Vì vậy, các địa phương phải hết sức cân nhắc, kỹ lưỡng, thận trọng; sẽ khó có cơ hội sửa lại nếu đã có quyết định.
Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn Phạm Trương cho biết, theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh, TX Hoài Nhơn sau sắp xếp sẽ thành lập 7 phường được đặt tên phường Hoài Nhơn cộng với số thứ tự từ 1 đến 7. “Tại Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã, một số ý kiến băn khoăn cho rằng có nên giữ lại một số tên địa danh như Bồng Sơn hoặc Tam Quan hay không? Tuy nhiên sau khi phân tích, thảo luận thì hầu hết ý kiến đều đồng tình nên lấy tên phường Hoài Nhơn cùng số thứ tự từ 1 đến 7. Sở dĩ lấy tên Hoài Nhơn để đặt cho các phường mới là do phủ Hoài Nhơn đã có từ cách đây 555 năm. Và địa danh Hoài Nhơn đã được cộng đồng dân cư gìn giữ, đoàn kết tạo nên nhiều thành tích cả trong kháng chiến chống Mỹ và trong cả thời bình”, ông Trương nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng việc đặt tên gọi, tính toán kỹ đến yếu tố lịch sử, văn hóa, địa hình, địa điểm đặt trụ sở, bảo đảm chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân, tiết giảm chi phí đi lại.
“Lãnh đạo các địa phương phải có trách nhiệm với lịch sử, nghiên cứu kỹ để đặt tên mới cho phù hợp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy không áp đặt cách đặt tên của các xã, phường mới. Qua dư luận, qua phản ánh, các đồng chí cần tiếp tục nghiên cứu để tìm một cái tên mới nhẹ nhàng, gắn liền với lịch sử, nói lên được nhiều điều”, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói.
Sau khi sắp xếp, TP Quy Nhơn còn 5 phường và 1 xã. - Trong ảnh: Một góc trung tâm TP Quy Nhơn. Ảnh: NGUYỄN DŨNG |
Khẩn trương, trách nhiệm
Về Tờ trình Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, sẽ thành lập tỉnh Gia Lai trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính, dân số của tỉnh Gia Lai và toàn bộ địa giới hành chính, dân số của tỉnh Bình Định. Tỉnh Gia Lai hình thành sau sắp xếp có diện tích tự nhiên hơn 21.576 km²; quy mô dân số hơn 3,153 triệu người; có 135 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 110 xã và 25 phường).
Tỉnh Gia Lai sau sắp xếp có trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Bản đồ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Định. Ảnh: ĐVCC |
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng giao nhiệm vụ cho Đảng ủy UBND tỉnh nghiên cứu, bám sát Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến góp ý của các đồng chí tham dự Hội nghị, hoàn thiện Đề án sắp xếp tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định (cùng với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Định năm 2025), trình HĐND tỉnh cho ý kiến. Bên cạnh đó, đề nghị Đảng ủy UBND tỉnh khẩn trương tiến hành các thủ tục xây dựng trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh tại Khu Kinh tế Nhơn Hội.
“Trung tâm chính trị - hành chính mới đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội phải xây dựng đường sá, hạ tầng, ánh sáng, đô thị hiện đại, đảm bảo nơi làm việc tốt nhất cho đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập tỉnh. Cùng với đó là xây dựng phương án đi lại, lưu trú cho đội ngũ cán bộ ở Gia Lai xuống. Do vậy, ngay từ bây giờ, Đảng ủy UBND tỉnh phải thành lập các tổ công tác để triển khai thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Bên cạnh đó, chủ động bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính theo quy định; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
NGUYỄN HÂN
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=354713
Bình luận (0)