Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người nghèo vùng biên huyện Nậm Pồ ở Điện Biên nỗ lực vươn lên

NDO - Thường nghĩ về Nậm Pồ với những con đường ngoằn ngoèo dẫn về từng bản nghèo heo hút, bởi vậy mà chuyến công tác về huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) trong ngày đầu tháng 4 vừa qua đã khiến tôi thực sự ngỡ ngàng. Vẫn các xã Si Pa Phìn, Nà Hỳ, Chà Nưa, Nà Khoa, Na Cô Sa… và vẫn các tên bản Chăn Nuôi, Tân Phong, Tân Lập, Nà Sự, Nà Cấu, Nà Hỳ… nhưng đường vào bản đã bê-tông thẳng tắp, nhà nối nhà mái đỏ mái xanh hiện lên rực rỡ trong nắng sớm biên cương…

Báo Nhân dânBáo Nhân dân21/04/2025

Trong ngôi nhà nhỏ, khang trang của ông Mùa A Giàng, ở bản Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, chúng tôi được nghe câu chuyện người dân tộc H’Mông ở bản H’Mông chọn cách đào ao nuôi cá để làm kinh tế với các chi tiết đặc biệt khác. Giọng nhẹ nhàng, ông Mùa A Giàng khẽ kể: nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế thay cho chỉ trông đợi cây lúa, cây ngô trên nương, nhưng ở nơi “lưng chừng núi” nên thú thực là tôi chưa biết cách nào làm khác được.

Thế rồi, năm 2017, Hội Nông dân xã tổ chức cho nông dân đi tham quan cách làm kinh tế ở các huyện khác thì tôi đã đăng ký tham gia. Chuyến đi đó tôi được tham quan mô hình nuôi cá trong ao ở huyện Điện Biên.

Trở về sau chuyến đi, tôi bàn với vợ và các con vay ngân hàng chính sách 100 triệu đồng thuê máy xúc đào ao nuôi cá. "Vợ con tôi mới nghe nuôi cá thì giãy nảy vì từ trước tới nay ở xã chúng tôi chẳng có người H’Mông nào nuôi cá. Ngay cả việc ra suối bắt cá, bắt tôm thì với người H’Mông cũng khó khăn hơn người dân tộc Thái rất nhiều" - ông Giàng nhớ lại.

Đợi vợ và các con bình tĩnh lại, ông Giàng lựa lời thuyết phục. Sau rồi họ cũng đồng ý cho ông đi vay vốn ngân hàng để thuê máy xúc đào ao quanh nhà nuôi cá. Lứa đầu tiên, ông thả 4.000 cá rô đơn tính, 2.000 cá trắm cỏ, nhưng không có kinh nghiệm lại không biết cách phát hiện bệnh trên cá nên nhiều con mắc bệnh, chậm lớn.

Để khắc phục khó khăn, phòng bệnh cho cá, ông Giàng ra xã hỏi cán bộ thì được mọi người hướng dẫn cách thay nước trong ao khi chuyển mùa; cán bộ xã còn cho ông Giàng một chồng báo và dặn “ông tìm đọc mục dạy nhà nông nuôi cá thì có thêm kiến thức”.

Đem chồng báo về nhà, ông Giàng tìm đọc đến thuộc lòng các bài dạy nuôi cá, cách nuôi cá rô, cá trắm… Áp dụng làm theo, lứa cá thứ 2 ông Giàng thu lãi gần 100 triệu đồng.

Có kiến thức, có thêm vốn từ tiền lãi bán cá, năm 2019 ông Giàng đầu tư trang trại nuôi 15 con trâu, hàng trăm con gà và trồng nhiều loại cây như: sa nhân, mắc-ca và cây ăn quả. Đến nay, mô hình trang trại “ao, vườn, chuồng” của gia đình ông Giàng cho nguồn thu trung bình 200 triệu đồng/năm và trở thành điểm tham quan làm kinh tế của bà con trong bản, trong xã.

Học làm theo mô hình của ông Giàng, xã Si Pa Phìn có rất nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, chủ động đăng ký thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, Si Pa Phìn trở thành xã điểm của huyện trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với hàng trăm héc-ra rau sạch, chanh leo được cấp nhãn hiệu độc quyền mang thương hiệu vùng đất. Đó có thể kể đến là “rau sạch Si Pa Phìn”, “chanh leo Si Pa Phìn”...

Người nghèo vùng biên huyện Nậm Pồ ở Điện Biên nỗ lực vươn lên ảnh 1

Với mô hình trồng chanh leo liên kết, đã giúp cho hàng chục gia đình ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ thoát nghèo vươn lên... (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Cứ như thế, như cách làm kinh tế của gia đình ông Giàng cùng hàng trăm gia đình nông dân là dân tộc H’Mông, dân tộc Thái ở Si Pa Phìn vươn lên. Theo thời gian, mỗi năm Nậm Pồ có thêm hàng trăm gia đình ở các xã: Chà Nưa, Na Cô Sa, Nà Hỳ, Nậm Tin đã trở thành điển hình trong làm kinh tế, góp sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhắc về phong trào xây dựng nông thôn mới khiến tôi chợt nhớ về bản Nà Sự - bản của dân tộc Thái ở xã Chà Nưa đã tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chà Nưa và cũng là một trong 5 gia đình ở Nà Sự tiên phong làm du lịch cộng đồng, đã kể với chúng tôi: được sự hỗ trợ của bà con các bản, cán bộ, nhân dân trong huyện, chỉ sau gần một tháng thực hiện (tính cả thời gian xây ý tưởng làm du lịch cộng đồng), cuối năm 2023, Nà Sự chính thức đón khách về.

Dù ban đầu có nhiều bỡ ngỡ và cũng có ý người này trái ý người kia, nhưng đến bây giờ thì 100% người dân trong bản Nà Sự đều vui mừng mỗi khi nghe tin có khách về tham quan, trải nghiệm. Không còn phân biệt là việc của nhà này hay việc của nhóm kia, cứ khi nào nghe tin trưởng bản đọc trên loa thông báo “ngày nào đón đoàn” là mọi nhà trong bản đều cử người hỗ trợ việc đón khách.

“Bản Nà Sự có hơn 600 nhân khẩu, nhưng bình quân mỗi tháng đón chừng trên dưới 500 khách du lịch với mức phí ở trung bình mỗi khách là 100.000 đồng/ngày đêm, cho nên nguồn thu với bà con Nà Sự cũng đáng kể lắm. Ấy là chưa kể tới việc khách về thăm còn thích thú mua các sản phẩm do tự tay bà con trồng trên đất Chà Nưa” - ông Lò Văn Quý còn nói như khoe với chúng tôi như thế.

Người nghèo vùng biên huyện Nậm Pồ ở Điện Biên nỗ lực vươn lên ảnh 2

Hưởng ứng phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, mỗi năm các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Nậm Pồ đều tham gia các chương trình trồng cây, trồng rừng cùng nông dân. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Kể thêm chuyện của mỗi người, mỗi bản, mỗi xã trong hành trình nỗ lực vươn lên, đồng chí Vàng A Chính, Phó Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên - người con của đồng bào dân tộc H’Mông ở bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn, đã nói chắc chắn rằng: So với ngày xưa thì đời sống bà con ở Nậm Pồ khác nhiều rồi. Chẳng nói đâu xa, lấy mốc thời gian là khi huyện mới thành lập đi vào hoạt động (năm 2013) so với hiện tại đã là trang sống mới.

Ngày ấy (năm 2013), theo Nghị quyết số 45/NĐ-CP ngày 25/8/2012 của Chính phủ, Nậm Pồ thành lập trên cơ sở chia tách, điều chỉnh địa giới 15 xã từ huyện Mường Nhé, Mường Chà. Nậm Pồ có diện tích 250.790ha; 25.517 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc sinh sống, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng ngày đó của Nậm Pồ hầu như chưa có gì đáng kể; đường từ huyện về xã, đường từ xã về bản đều là đường đất, lối mòn; rất nhiều bản chưa có điện, chưa có nước sinh hoạt; trường học đều làm tạm bằng gianh, nứa…

Vậy mà nay, sau 12 năm thành lập, với sự đoàn kết, nỗ lực của cán bộ, nhân dân các dân tộc Nậm Pồ vươn lên trở thành huyện vùng biên vững vàng về an ninh trật tự, kinh tế-hạ tầng được đầu tư đồng bộ, các chương trình mục tiêu quốc gia đều được triển khai thực hiện hiệu quả. Cũng tại huyện vùng biên, xa xôi, gian khó, Nậm Pồ từng ngày nỗ lực vươn lên bằng cách tạo dựng các mô hình kinh tế gia đình, thôn bản bền vững.

Từ huyện mà hầu hết người dân ở nhà tạm, nhà dột nát thì đến nay Nậm Pồ chỉ còn 1,95% gia đình ở nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 22 triệu đồng/người/năm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, diện mạo của huyện đã có những thay đổi vượt bậc so với khi mới thành lập, nhất là về điện, đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị của huyện và các xã...

Không chỉ đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, Nậm Pồ còn là địa chỉ đỏ điển hình của tỉnh Điện Biên trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị với nhiều phong trào, mô hình, cách làm mới được triển khai có hiệu quả, điển hình như mô hình 100% bản có tổ dân vận cơ sở; mô hình “ngày thứ 7 tình nguyện”, phong trào “2.000 đồng mỗi ngày cho giáo dục”… Những phong trào, mô hình do Huyện uỷ Nậm Pồ phát động đã lan toả đến toàn thể cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, tác động tích cực tới việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của huyện.

Người nghèo vùng biên huyện Nậm Pồ ở Điện Biên nỗ lực vươn lên ảnh 3

Tiết mục văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước do các thành viên Đội văn nghệ bản Nậm Khăn, biểu diễn. (Ảnh: SÙNG DÍNH)

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/2025), 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2025), tối 16/4, cán bộ, nhân dân huyện Nậm Pồ, nhân dân xã Nậm Khăn tổ chức riêng một chương trình nghệ thuật với chủ đề “Đại thắng mùa Xuân năm 1975-nam bắc một nhà, non sông liền dải”.

Dẫu chương trình vẫn là các bài hát thân quen và các điệu múa mộc mạc nhưng vẫn đủ sức lay động lòng người xem, từ đó khơi dậy niềm tự hào, hun đúc lòng yêu quê hương, đất nước và khích lệ mỗi người con ở Nậm Pồ sẽ tiếp tục vươn lên…

Nguồn: https://nhandan.vn/nguoi-ngheo-vung-bien-huyen-nam-po-o-dien-bien-no-luc-vuon-len-post874148.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm