Qua kiểm tra thực tế trên các cánh đồng của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa xuân đang giai đoạn từ đẻ nhánh rộ, bước vào thời kỳ đứng cái, làm đòng. Đây là thời điểm rất quan trọng để chăm sóc, bón thúc để cây lúa có đủ dưỡng chất, quyết định năng suất vụ mùa. Tuy nhiên, một số các bệnh vi khuẩn phát sinh gây hại cho cây lúa như bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá, đốm sọc gây hại cục bộ trên một số giống BC 15, TBR 225, Thiên ưu 8, Thái Xuyên 111, Tạp giao… với diện tích nhiễm trên 11,5 ha tại các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Na Hang. Tỷ lệ bệnh ở nơi cao lên đến 8 - 10% số lá.
Người dân xã Phúc Ứng (Sơn Dương) phun thuốc trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân.
Ông Hoàng Văn Tập, thôn Đồng Luộc, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết: “Gia đình có 4 sào lúa đang trong thời kỳ phát triển làm đòng. Năm nay thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài ban ngày nhưng lại se lạnh sáng sớm tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh. Tôi đã phải phun thuốc 1 đợt, nhiều chỗ bị rầy nâu và đạo ôn cổ bông, thiếu nước nên lúa còn bị vàng lá, nếu không xử lý kịp thì năng suất sẽ giảm rõ rệt”.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích lúa xuân gieo trồng trên địa bàn hiện trên 18 nghìn ha, tuy nhiên thời điểm này sâu bệnh đang phát triển mạnh trên các cánh đồng. Cụ thể rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại rải rác, nơi cao cục bộ 50 - 60 con/m2; trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác, mật độ nơi cao 1 con/m2; bệnh đạo ôn lá gây hại cục bộ trên các giống nhiễm BC 15, TBR 225, Đài Thơm 8, nếp..., tỷ lệ nơi cao 3 - 5%, cục bộ 10 - 12% số lá. Chuột gây hại cục bộ một số ruộng, tỷ lệ hại nơi cao 2 - 3%, cục bộ nơi cao 5 - 6% số dảnh. Các địa phương có mật độ sâu bệnh nhiều như: Sơn Dương, Hàm Yên.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: “Thời kỳ lúa làm đòng rất mẫn cảm trong khi thời tiết đang chuyển mùa, tạo điều kiện cho sâu, bệnh hại như bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu… phát sinh gây hại. Bà con cần thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, khi phát hiện các đối tượng sâu, bệnh cần phải tiến hành phun thuốc ngăn chặn tránh lây lan diện rộng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng trên bao bì và đảm bảo thời gian cách ly phù hợp để tránh lãng phí và bảo vệ môi trường”.
Đối với bệnh đạo ôn là bệnh nguy hiểm nhất cho cây lúa trong thời kỳ này, dễ phát sinh nhanh trên diện rộng, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nên bón cân đối đạm, lân, kali, tăng lượng phân chuồng. Khi bệnh mới phát sinh cần giữ mực nước và ngừng bón phân, thường xuyên kiểm tra và chủ động phòng trừ, khi phát hiện dấu hiệu bệnh, thực hiện phun ngay các loại thuốc Ninja 35SE, Filia 525SE, Nativo 750WG…
Tương tự với bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn, khi thấy những giọt dịch nhỏ tròn, màu vàng đục bám trên bề mặt lá bệnh cần ngừng bón phân hóa học, giữ mực nước trong ruộng cao từ 2 - 3cm, sử dụng một trong các loại thuốc Sasa 25WP, Avalon 8WP, Anti-xo 200WP… Nên phun thuốc vào buổi chiều mát, pha thuốc theo liều lượng và hướng dẫn sử dụng, nếu bệnh nặng phun kép 2 lần, mỗi lần phun cách nhau từ 5 - 7 ngày.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/phong-tru-sau-benh-hai-lua-xuan-210574.html
Bình luận (0)