Từ trái qua, các mẹ Việt Nam anh hùng: Võ Thị Biện, Lê Thị Dơi, Trần Thị Anh, Nguyễn Thị Năm và Nguyễn Thị Sẳng.
* Bảy lần tiễn con đi…
Chuyện kể rằng một người mẹ có 9 người con, tất thảy đều theo cách mạng. 7 đứa ra chiến trường, rồi mãi mãi chẳng ai về với mẹ. Đã thế, những trận đòn roi tra tấn khốc liệt của kẻ địch còn cướp luôn người chồng yêu thương của mẹ. Chẳng còn nước mắt để khóc chồng, khóc con, mẹ như điên dại sau mỗi lần nghe tin dữ. Nhưng người mẹ kiên cường ấy vẫn trọn niềm tin ở ngày mai, vẫn cần mẫn nuôi quân, vẫn tiễn con ra mặt trận...
Đó là mẹ Võ Thị Biện, sinh năm 1905, ở Quới Sơn, Châu Thành. Chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Cơ theo Việt Minh đánh Tây. Mẹ thấu hiểu nỗi đau cảnh nước mất nhà tan nên mẹ chẳng chút phân vân khi những đứa con yêu của mình quyết theo cha đánh giặc. Đứa con thứ ba mới mười mấy tuổi đã thoát ly gia đình đi đánh Tây. Rồi đứa thứ hai, thứ tư...
Gia đình mẹ, 9 liệt sĩ tất thảy (chồng, con và rể), người có mộ phần ở nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, người ở nghĩa trang liệt sĩ huyện và có người ở đất nhà. Nhưng 9 nấm mồ mà chỉ có 6 mộ có hài cốt, còn những 3 nấm mộ chỉ có cái vỏ bên ngoài! Anh Ba, anh Chín, anh Mười vẫn còn yên nghỉ ở đâu đó trên đất nước đầy vết tích chiến đấu. Bây giờ, 9 người con của mẹ chỉ còn mỗi chị thứ tư, nhưng mười cháu nội, cháu ngoại của mẹ đều ăn học nên người và đang phục vụ ở nhiều địa phương, tỉnh huyện. Một người ngã xuống, lớp lớp người đứng lên kế tục. Tất cả cùng làm sáng niềm tin của người mẹ anh hùng…
* Dõi bước theo con
Mẹ Lê Thị Dơi quê xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Mẹ có 4 người con trai đều tham gia cách mạng. Trong một lần bố ráp, mẹ bị địch bắt tra hỏi đủ điều, thấy tra hỏi không được gì chúng thả mẹ ra, nhưng chúng vẫn nghi mẹ tiếp tế cho cách mạng liền bắt thêm lần nữa.
Ngày ngày mẹ đi thăm bà con, đi mua bán ở Bình Khánh (Mỏ Cày) để tiếp tế cho con. Có lần mẹ phải ra tận Kon Tum cũng khó khăn lăm mới gặp được con. Nhưng chiến tranh tàn khốc đã giày xéo trên quê hương, điều mà mẹ lo sợ nhất rồi cũng đã tới. Năm 1967, người con trai lớn của mẹ đã hy sinh trong một trận chống càn ở An Định (Mỏ Cày). Xác trôi sông lẫn lộn, biết xác nào là xác con mình. Vậy là mẹ đành mất con. Nỗi buồn vì mất con chưa kịp phai đi, thì mẹ lại nghe tin người con trai kế đã hy sinh ở chợ Xếp. Đến năm 1968, người con trai út của mẹ hy sinh ở dốc cầu Bình Lợi trong trận tiến công vào Sài Gòn. Rồi người con trai cuối cùng còn lại của mẹ cũng đã hy sinh năm 1970 tại chiến trường Kon Tum. Bốn lần tiễn con đi. Cả bốn người con không trở lại. Mẹ vẫn còn đó, tuổi đã xế chiều, vẫn âm thầm trên mảnh đất năm xưa…
* Chở thi thể chồng về trong đêm
Mẹ Trần Thị Anh (ấp Long Lân, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách), có chồng là ông Nguyễn Văn Bèo là du kích, ông bị địch bắt, chặt đầu cùng với hai đồng đội. Nén đau thương, chờ tới đêm một mẹ lén bơi xuồng đến chở ba thi thể, trong đó có chồng mẹ.
Chồng hy sinh, thân cò lặn lội nuôi năm con nhỏ. Đi cấy, làm cỏ vườn, kể cả bồi mương là việc của đàn ông, mẹ làm tất cả, không bao giờ bỏ việc. Ở nhà đứa lớn giữ chừng em nhỏ. Vậy mà mẹ vẫn nuôi các con ăn học rất đàng hoàng. Đứa học tệ lắm là lớp ba, lớp nhì. Thế rồi, lần lượt các con lên đường và cũng lần lượt mẹ nhận tin con hy sinh. Anh Nguyễn Văn Thọ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Mỹ Tho, anh Nguyễn Văn Bé hy sinh ở Ba Vát, anh Nguyễn Văn Lượm hy sinh ở Chợ Lách, mẹ không nhìn được mặt con mà chỉ biết là đơn vị đã lấy thi thể anh về… Nỗi đau chồng chất nỗi đau, mẹ vẫn gắng gượng vượt qua, chỉ mong một ngày tìm thấy được hài cốt con mình…
* Những chiến công của mẹ
Mẹ Nguyễn Thị Năm sinh năm 1918 trong một gia đình nghèo ở ấp Mỹ Đức, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày. Sau Đồng khởi (1960), mẹ bắt đầu đi làm cách mạng. Những ngày đầu tiên đó mẹ cùng chị em phụ nữ trong xã sinh hoạt trong Hội Phụ nữ. Ba năm sau, năm 1964, mẹ được đứng vào hàng ngũ Đảng và được cử vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ, sau đó, mẹ tham gia công tác binh vận. Đầu năm 1969, mẹ đã hoàn thành việc lấy đồn Ấp Phủ. Thành công từ trận lấy đồn Ấp Phủ đã cho mẹ có thêm kinh nghiệm. Với những sáng tạo mới và sự móc nối nội tuyến chặt chẽ, hợp đồng giờ giấc chính xác, mẹ đã lập thêm những chiến công: lấy đồn Cầu Đập do tên Tư Sương làm Trưởng đồn; lấy gọn tháp canh dân vệ ở ấp Thị; lấy đồn Thanh Tây của chủ ấp Rôi. Thành tích của mẹ đã gây hoang mang dao động trong lòng địch, một thời gian dài chúng bớt hung hăng, giảm đi ra dân hạch sách bắt bớ, chủ yếu lo phòng ngự…
Chồng của mẹ - ông Trần Văn Mười làm công tác vận động quần chúng cho đến ngày giải phóng. Mẹ có 7 người con trai thì có 6 người tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những người con của mẹ đã anh dũng hy sinh, lập nên nhiều chiến công cho lực lượng vũ trang của tỉnh, tô thắm thêm cho màu cờ cách mạng.
* Người mẹ anh hùng trên mảnh đất kiên trung
Xã An Hiệp (Ba Tri) là một trong ba địa phương có khu trù mật lớn ở tỉnh Bến Tre, do Mỹ - ngụy lập ra, để đàn áp phong trào cách mạng. Từ trong ách kềm kẹp, nhân dân xã An Hiệp từng ngày đối mặt với quân thù. Nhiều người và nhiều gia đình đã anh dũng đánh giặc giữ làng. Trong những người trung dũng đó có Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sẳng (còn được gọi là má Mười Hạnh) ở Ấp 9, xã An Hiệp. Mẹ đã từng bám đất đánh giặc suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ. Sống trong khu trù mật, để tăng cường và giữ vững phong trào đấu tranh, mẹ tổ chức xây dựng lực lượng tại chỗ. Với tài khôn khéo của mình, mẹ Sẳng đã cảm hóa nhiều anh em binh lính trong khu trù mật. Nhờ đó, quân ta biết được các cuộc hành quân càn quét của địch để đối phó.
Chồng của mẹ là ông Cao Văn Cây - cán bộ Đội trừ gian và quản giáo Công an huyện Ba Tri. Vào một đêm năm 1961, bọn giặc ập vào, không bắt sống được ông, chúng bắn chết ông tại chỗ. Mẹ muốn nhào tới ôm lấy xác chồng nhưng mẹ cắn răng nén chịu đau thương, xông thẳng vào phía tụi lính quyết liệt đuổi chúng ra khỏi nhà, bởi vì lúc này dưới hầm bí mật cạnh nhà mẹ còn có cán bộ đang ẩn náu. Mẹ đã nén mọi đau thương, tập trung giải vây cho cán bộ cách mạng.
Về 4 người con của mẹ, ai cũng gan lì, cũng quyết tâm đi đánh giặc trả thù cho cha. Và rồi mẹ lần lượt đón nhận tin tức các anh đã anh dũng hy sinh, để lại lòng mẹ nỗi đau không gì bù đắp nổi…
***
Còn rất nhiều câu chuyện về những người mẹ Việt Nam anh hùng trên đất nước ta. Cuộc đời mỗi người mẹ là một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng nhưng tựu trung lại chính là đức hy sinh. Các mẹ đã phải chịu đựng nhiều hy sinh mất mát, đau thương, đã dâng hiến những người con yêu quý nhất, là một phần máu thịt của mình, cho Tổ quốc… góp phần vào công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Với những người đang hưởng cuộc sống thanh bình hôm nay, ra sức phấn đấu xây dựng đất nước đẹp giàu, văn minh là cách tốt nhất để tri ân những người mẹ anh hùng, luôn khắc ghi và tưởng nhớ đến những người đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của nước nhà.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hòa cùng không khí long trọng của các hoạt động lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), 50 năm Ngày giải phóng tỉnh (1-5-1975 - 1-5-2025), thế hệ hôm nay xin bày tỏ lòng tri ân sắc sắc, ghi nhớ công lao to lớn đối với những người mẹ đã sinh ra các chiến sĩ anh hùng.
H. Anh (tổng hợp)
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nguoi-me-viet-nam-anh-hung-cua-que-huong-dong-khoi-23042025-a145642.html
Bình luận (0)