Theo thông tin chính thức từ trang web của DHgate, nền tảng này hiện có hơn 2 triệu người mua đã đăng ký đến từ hơn 220 quốc gia. Ảnh: YiCai. |
Chỉ trong vài ngày, ứng dụng thương mại điện tử DHgate của Trung Quốc bất ngờ leo vọt lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên App Store tại Mỹ, chỉ xếp sau ChatGPT.
Sự bùng nổ này đến từ một loạt video lan truyền trên TikTok. Cụ thể, các influencer Trung Quốc công khai chia sẻ cách thương hiệu xa xỉ phương Tây đang sử dụng chính các nhà máy tại Trung Quốc để sản xuất sản phẩm của họ.
TikToker bóc trần cách các chuỗi cung ứng toàn cầu vận hành
Cácc TikToker như @bagbestie1 hay @lunasourcingchina khẳng định rằng hơn 80% túi xách hàng hiệu trên thế giới được gia công tại Trung Quốc trước khi được đóng gói, gắn nhãn tại các nước khác và bán với giá cao ngất ngưởng.
Một trong số các video nổi tiếng nhất cho thấy các nhà máy tại Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được cho là đang sản xuất cho các thương hiệu như Brooks Brothers, Tommy Hilfiger hay Hugo Boss. Chỉ riêng một video của @lunasourcingchina đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt xem trong vòng 3 ngày.
Dưới các hashtag như “China spilling the tea on luxury goods” (Trung Quốc tiết lộ sự thật về hàng hiệu), người dùng TikTok bàn luận sôi nổi về giá trị thật sự của các món đồ xa xỉ. Tài khoản @valbulosity sở hữu đoạn video nhận được hơn 6 triệu lượt xem và 600.000 lượt thích, đã bình luận: “Điều này chỉ cho thấy giá trị thật của những món hàng đó chẳng đáng là bao. Trung Quốc đang tiết lộ tất cả!”.
![]() |
DHgate đã vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store Mỹ vào thứ Tư tuần này, chỉ sau ChatGPT. |
DHgate, hay còn được biết đến với tên tiếng Trung là Dunhuang, là một nền tảng thương mại điện tử B2B. Nó chuyên cung cấp hàng hóa với giá rẻ bất ngờ, trong đó có cả các sản phẩm "dupe" (bản nhái) của những thương hiệu nổi tiếng như Lululemon, Birkenstock, Dyson và Saint Laurent.
Giao diện trang web DHgate khá giống Amazon, kết hợp phong cách của các ứng dụng bán lẻ nổi tiếng khác đến từ Trung Quốc như Shein hay Temu. Nó có những banner giảm giá bắt mắt và các chương trình khuyến mãi dồn dập. Ngay khi truy cập vào trang chủ, người dùng sẽ được chào đón bằng các ưu đãi như “Khách mới giảm đến 90%” và các sản phẩm hấp dẫn chỉ từ 1,90 USD, bao gồm cả túi xách.
Danh mục hàng hóa trên DHgate trải dài từ đồ dùng thú cưng đến xe điện mini. Khi phóng viên của Business Insider thử đặt mua một chiếc kính râm giá 9,98 USD giao đến New York, hệ thống tự động áp dụng phiếu giảm giá 2 USD và miễn phí vận chuyển cho đơn hàng này.
Bên cạnh hàng nghìn mặt hàng phổ thông, DHgate còn nổi tiếng vì cung cấp các sản phẩm nhái của những món đồ thời trang, công nghệ đắt tiền từ các thương hiệu phương Tây.
Ví dụ, chiếc quần ABC Pants bán chạy nhất của Lululemon có giá 128 USD trên website chính hãng, trên DHgate chỉ còn 32 USD và còn rẻ hơn nữa nếu mua số lượng lớn. Những mặt hàng đình đám khác như giày Adidas Ultraboost, kem dưỡng môi Peptide của Rhode, hay máy tạo kiểu tóc Dyson Airwrap cũng có phiên bản nhái với giá chỉ bằng một phần nhỏ.
Ngay cả khi bị áp mức thuế cao ngất 145% từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump, các mặt hàng đặt qua DHgate vẫn rẻ hơn nhiều so với mua từ các nhà phân phối tại Mỹ, theo lời các TikToker.
Nền tảng gây sốt vì bán đồ giá rẻ, hàng ăn theo
Dữ liệu từ Sensor Tower cho thấy DHgate bắt đầu lọt vào top 100 ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên App Store Mỹ từ ngày 13/4, đứng ở vị trí thứ 8. Đến ngày 15/4, ứng dụng này leo lên vị trí thứ 2, vượt mặt hàng loạt ứng dụng phổ biến khác.
Theo TechCrunch, chỉ riêng ngày 12/4, DHgate ghi nhận 35.400 lượt tải toàn cầu trên cả App Store và Google Play, tăng 56% so với mức trung bình trong 30 ngày. Trong đó, số lượt tải tại Mỹ đạt 17.300, tăng đến 98%. Đến 13/4, số lượt tải từ người dùng iOS toàn cầu tăng vọt lên 117.500, tăng 732% so với trung bình hàng tháng. Lượt cài đặt từ người dùng Mỹ đạt 65.100, tương đương mức tăng 940%.
![]() |
Giao diện DHgate. |
Đại diện của DHgate chia sẻ: “Chúng tôi biết ơn nhưng vẫn giữ sự khiêm tốn trước làn sóng quan tâm đột biến này. Là một công ty có nền tảng vững chắc trong thương mại điện tử xuyên biên giới, chúng tôi vẫn tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm số cho người tiêu dùng toàn cầu cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Theo Wall Street Journal, DHgate được nữ doanh nhân Trung Quốc Wang Shutong sáng lập vào năm 2004. Tính đến nay, nền tảng này kết nối hơn 2 triệu người mua đã đăng ký đến từ hơn 220 quốc gia. Theo website chính thức, DHgate cung cấp khoảng 30 triệu sản phẩm thuộc 26 danh mục khác nhau, bao gồm điện tử, đồ gia dụng, đồ chơi, thiết bị ngoài trời, giải pháp năng lượng tái tạo và các sản phẩm tùy chỉnh theo yêu cầu.
Cơn sốt DHgate bùng lên trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Chính quyền Tổng thống Trump mới đây công bố mức thuế quan lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc thông báo tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên mức 125%.
Trong lúc đó, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc như Temu hay Shein cũng đang tận dụng “giai đoạn vàng” trước khi lỗ hổng thuế “de minimis” bị chính thức dỡ bỏ vào tháng 5 tới. Lỗ hổng thuế này tạo điều kiện cho các mặt hàng dưới 800 USD được miễn thuế khi vào Mỹ.
Nguồn: https://znews.vn/app-mua-sam-trung-quoc-gay-sot-tai-my-tang-940-luot-tai-ve-post1546311.html
Bình luận (0)