* Ông Trần Văn Huy - Nghệ sĩ ưu tú Phương Linh (1955)
Ông Trần Văn Huy được mọi người biết đến với nghệ danh là Phương Linh, là một nghệ sĩ cải lương đã gắn bó và cống hiến cho nghệ thuật sân khấu hơn 50 năm.
Nghệ sĩ Phương Linh, sinh ngày 5-5-1955, nguyên quán ở xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú. Ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1972, trưởng thành từ hoạt động nghệ thuật phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng trong thời kỳ kháng chiến tại Đoàn Văn công huyện Thạnh Phú. Ông được trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau giải phóng, từ tháng 9-1976, ông được cử đi đào tạo chuyên môn tại Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Trường Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh, TP. Hồ Chí Minh). Đến tháng 9-1979, ông trở về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2015.
Trong thời gian công tác tại Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre, nghệ sĩ Phương Linh đã cống hiến cho nghệ thuật cải lương qua hàng trăm vai diễn. Trong đó, có nhiều vai diễn để lại ấn tượng trong lòng công chúng, nhất là vai diễn Ông Chín “Cúm núm” trong vở diễn “Mùa chim lá rụng”, là vai diễn giúp ông đạt huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp khu vực Nam Bộ năm 2002. Ngoài ra, với tâm huyết dành cho nghệ thuật cải lương, sự chăm chút, đầu tư cho từng vai diễn, Nghệ sĩ Phương Linh còn nhận được 2 huy chương bạc tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 và năm 1995, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng năm 1999, Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu Việt Nam năm 1999. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2023.
* Ông Nguyễn Tấn Thiện - Huy An (1957)
Nhạc sĩ Huy An sinh năm 1957, nguyên quán xã An Phước, huyện Châu Thành. Ông bắt đầu tham gia phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh từ sau giải phóng và là nhạc sĩ được học tập bài bản tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh từ năm 1977 - 1981 (trung cấp) đến năm 1981 - 1986 (đại học chính quy). Từ năm 1986 - 1988, ông công tác tại Đoàn Ca múa nhạc tỉnh. Sau đó, ông chuyển đổi qua công tác ở các đơn vị như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh (Hiệu trưởng).
Trong quá trình công tác, nhạc sĩ Huy An đã có nhiều cống hiến cho hoạt động văn học, nghệ thuật (VHNT) của tỉnh. Ông đã được nhận Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa thông tin năm 1998. Các huy chương bạc và vàng, tại hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc năm 1977, Tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông năm 1992 (đơn ca). Ông có sự nghiệp sáng tác nổi bật, với 8 tác phẩm đạt giải cao tại các hội thi, liên hoan sáng tác ca khúc cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trong tỉnh.
Ngoài các tác phẩm đạt giải, nhiều tác phẩm hát về quê hương Bến Tre của nhạc sĩ Huy An được dàn dựng, biểu diễn rất phổ biến tại các sự kiện, hoạt động văn hóa văn nghệ trong và ngoài tỉnh… Các sáng tác của nhạc sĩ Huy An đã được phát hành trong 13 tuyển tập từ năm 1993 đến nay.
* Ông Nguyễn Văn Sang - Nguyễn Thảo Nguyên (1957)
Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên sinh năm 1957, nguyên quán xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Ông bắt đầu công tác với vai trò là giáo viên Trường Cao đẳng Bến Tre (bộ môn Sinh học) và bắt đầu sáng tác văn học khi đã 34 - 35 tuổi. Truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên được xuất bản vào năm 1991 trên tạp chí Văn nghệ Hàm Luông. Kể từ đó, ông bắt đầu gắn bó với VHNT và luôn rèn luyện, trau dồi, duy trì sáng tác đều đặn các hình thức văn xuôi đến nay hơn 30 năm. Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên thường xuyên được chọn đăng trên tạp chí Văn nghệ Hàm Luông, Báo Đồng Khởi cũng như các tạp chí VHNT như: tạp chí Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, tạp chí Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ Quân đội cùng tạp chí tại các địa phương khác.
Năm 2011, nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên “Chim vịt kêu chiều” và được giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam vào năm 2012. Đến nay, ông đã cho ra đời 5 đầu sách in riêng đủ các thể loại của văn xuôi (tập truyện ngắn, tập ký, tiểu thuyết)...
Hơn 30 năm, nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên đã có được những quả ngọt cho mình như: Giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (năm 2012), 2 giải nhất cuộc thi truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long (năm 2015, 2023) cùng các giải thưởng trong các cuộc thi viết trong và ngoài tỉnh.
* Ông Lê Xuân Đoàn (1961)
Nhà thơ Lê Xuân Đoàn sinh năm 1961, quê quán xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc. Ông bắt đầu tham gia hoạt động sáng tác VHNT và là hội viên Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu từ năm 1979. Trong quá trình hoạt động, ông đã có nhiều tác phẩm gửi đăng trên các tạp chí, các tờ báo trong và ngoài tỉnh, tham gia và đạt giải cao trong nhiều cuộc thi. Ông có các tác phẩm được chọn in trong Tuyển tập thơ Bến Tre, Tuyển tập thơ đồng bằng sông Cửu Long, Tuyển tập Thơ - Văn Bến Tre, Tuyển tập thơ huyện Mỏ Cày Bắc. Trong sự nghiệp của mình, ông đã ra mắt 3 tập thơ, gồm: “Ngọn gió dòng sông” (1982), “Thuở ấy bây giờ” (1992), “Ngọn lửa hình tim” (2019).
Trong các tác phẩm, nhà thơ Lê Xuân Đoàn có tác phẩm “Tóc trắng khói nhang” xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi Thơ khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2004. Tập thơ “Ngọn lửa hình tim” đạt giải C từ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2020. Nhà thơ Lê Xuân Đoàn cũng được nhận bằng khen của UBND tỉnh năm 2004 và năm 2020 cho 2 tác phẩm xuất sắc này.
(Còn tiếp)
Bài, ảnh: Thanh Đồng
Nguồn: https://baodongkhoi.vn/nhung-ca-nhan-tieu-bieu-trong-lao-dong-nghe-thuat-sang-tac-23042025-a145612.html
Bình luận (0)