Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Những bộ phận đồng hành cùng nhà báo thời chiến

BDK - Để xuất bản báo trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt là một việc vô cùng gian nan, không chỉ vì do điều kiện kỹ thuật hạn chế mà còn phải đảm bảo bí mật, an toàn trước sự lùng bắt, phá hoại của giặc. Các bộ phận trong ê-kíp xuất bản báo thời chiến cũng đã phấn đấu hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Báo Bến TreBáo Bến Tre23/04/2025

Máy vô tuyến điện tự lắp ráp để làm công tác thông tin liên lạc giai đoạn 1965 - 1975. Ảnh tư liệu

Bộ phận in ấn

Từ in ty-po đến in chữ chì, in sáp, có lúc viết tay, trải qua muôn vàn gian khó, bộ phận in báo thời chiến vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bộ phận in ấn ở rất nhiều nơi trong lòng dân: Khi ở Ấp 1, xã Long Mỹ rồi về Ấp 3, xã Thạnh Phú Đông, Giồng Trôm rồi qua An Thới về ấp An Trạch Tây - Thành Thới rồi lên Thành An, Mỏ Cày.

Nhà báo lão thành Lê Chí Nhân kể lại: Nhà in tuy trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh nhưng gắn bó hữu cơ với báo chí. Mục tiêu phấn đấu của ban và Báo Chiến Thắng là kỹ thuật in ấn không ngừng nâng cao, phải bằng và hơn tờ báo “Kiến Hòa ngày nay” (tờ báo của giặc ở Bến Tre). Chữ chì phải luôn sắc nét, luôn mới. Tuy máy móc, dụng cụ nhà in rất nặng nề, cồng kềnh, nhưng dù địch đánh phá thế nào nhà in vẫn phải tồn tại và hoạt động bình thường. Tuy văn phòng ban có bộ phận in sáp thì Tiểu ban Thông tấn có bộ phận in sáp riêng. Nhà in Chiến Thắng có 2 máy Pédale và Tắc-min. Gần như hầu hết các tỉnh miền Nam trong kháng chiến, dù nơi có rừng núi cũng không có máy móc như Bến Tre, chỉ Cà Mau có 1 máy Pédale. Để đảm bảo chữ chì lúc nào cũng mới, sắc nét thì Bến Tre sớm có bộ phận “đổ chì đúc font” mà sau này cả Khu và R đều học làm theo.

Nhà báo Võ Văn Dũng, từng công tác ở bộ phận in của Báo Chiến Thắng kể lại: “Lúc nhà in báo ở Bình Đại, hai máy in Tắc-min và máy Pédale chạy máy nổ có giàn láp kéo cả hai máy vì máy Tắc-min không có bàn đạp chân. Cứ mỗi mùa xuân về, Tết đến, bộ phận in làm suốt ngày đêm, cả hai, ba tháng. Ê-kíp làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa, ê-kip khác từ 12 giờ trưa đến 6 giờ chiều, cứ vậy luân phiên suốt hai ba tháng trời. Làm đêm phải đốt đèn Aida mà không được lọt ánh sáng ra ngoài. Một người đứng bên ngoài thấy lọt sáng là lấy giấy nhét lại ngay vì sợ máy bay giặc phát hiện, và cũng vì phải che kín chỗ in nên nực nội vô kể, đứng in ba bốn ngày liền, giò cẳng sưng phù”.

Một câu chuyện ấn tượng của bộ phận in được kể lại làm minh chứng cho sự linh hoạt và kiên trì của bộ phận làm báo tỉnh thời chiến. Đó là năm 1967, trong một cuộc càn lớn của Mỹ - một trái hỏa tiễn bắn trúng kho giấy của ta ở rừng Thừa Đức nên giặc phát hiện và đánh lấy nhà in, chúng lấy máy móc đem về thị xã triển lãm. Nhưng chỉ ít hôm, tòa soạn báo và nhà in của chúng ta vẫn tiếp tục xuất bản Báo Chiến Thắng và có bài viết: “Nhà in và Báo Chiến Thắng nào đây?” làm giặc vô cùng tức tối. Đó chính là do chúng ta đã có sẵn nhà in dự bị trú tại xã Thạnh Phú Đông, đảm bảo việc in báo không bị gián đoạn. Ngay sau đó, ban biên tập đã lo mua sắm máy in Tắc-min mới. Đồng thời, xây hầm bí mật trong dân ở An Thới, Thành Thới, Thành An, Cồn Rừng, tiếp tục hoạt động in ấn báo chí cho đến ngày giải phóng.

Hoạt động của Đài Minh Ngữ và Tổ nhiếp ảnh

Tổ nhiếp ảnh của báo trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ trực thuộc Tiểu ban Thông tấn báo chí có các phóng viên như Tư Chiến, Bảy Đồng, Minh Quang, Tư Minh, Hai Hòa, Trường Sơn, Quốc Việt, chuyên cung cấp hình ảnh để tuyên truyền, triển lãm. Lực lượng nhiếp ảnh của tỉnh thời điểm này phát triển nhanh, đủ mỗi huyện có một cán bộ nhiếp ảnh và cán bộ đi chiến trường. Những hình ảnh thu được sẽ được in tráng. Từ năm 1969, nhiều ảnh được gởi về bộ phận chuyên môn ở Khu, R hoặc làm bản kẽm để in lên Báo Chiến Thắng. Nhờ có hình ảnh nên trang báo sinh động hơn. Nhiều hình ảnh có giá trị lịch sử, có giá trị nghệ thuật, tính thời sự cao được báo chí R và miền Bắc sử dụng như hình ảnh giặc thảm sát ở Phước Hiệp trong Đồng Khởi, Tết Mậu Thân, đánh tàu trên sông Giồng Trôm… Tổ nhiếp ảnh trong các năm từ 1969 - 1972 còn in hàng trăm bộ ảnh về tang lễ Bác Hồ gởi đến cán bộ, nhân dân, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của cán bộ và nhân dân đối với Bác.

Đài Minh Ngữ là bộ phận kỹ thuật, phát tin của Thông tấn xã Giải phóng Khu 5. Gọi là “Minh Ngữ” vì tin được phát thẳng một cách công khai, không qua mật mã. Tại Bến Tre, song song với xuất bản báo, để nhanh chóng đưa tin tức của tỉnh về Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam, tháng 5-1961, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy thành lập Đài Minh Ngữ (GFJ).

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy và Tiểu ban Thông tấn báo chí đã kịp thời tổ chức hệ thống cung cấp tin tức, bài vở cho Đài Minh Ngữ hoạt động. Năm 1961, Tiểu ban Thông tấn báo chí cử các phóng viên trực chiến ở Văn phòng Tỉnh ủy để xem báo cáo và tham dự những cuộc họp để nắm tình hình, đưa tin, bài hoặc báo cáo về Tổng xã Hà Nội, Thông tấn xã Giải phóng thông qua hệ minh ngữ. Hàng ngày, tại Văn phòng Tỉnh ủy xem báo cáo, phóng viên nắm khá đầy đủ về tình hình địch - ta, diễn biến trong tỉnh, nhất là những tin chiến sự từ Tỉnh đội vừa nhanh, chính xác, tạo đủ điều kiện cho người phóng viên viết tin, bài phục vụ kịp thời cho công tác tuyên truyền. Phóng viên làm việc tại Văn phòng Tỉnh ủy còn làm nhiệm vụ báo cáo tình hình địch - ta về Thông tấn xã Giải phóng để Trung ương có sự chỉ đạo cho địa phương kịp thời và chính xác. Hàng ngày, Ban Tuyên huấn tổ chức giao liên đến Văn phòng Tỉnh ủy nhận tin cho Đài Minh Ngữ phát sóng. Khi có những tin chiến sự quan trọng thì có giao liên từ Tỉnh ủy chuyển để đảm bảo tính thời sự và tính tác chiến của tin tức, đảm bảo liên lạc thông suốt giữa Đài Minh Ngữ của tỉnh và Thông tấn xã Giải phóng.

Nhờ có Đài Minh Ngữ và mạng lưới phóng viên đều khắp mà trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng ta đã đưa tin tức nhanh nhạy, phục vụ cho tỉnh. Nhiều tin chiến thắng của tỉnh đến với nhân dân trong nước chỉ sau khi trận đánh kết thúc từ 8 - 10 tiếng đồng hồ. Nhiều tuyên bố, thư của lãnh đạo tỉnh hưởng ứng lời kêu gọi hoặc phát động của Trung ương được phát đi kịp thời, có tiếng vang mạnh.

Thanh Đồng

(tổng hợp) 

Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nhung-bo-phan-dong-hanh-cung-nha-bao-thoi-chien-23042025-a145608.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Về với đại ngàn
Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm