Thi công mặt đường nhựa thuộc dự án cầu Rạch Miễu 2 qua địa bàn huyện Châu Thành.
Từ những con số “0”
Mạng lưới đường bộ của tỉnh hình thành cách đây hàng trăm năm và được bố trí phù hợp với địa hình gồm 3 trục đường chạy dọc 3 cù lao. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bến Tre là một tỉnh kiên cường và đã nêu gương sáng trong phong trào Đồng khởi 1960. Trong chiến tranh, tỉnh là địa bàn bị đánh phá ác liệt, nên hệ thống giao thông đường bộ như cầu, đường, phà đã bị tàn phá nặng nề của bom đạn.
Trước ngày miền Nam giải phóng 30-4-1975, toàn bộ hệ thống cầu của tỉnh đều là loại cầu quân dụng dàn thép Eiffel, Bailley có tải trọng thấp. Tỉnh không có một cây cầu bê-tông cốt thép vĩnh cửu nào. Hệ thống đường chính ở tình trạng chắp vá. Trên địa bàn tỉnh không có tuyến quốc lộ nào đi qua. Hầu hết các tuyến đường địa phương là đường đất, hoặc sỏi đỏ nên mùa nắng đi lại rất khó khăn còn mùa mưa thường bị tắc giao thông, có đoạn bị đứt giao thông toàn bộ như: liên tỉnh lộ 60 (nay là quốc lộ - QL 60) đoạn từ ngã ba Thom - Mỏ Cày đến bờ sông Cổ Chiên; ĐT.884 từ Tiên Thủy đến mõm sông Hàm Luông; ĐT.887; QL 57 (ĐT.888 cũ) từ thị trấn Thạnh Phú đến Thạnh Phong, Thạnh Hải; ĐT.883 từ thị trấn Bình Đại đến xã Thới Thuận...
Nhìn những hình ảnh tư liệu hiện trạng đường tỉnh những năm đầu mới giải phóng, không khỏi chạnh lòng khi chiếc xe đò chở đầy hàng trên nóc, xe ngập ngụa trong sình, không thấy bánh xe đâu, còn hành khách thì xuống xe xắn quần lội trên đường... Năm 1975, tỉnh có gần 944 ngàn dân, nhưng cho đến năm 1978 cùng với hệ thống giao thông đường bộ yếu kém nhất đồng bằng sông Cửu Long, vận tải tỉnh chỉ có 129 xe (78 xe khách, 51 xe tải) nằm trong sự quản lý, điều hành của Xí nghiệp Công tư hợp doanh vận tải ô tô Bến Tre.
Lịch sử ngành giao thông vận tải của tỉnh ghi chép: “Các bến xe lúc nào cũng đông người chờ chực mỏi mòn. Hàng hóa thời bao cấp không dồi dào như hiện nay nhưng do khan hiếm nên từ hạt gạo, củ khoai, bó rau, gói bột giặt, cuốn tập học sinh... đều trở nên cực kỳ thiết thân đối với cuộc sống của từng người dân. Vậy mà, việc vận chuyển đi và về thường xuyên bị ứ đọng, chậm trễ nhiều ngày liền”.
Vươn vai phát triển
Trong 50 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, ngành giao thông vận tải tỉnh đã phấn đấu, từng bước triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được kết quả rất đáng phấn khởi.
Đến nay, toàn tỉnh có 284,97km đường quốc lộ. Mạng lưới đường quốc lộ tỉnh hình thành và bố trí phù hợp với địa hình, gồm: 1 trục Bắc Nam và 3 trục Đông Tây. Trục giao thông đối ngoại chính, cửa ngõ ra, vào tỉnh là trục Bắc Nam (QL.60), trục đường này cắt qua 3 cù lao tạo thành thế liên hoàn nối trung tâm của tỉnh với các huyện. Đây là con đường huyết mạch nối liền tỉnh với các tỉnh thuộc tiểu vùng duyên hải phía Đông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trục giao thông đối ngoại thứ hai của tỉnh về đường bộ là 3 trục Đông Tây (QL.57, QL.57B, QL.57C), đây là tuyến đường đối ngoại kết nối tỉnh Bến Tre với Vĩnh Long thông qua bến phà Đình Khao, đi TP. Cần Thơ - Trung tâm kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, kết nối với QL.60 đi hướng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
Hệ thống đường tỉnh, đường huyện phủ khắp toàn tỉnh, kết nối với hệ thống quốc lộ đảm bảo nhu cầu vận tải và kết nối giao thông. Tỉnh có 5 tuyến đường tỉnh, gồm: ĐT.881, ĐT.882, ĐT.883, ĐT.885 và ĐT.886, tổng chiều dài 124,77km, nhựa hóa đạt 77%, còn lại là đường, cầu đang thi công. Đường huyện, gồm: 43 tuyến dài 422,27km, nhựa hóa, bê-tông hóa đạt trên 95%. Toàn bộ 100% xã đã có đường ô tô về đến trung tâm xã.
Trong tháng 4-2025, người dân tỉnh đón chào sự kiện hợp long cầu Rạch Miễu 2. Dự án cầu Rạch Miễu 2 thi công hiện đạt 85% khối lượng thi công và dự kiến đưa vào khai thác toàn bộ dự án vào tháng 8-2025. Dự án đường gom đường vào cầu Rạch Miễu 2 do tỉnh làm chủ đầu tư sẽ thông xe vào ngày 27-4-2025. Đây là một trong số nhiều công trình được khánh thành, khởi công trên địa bàn tỉnh dịp chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).
Tại buổi lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2 vừa diễn ra, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam bày tỏ: “Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã dành nhiều sự quan tâm đối với tỉnh và phân bổ nguồn kinh phí để thực hiện nhiều công trình, dự án cho tỉnh. Đặc biệt là các công trình giao thông, trong đó có 2 cây cầu Rạch Miễu. Các công trình giao thông được đầu tư giúp tỉnh giải quyết ách tắc giao thông và liên kết phát triển cho tỉnh nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Việc khánh thành đưa vào khai thác dự án cầu Rạch Miễu 2 sắp tới sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển chung của đất nước”.
Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, giao thông trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ Chính phủ quan tâm đầu tư các dự án có tính chất đột phá như: cầu Cửa Đại kết nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Bến Tre. Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh thuộc Chương trình PDO đi qua địa bàn huyện Ba Tri và Thạnh Phú. Cầu Cổ Chiên 2 kết nối tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bến Tre. Cầu Đình Khao kết nối tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/cac-the-he-xay-cau-lam-duong-23042025-a145611.html
Bình luận (0)