Bền bỉ giữ gìn những giá trị xưa cũ
Lần theo con đường nhỏ dẫn vào xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi tìm đến căn nhà đơn sơ của Nghệ nhân Hoàng Trọng Quý. Trong căn nhà mộc mạc ấy, ông Quý đang cặm cụi viết chữ Nho, những nét chữ rồng bay, phượng múa được ông nắn nót trên nền giấy vàng, như muốn gửi trọn tình yêu và lòng kính trọng với truyền thống tổ tiên.
Sinh ra trong một gia đình người Sán Dìu có truyền thống Nho học, ngay từ nhỏ, ông Hoàng Trọng Quý đã được dạy dỗ, thấm nhuần văn hóa đậm chất lễ nghi và tri thức. Cha và các bậc tiền nhân trong dòng họ của ông đều là những nhà nho thông tuệ, giỏi chữ, am hiểu phong tục, thường truyền dạy lễ nghĩa, đạo làm người cho con cháu.
Là con trai trưởng trong gia đình có sáu anh em, ông Quý dù được yêu thương, chiều chuộng nhất, nhưng sớm ý thức rõ vai trò và trọng trách của mình đối với tổ tiên, dòng tộc. Chính môi trường sống giàu giá trị truyền thống ấy đã trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng nơi ông tình yêu sâu sắc và ý thức trách nhiệm bền bỉ với văn hóa dân tộc.
Ông Hoàng Trọng Quý nắn nót, tỉ mỉ viết những dòng chữ Nho. |
Bồi hồi nhớ lại những tháng năm tuổi trẻ, ông Quý kể rằng, năm 1965, ông lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp sức bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến năm 1979, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, mãi đến năm 1981 mới trở về quê hương sau những năm tháng lửa đạn. Cuộc đời binh nghiệp đã đưa ông đi qua nhiều chiến trường khốc liệt, để lại trong ông một ý chí sắt đá và tinh thần trách nhiệm sâu sắc với dân tộc. Tuy nhiên, khi súng đạn lắng xuống, một nỗi lo khác lại day dứt trong lòng ông, đó là văn hóa Sán Dìu đang dần bị mai một, nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ biến mất trong dòng chảy hiện đại. Từ đó, ông quyết tâm dành trọn phần đời còn lại để gìn giữ và truyền lại những di sản quý báu mà cha ông để lại.
Sau khi trở về quê hương, ông bắt đầu học lại chữ Nho từ bố. Ban ngày bận công tác, đêm xuống, ông kiên trì luyện tập đến tận khuya. Ông Quý giãi bày rằng, thời điểm ấy kiến thức đã bị quên lãng sau nhiều năm chiến tranh, nên việc học lại không hề dễ dàng.
Trong thời gian học, ông luôn cố gắng chăm chỉ, chú ý lắng nghe giảng để nhận biết mặt chữ, các nét viết và ý nghĩa của các từ. Mỗi khi có thời gian rảnh, ông lại đem sách ra đọc và kiên nhẫn tập tô từng nét, từng dòng, luyện đi luyện lại cho đến khi thành thạo. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng ông chưa từng nghĩ đến việc bỏ cuộc. Theo ông, chữ viết là phương tiện lưu giữ tri thức cổ. Không còn người biết chữ cũng đồng nghĩa với việc những tinh hoa văn hóa sẽ mất đi mãi mãi.
Năm 2023, ở tuổi 81, ông Hoàng Trọng Quý vinh dự được phong làm Đại phan sư chủ - cấp bậc cao nhất của người chủ trì các nghi lễ trọng đại trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu. Trong quan niệm của người Sán Dìu, Đại phan không chỉ là danh xưng, mà còn là biểu tượng của tri thức, uy tín và sự am hiểu sâu rộng về các nghi lễ, phong tục truyền thống được tích lũy và gìn giữ qua nhiều năm đèn sách và hành đạo.
Truyền lửa cho thế hệ mai sau
Giờ đây, dù tuổi đã cao, nghệ nhân Hoàng Trọng Quý vẫn miệt mài giảng dạy chữ Nho, tiếng Sán Dìu và lễ nghi truyền thống cho con cháu, học trò. Trong gia đình, hai người con trai của ông đã tiếp bước cha học chữ và phong tục Sán Dìu, một người cháu hiện cũng đang theo học. "Chúng tôi chỉ cố gắng gìn giữ bằng được tiếng Sán Dìu, không sử dụng phiên dịch. Thế hệ chúng tôi ngày trước không ai cần phiên dịch khi đi cúng tế, lễ hội, giao lưu văn hóa cả, nhưng bây giờ nhiều người trẻ không biết nói tiếng dân tộc, nên khi đi cúng tế, thực hành lễ nghi, có người phải dùng đến phiên dịch", ông trầm mặc tâm sự.
Trên chiếc sập gụ ở chính gian giữa nhà, những cuốn sách cổ được ông Quý nâng niu sắp xếp cẩn thận. Ánh mắt ánh lên niềm tự hào, ông nhẹ nhàng giới thiệu với chúng tôi rằng, hiện nay, gia đình ông vẫn gìn giữ gần 100 cuốn sách cổ của người Sán Dìu, trong đó có những cuốn có niên đại 400-500 năm. Phần lớn đều là bản thảo viết tay bằng chữ Nho, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, chứa đựng những giá trị sâu sắc về phong tục, nghi lễ truyền thống, đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Sán Dìu.
Cuốn sách có niên đại 400-500 năm được lưu giữ tại gia đình ông Quý. |
Khi tiếp nhận kho tư liệu quý giá ấy, ông Quý đã dành nhiều thời gian để sao chép, bảo tồn cẩn thận, với mong muốn truyền lại cho thế hệ sau. "Tôi sợ sau này không giữ được cái gốc, nên tôi phải gìn giữ thật cẩn thận. Mỗi lần viết để sao lại một cuốn sách cổ có khi mất cả tháng trời, có khi lâu hơn, nhưng tôi vẫn phải làm để truyền lại cho con cháu", ông chia sẻ.
Không chỉ gìn giữ và phát triển chữ Nho, ông Hoàng Trọng Quý còn là một nghệ nhân bảo tồn những làn điệu Soọng Cô xã Phúc Thuận. Ông Quý cho biết, hát Soọng Cô không chỉ là lời ca, mà còn là một nghi thức quan trọng trong văn hóa Sán Dìu, được sử dụng trong các dịp mời trầu, mời nước, giao lưu giữa nam nữ, chúc phúc cho gia đình và cuộc sống. Nhận thấy nguy cơ mai một của văn hóa Soọng Cô, ông đã chủ động sưu tầm, ghi chép lại những bài hát cổ, đồng thời tự sáng tác thêm những bài hát mới để ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Ông Quý chia sẻ về giao lưu dân ca Soọng Cô của câu lạc bộ. |
Là một người tâm huyết với văn hóa dân tộc, nghệ nhân Hoàng Trọng Quý không chỉ dạy văn hóa truyền thống, dạy chữ, dạy hát mà còn luôn trăn trở về tương lai của tiếng Sán Dìu. Ông lo lắng khi nhiều đứa trẻ trong gia đình không còn nói tiếng mẹ đẻ, mà chỉ sử dụng tiếng phổ thông để giao tiếp. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở con cháu rằng: "Người Sán Dìu phải học tiếng Sán Dìu. Nếu không học, sau này sẽ mất tiếng".
Không chỉ trong gia đình, ông còn tích cực tuyên truyền trong cộng đồng, trong các buổi sinh hoạt câu lạc bộ. Ở tuổi ngoài 80, ông cũng đảm nhận nhiệm vụ Ủy viên Ban Thường vụ Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái nguyên nhiệm kỳ 2021-2026 và Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Phúc Thuận, để đóng góp nhiều hơn cho công cuộc gìn giữ bản sắc dân tộc mình.
Đồng thời, vào năm 2022, ông Hoàng Trọng Quý vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nhằm ghi nhận những đóng góp xuất sắc của ông trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Những tấm bằng khen là minh chứng cho những đóng góp bền bỉ của ông Quý đối với cộng đồng dân tộc Sán Dìu và Tổ quốc. |
Đồng chí Trần Bình Dưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Ông Hoàng Trọng Quý là một người con ưu tú của dân tộc Sán Dìu. Là người nắm giữ sâu sắc và toàn diện những giá trị văn hóa đặc trưng cũng như các di sản quý báu của người Sán Dìu. Với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, ông Quý đã tích cực sưu tầm, gìn giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa ý nghĩa nhằm lan tỏa tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Bên cạnh đó, ông Quý cũng luôn tận tình hướng dẫn bà con, dạy dỗ con em tại địa phương thực hành nghi lễ truyền thống, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa đang dần mai một trong đời sống hiện đại”.
Mặc dù tuổi cao, sức yếu, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Quý vẫn bền bỉ cống hiến như những ngày đầu. Ông vẫn là tấm gương sáng, một người đã dành cả đời để gìn giữ và trao truyền văn hóa Sán Dìu. Hành trình của ông không chỉ là câu chuyện về sự miệt mài học hỏi và truyền dạy, mà còn là tấm gương sáng về tinh thần bảo tồn di sản văn hóa.
Bài, ảnh: BẢO NGỌC
Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/nguoi-nang-long-voi-van-hoa-san-diu-823441
Bình luận (0)