Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người và bóng - Báo Thái Nguyên điện tử

Việt NamViệt Nam30/03/2025


Ông đứng trước gương chỉnh lại cà - vạt, ngó ra cửa, cau mày. Mọi lần vào giờ này đã có chiếc Camry đen bóng đợi sẵn. Ông lẩm bẩm:

- Cái thằng sao giờ này còn chưa thò mặt tới?

Ông sốt ruột mở cửa bước ra ngoài. Vợ ông đi bộ thể dục vừa về tới nhà, ngạc nhiên:

- Ông đi đâu mà chỉnh tề thế?

Ông khựng lại, sực nhớ ra, vội quay vào cởi bộ com lê, đặt cái cặp trên bàn.

Người và bóng truyện ngắn Đào Nguyên Hải
 

Nghỉ hưu đã được vài tháng nhưng chẳng hiểu sao ông lại bị “mộng du” như vậy. Cứ ngỡ là còn đang công tác, đang còn phục vụ cho dân cho nước. Nhưng bảo ông tiếc nuối những quyền lợi khi còn đang công tác đến mức mộng du thì quả là oan cho ông quá.

Bao năm làm lãnh đạo, đi đến đâu cũng tiền hô hậu ủng, cán bộ giúp việc vây quanh, chỉ mới có ý định làm gì đã có người đoán ra và phục vụ ngay. Đến cả những món ăn ông thích anh em cũng đều biết. Không ít lần ông khoe với vợ: “Anh em trong cơ quan sống tình người lắm”. Sống giữa những người hiểu mình như thế, bảo ông quên ngay cái nhịp sống ấy làm sao được.

Cậu con trai từ trong phòng bước ra, hồ hởi:

- Hôm nay, con không phải đến cơ quan. Lát nữa đưa bố mẹ đi ăn sáng.

Quán phở gà ngon nhất thành phố lúc nào cũng chật ních. Ăn xong, ông đưa mắt nhìn xung quanh, bất ngờ thấy mấy cô cậu nhân viên cũ đang ngồi ăn cách chỗ ông mấy bàn. Nhìn thấy chúng, ông cảm thấy bồi hồi. Chúng sống với ông tình cảm thế, chắc bây giờ nhớ ông lắm. Nghĩ vậy, ông vội đứng lên đi về phía chúng. Đây chính là dịp ông hỏi han tình hình cơ quan từ lúc ông nghỉ đến giờ. Vừa thấy ông, cả bốn ngẩng lên nhìn thẳng vào ông:

- Chào sếp! Gớm, từ ngày nghỉ hưu được sếp bà chăm sóc, béo trắng ra.

Ông gượng cười. Ngày trước làm gì có đứa nào dám nhìn thẳng vào mặt ông thế, làm gì có kiểu nói năng cá mè một lứa như vậy. Ông ngồi xuống định hỏi chuyện cơ quan cũ, nhưng cả bốn đã đứng lên:

- Xin lỗi chúng em phải đến cơ quan.

Nói xong chúng bước vội ra cửa. Ông đứng lặng, lẩm bẩm:

- Ừ! Chắc là đến giờ làm rồi!

* * *

Năm nay là cái tết đầu tiên ông rời nhiệm sở. Khi còn công tác, vào những dịp này bận lắm. Ở cơ quan đã đành, về nhà thì trước Tết, trong Tết, sau Tết nhà ông đều đông khách. Ai may mắn lắm mới gặp được ông, còn lại chỉ gặp “phu nhân sếp” là may. Vậy mà 28 Tết, các cơ quan đã nghỉ hết nhưng ông chưa thấy ai đến thăm. Ngay cả đám nhân viên vốn rất “tình củ” cũng chưa thấy mặt đứa nào. Có lẽ chúng nó đợi mồng một, mồng hai đến chúc Tết cả thể. Đang mải suy đoán, ông bỗng nghe có tiếng nói ngoài cửa, vội bước ra. Thì ra là ông bảo vệ già và bà lao công, Cả hai vui mừng ra mặt, cùng lên tiếng:

- Giờ bác nghỉ hưu chúng tôi mới có dịp được gặp bác! Tết nhất gọi là có gói trà, chai rượu để thắp hương các cụ.

Trong cuộc đời, ông chưa bao giờ nhận những gói quà hết sức bình dân mà lòng lại rưng rưng đến thế.

Hôm ấy, ban ngày thì ông ngóng đợi, buổi tối tắt điện rất muộn để ngộ nhỡ có ai đến chúc Tết thấy tối đèn lại ngại gọi. Thề với bóng đèn, ông đâu cần những thứ quà tết. Tiền của nhà ông vốn thừa thãi. Nhưng quà tết, nó là cái tình, cái nghĩa…

Nhưng năm ấy, khách cơ quan cũ của ông chỉ có ông bảo vệ già và bà lao công đến chúc Tết.

* * *

Nghỉ hưu được sáu tháng thì ông để lại ngôi biệt thự cho con trai rồi cùng bà về căn nhà cũ ở quê sinh sống. Người hiểu tình cảnh của ông bảo có lẽ ông tự ái với người cơ quan cũ mà trốn đời như vậy.

Từ ngày về quê, sáng sáng ông có thói quen ngồi uống trà bên khung cửa kính, nhìn ra tán cây quất hồng bì.

Hôm nay cũng như mọi hôm ông cầm ly trà nóng nhấp từng ngụm, mắt nhìn ra khu vườn trước mặt. Chợt ông thấy trên song cửa sổ một chú chim sâu đang chăm chú nhìn ông qua khung kính. Khung kính trong vắt nên ông nhìn rõ cả hai cái chân bé tí như hai que tăm của chú chim sâu. Nó nghiêng ngó nhìn ông rồi bay vụt lên cành quất hồng bì, kêu chíp chíp...

Một lát sau, nó bất chợt lao thẳng vào khung kính rồi lại bay vụt lên. Rồi nó cứ lặp đi lặp lại động tác ấy mấy lần. Ông vừa uống trà vừa theo dõi. Có lẽ cái khung kính trong vắt ấy đã khiến chú ta tưởng đấy là một khoảng nên cứ lao đầu vào. Thật lạ, ngày nào chim sâu cũng xuất hiện và lặp đi lặp lại cái động tác của ngày đầu tiên.

Từ hôm "gặp" chú chim sâu ấy, ông thấy vui vui. Và cứ thế, ông với chú chim sâu trở thành bạn từ lúc nào không hay.

Mấy hôm nay trời nắng đẹp nhưng sao không thấy chú chim sâu bên khung cửa kính như mọi lần. Ông ngồi lặng, cầm ly trà, ngóng đợi. Một ngày, hai ngày rồi ba ngày chú chim sâu vẫn không xuất hiện. Pha xong ấm trà ông lặng lẽ bước ra ngoài, ngước lên ngọn cây quất hồng bì xem có thấy bóng dáng chú chim sâu trên đó không. Ông thất vọng, đảo mắt tìm quanh. Bỗng ông phát hiện thấy xác chú chim sâu xõa cánh sát chân tường dưới khung cửa kính. Ông bùi ngùi cúi xuống nhặt xác chú chim.

Lúc ngẩng lên, ông giật mình thấy bóng mình lấp ló in trong khung cửa. Bấy lâu nay, từ trong nhà nhìn ra ngoài có ánh sáng nên chẳng bao giờ ông thấy được bóng mình. Hôm nay nhìn từ phía ngoài vào trong tối ông thấy bóng mình hiện trên ô cửa kính rõ mồn một. Ông ngẫm nghĩ và ngộ ra một điều. Thì ra bao nhiêu ngày qua chú chim sâu đã lầm tưởng cái bóng mình in trên ô cửa là một người bạn nên đã cố lao vào ô cửa kính để mong có cuộc kết giao bằng hữu. Nhưng thương thay, chú đã chết gục vì đuối sức. Ông khẽ thở dài. Chao ôi! Có lẽ nào nó cũng giống ông, không phân biệt nổi con người thực với cái bóng của mình?

Ông lặng lẽ đào một cái hố nhỏ đặt xác chú chim sâu xuống, lấp đất rồi trồng lên đó một nhánh hoa mười giờ, lòng bùi ngùi, thương xót.

Năm nay, ông ăn Tết ở quê. 28 Tết, ông nhận được điện thoại của con trai. Nó bảo có ông bảo vệ già và bà lao công mang đến hai túi hàng Tết rẻ tiền, bố có cho ai ở quê thì con mang về, không thì để đây cũng vứt đi. Ông trả lời trong điện thoại mà như nói với chính mình:

- Con phải mang hai túi quà ấy về ngay, vì đó là ánh sáng để phân biệt con người khác với con chim sâu.

Tất nhiên thằng con trai ngớ người không hiểu bố nói gì.



Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202503/nguoi-va-bong-f7e0711/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm