7h, anh Nguyễn Sơn mở cửa chiếc xe truyền hình mua gần một năm trước, để tổng vệ sinh sau hành trình đáng nhớ cùng vợ con tại đèo Đá Trắng (Tân Lạc, Hòa Bình) vào cuối tuần rồi.
"Tôi đang dọn dẹp lại chiếc xe để chuẩn bị cho chuyến đi Hải Phòng vào dịp 30/4 tới", anh Sơn nói, vừa cẩn thận lau chùi từng mảng tường, khu vực bếp, kệ để đồ và những góc nhỏ trong xe.
Chiếc xe đặc biệt này được trang bị đầy đủ tiện nghi như một căn hộ thu nhỏ. Bên trong có giường, bếp, tủ lạnh, nhà vệ sinh, bàn ghế, tivi, thậm chí cả máy giặt và máy sấy - tất cả được sắp xếp gọn gàng, khoa học, phục vụ cho những chuyến đi dài ngày của cả gia đình.
"Tôi mất gần 6 tháng để biến chiếc xe thành ngôi nhà di động như hiện tại", anh Sơn cho biết.
Người đàn ông Hà Nội chi hơn tỷ đồng biến ô tô thành nhà di động (Video: Nguyễn Ngoan).
Giấc mơ bắt đầu từ những video YouTube
Anh Sơn kể, ý tưởng về "ngôi nhà di động" được anh ấp ủ hơn 10 năm trước, khi còn là một anh chàng IT thường xuyên cắm cúi với máy tính. Những clip về vanlife - cuộc sống trong xe cắm trại - của các YouTuber nước ngoài khiến anh say mê ngay từ lần đầu xem được.
"Họ sống, làm việc, du lịch và tận hưởng trong chính chiếc xe của mình. Tôi mê lắm, nhưng khi đó điều kiện không cho phép, đành tạm hài lòng với chiếc xe bán tải để đi dã ngoại.
Lều thì phải dựng, điều hòa xách tay thì cồng kềnh, nhiều khi giữa trưa nắng muốn chợp mắt cũng không nổi", anh cười kể. Trải nghiệm vẫn còn nhiều bất tiện, đặc biệt với gia đình có trẻ nhỏ. Vợ con anh khi ấy khó theo cùng, bởi điều kiện sinh hoạt quá thiếu thốn.


Anh Sơn dọn dẹp lại chiếc xe của mình trước khi cùng gia đình đi Hải Phòng nghỉ lễ.
Anh tự nhận mình là một "dân cắm trại thực thụ" - chuyên đi đảo hoang, chèo thuyền, ngủ lều giữa thiên nhiên. Chính trải nghiệm sinh tồn ấy càng thôi thúc anh theo đuổi giấc mơ tự làm xe cắm trại.
Từ năm 2018 đến 2019, khi tài chính ổn định hơn, anh bắt đầu sửa những chiếc xe đầu tiên, ban đầu là các dòng xe van chở hàng cũ. Anh mất vài trăm triệu đồng, 3-4 lần sửa, rồi lại tháo tung ra làm lại nhưng vẫn không ưng.
Sau chiếc xe van, anh từng độ một chiếc xe kéo để đi du lịch, nhưng vì mô hình này chưa phổ biến ở Việt Nam, lại khó xin giấy phép lưu hành nên sau đó anh phải bán lại. Từ đó, anh xác định phải làm một chiếc xe độc lập, có đầy đủ tiện nghi như một căn hộ mini, nhưng phải vận hành được trên đường.

Chiếc xe của anh Sơn như một căn hộ thu nhỏ, thi thoảng anh đón tiếp bạn bè đến chơi trên chính chiếc xe này.
Độ lại xe truyền hình thành "ngôi nhà mơ ước"
Tháng 6/2024, anh Sơn đấu giá thành công chiếc xe truyền hình thanh lý chạy được 5.000km, còn khá mới, với giá 470 triệu đồng. Đó là "bộ khung" đầu tiên để anh biến hóa thành tổ ấm di động.
Ngay từ lúc mới mang về - khi xe còn trơ trọi, chỉ có điều hòa và khung thép - anh đã bàn bạc kỹ lưỡng với vợ con. May mắn thay, cả gia đình không chỉ đồng ý mà còn hào hứng tham gia.
"Vợ tôi từng phản đối, nói tôi gàn dở. Từ ngày xe hoàn thiện, cô ấy chốt một câu: Chỉ ngủ trên xe, không ngủ homestay nữa!", anh cười lớn.
Anh đưa vợ con cùng tham gia góp ý từng chi tiết thiết kế. Cả nhà từng đi nhiều chuyến thử nghiệm không gian, ngồi trong xe tưởng tượng xem "ngôi nhà" tương lai sẽ như thế nào. Đó cũng là một phần của hành trình cùng nhau tạo nên không gian sống mơ ước.
Chiếc xe thứ ba này là phiên bản lớn nhất và khiến anh hài lòng nhất. Không giống nhiều người chơi xe camper (xe cắm trại) thường bắt đầu từ loại nhỏ rồi nâng cấp dần, anh tự tin đây là "phiên bản lý tưởng" rộng rãi, dễ vận hành, không cồng kềnh, lại tiết kiệm nhiên liệu hơn các mẫu xe lớn.



Xe có đầy đủ hệ thống điện, điều hòa, máy khử mùi, tủ lạnh, giường ngủ.
Toàn bộ công tắc, cửa sổ, hệ thống điện, tủ lạnh… đều do anh Sơn tự tay nhập khẩu và lắp đặt. Chỉ riêng phần bàn ghế nội thất là do một đơn vị ở Hưng Yên hoàn thiện. Dựa trên kinh nghiệm tích lũy từ các mẫu xe trước, anh chỉ mất vài tiếng để phác thảo toàn bộ bản vẽ thiết kế. Tuy nhiên, quá trình thi công kéo dài suốt 6 tháng do anh gần như làm thủ công toàn bộ.
"Có xưởng chuyên nghiệp và thêm vài nhân công, chắc chỉ mất hơn một tháng. Nhưng tôi thích làm từ từ, tỉ mỉ, vì đây là nơi cả nhà sẽ gắn bó lâu dài", anh chia sẻ.
Về hệ thống kỹ thuật, anh chia chiếc xe thành hai phần: Điện và nội thất.
Phần điện gồm pin lithium (20-30kWh), bộ sạc năng lượng mặt trời, các tấm pin trên nóc xe, bộ chuyển nguồn 48V-12V… đủ sức vận hành hai điều hòa, hai tủ lạnh, hệ thống đèn, máy giặt - máy sấy riêng biệt.
"Ngay cả xe nhập khẩu vài chục tỷ cũng khó có hệ điện phù hợp với khí hậu Việt Nam như xe tôi tự làm", anh tự hào nói.
Nội thất bên trong được thiết kế kỹ lưỡng như một căn hộ thu nhỏ: Bếp từ, bếp gas, bồn cầu nhập từ Mỹ, lavabo, bồn rửa bát, hệ thống nước 3 ngăn (nước sạch - nước xám - nước đen). Gia đình anh có 5 người nên xe được thiết kế hai giường riêng biệt, kèm sofa - tất cả là giường cố định, không kiểu chuyển đổi bàn - giường vì "vừa mất công, vừa bất tiện khi đi dài ngày".
"Diện tích trong xe rộng 10m2, cao 3,3m", anh Sơn cho hay.


Anh Sơn thiết kế cả nhà vệ sinh trên xe với đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho chuyến đi của gia đình.
Điểm đặc biệt nhất là cả máy giặt và máy sấy đều được tích hợp trong xe. Khi tắm xong, ai cũng có thể cho quần áo vào giặt - sấy liền mạch, tiện nghi như ở nhà. "Muốn làm được điều đó, hệ điện phải cực kỳ mạnh và ổn định", anh nhấn mạnh.
Phần lớn thiết bị trong xe đều là đồ chuyên dụng, dù thoạt nhìn giống nội thất gia đình. Từ lavabo, bồn cầu đến điều hòa, tủ lạnh đều là hàng nhập, nhẹ, chống rung, chịu nhiệt tốt. Gỗ nội thất do anh tự làm tại Việt Nam, còn phụ kiện chuyên dụng chủ yếu nhập từ Trung Quốc - ngay cả hàng Mỹ cũng thường thông qua nước này vì chi phí hợp lý hơn.
Chi phí sửa xe - từ vật liệu, nội thất, hệ điện đến công thợ - rơi vào khoảng 600 triệu đồng. Anh cho rằng đây là con số "xứng đáng" vì đổi lại là một ngôi nhà di động đúng nghĩa.
Kể từ khi hoàn thiện xe vào tháng 12/2024, gia đình anh đã đi hàng chục chuyến, gần như tuần nào cũng lên đường. Đam mê đến mức, anh mua một mảnh đất rộng hơn 1.000m2 ở khu Đèo Đá Trắng để đỗ xe, nghỉ ngơi cuối tuần, tổ chức sinh hoạt cho bạn bè.
"Trước đây, vợ tôi thích ở nhà, nấu nướng, dọn dẹp, chẳng mê đi du lịch. Giờ thì chỉ muốn lên xe. Bọn trẻ thì khoái chí, còn tôi thì chỉ cần khởi động là sẵn sàng lên đường", anh hào hứng.
Với anh Sơn, chiếc xe không đơn giản là phương tiện du lịch, mà đã trở thành một phần phong cách sống. Ngôi nhà nhỏ này giúp gia đình anh xích lại gần nhau hơn, kết nối qua những khoảnh khắc rong ruổi giữa thiên nhiên.



Cuối tuần rảnh rỗi, cả gia đình anh Sơn lại cùng nhau đi du lịch, trải nghiệm.
Một điều anh rất thích ở xe nhà di động là không cần phải chuẩn bị quá nhiều mỗi khi đi đâu. Trước đây, khi sử dụng xe bán tải, mỗi chuyến đi là một ngày dài chuẩn bị - từ lều, chăn, gối, bàn chải, nước uống, máy lạnh, đến đèn pin... Nhưng giờ đây, chỉ cần muốn là đi được ngay.
Về thực phẩm, anh Sơn không bao giờ mang đồ ăn sẵn từ Hà Nội. Dù là về quê, lên núi hay ra biển, anh luôn tìm thấy đồ ăn tươi ngon hơn rất nhiều. Anh chỉ mang theo gia vị, vì mọi thứ khác đều có sẵn trong xe.
Từ một người từng bị cho là "gàn dở", anh Sơn giờ đã trở thành "thuyền trưởng" của những chuyến hành trình khám phá vô tận. Đối với anh, chiếc xe không chỉ là phương tiện, mà là một ngôi nhà đích thực - nơi sống, yêu thương và tự do. Những chuyến đi như vậy không chỉ mang đến cho bọn trẻ những trải nghiệm mới mẻ, mà còn giúp cả gia đình thêm gắn kết.
Ở nhà, cả gia đình đôi khi cãi vã, nhưng mỗi chuyến đi đều tràn ngập niềm vui. Không chỉ để du lịch, nhiều khi gia đình anh còn thay đổi không khí bằng cách xuống xe ngủ, thay vì nằm trong chung cư như mọi khi.
Ảnh: Nguyễn Ngoan - Thanh Hà
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/nguoi-dan-ong-ha-noi-chi-ca-ty-dong-bien-o-to-thanh-nha-di-dong-20250416081815365.htm
Bình luận (0)