Trước tình hình xâm nhập mặn (XNM) diễn biến ngày càng phức tạp, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã chủ động tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó để bảo vệ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Phóng viên Báo Vĩnh Long đã có buổi phỏng vấn ông Trần Nguyễn Anh Tú- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường) về vấn đề này.
Ông Trần Nguyễn Anh Tú. |
* Xin ông cho biết diễn biến tình hình XNM, hạn hán trên địa bàn tỉnh từ đầu mùa khô đến nay? So với những năm trước, tình hình hạn mặn năm nay có gì bất thường không, thưa ông?
- Thực tế theo dõi độ mặn cho thấy từ đầu mùa khô đến nay ghi nhận tại trạm Nàng Âm cao nhất là 6‰ (xuất hiện ngày 29/3), tại trạm Tích Thiện trên sông Hậu là 2‰ (xuất hiện ngày 28/3), xấp xỉ so với mùa khô năm 2024.
Về dự báo độ mặn trong thời gian tới, do tổng lượng dòng chảy qua Kratie lớn hơn so với trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2024 khoảng 35-40%, dòng chảy qua Cần Thơ, Mỹ Thuận ở mức lớn hơn so với trung bình nhiều năm, đã góp phần làm giảm mức độ ảnh hưởng của XNM. Theo dự báo, độ mặn sẽ có xu hướng giảm dần trong tháng 4, 5 và đến tháng 6 nhiều khả năng mặn sẽ không còn ảnh hưởng.
So với những năm trước, năm nay có xảy ra một số đợt mưa trái mùa, có nơi mưa vừa đến mưa to, lượng mưa trong thời kỳ này tại các nơi phân bố không đồng đều, cao hơn so với trung bình nhiều năm, dòng chảy qua Cần Thơ, Mỹ Thuận ở mức cao hơn trung bình nhiều năm đã góp phần làm giảm ảnh hưởng của XNM so với dự báo từ đầu mùa khô của các cơ quan dự báo.
* Thời gian qua, tỉnh có ghi nhận thiệt hại gì do XNM, hạn hán gây ra không thưa ông? Ý thức phòng chống, ứng phó hạn mặn của các địa phương, người dân trong tỉnh có chuyển biến như thế nào qua diễn biến hạn mặn các năm trước không, thưa ông?
- Thời gian qua công tác dự báo, cảnh báo sớm về thiên tai nói chung, XNM nói riêng của các cơ quan dự báo đã góp phần giúp ngành kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các giải pháp ứng phó, thông tin nhanh đến các cấp lãnh đạo và người dân. Từ đó giúp chính quyền địa phương, người dân trong tỉnh chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Nhờ vào sự chủ động trong công tác ứng phó với hạn, XNM, đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp và môi trường tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại đáng kể do hạn mặn gây ra. Một số vùng sản xuất lúa, cây ăn trái có dấu hiệu bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, người dân đã có các giải pháp chủ động về tích trữ nước ngọt từ sớm, điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý… nên đã giảm thiểu được thiệt hại do ảnh hưởng của hạn, XNM.
Nhìn chung, ý thức của người dân và chính quyền địa phương trong công tác ứng phó với hạn mặn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
* Từ dự báo của ngành chức năng về tình trạng XNM, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã có những giải pháp nào để phòng chống, ứng phó, thưa ông? Với vai trò giảm tác động của hạn mặn, các giải pháp công trình đã phát huy hiệu quả như thế nào trong mùa khô năm nay, thưa ông?
- Để chủ động ứng phó với hạn, XNM, thời gian qua ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp phi công trình và công trình.
Các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả trong ứng phó hạn mặn. |
Qua các đợt hạn mặn khắc nghiệt những năm trước, bà con đã chủ động hơn trong công tác ứng phó, thích ứng với hạn, XNM. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng tích cực, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân về tích trữ nước ngọt, áp dụng các biện pháp thích ứng nhằm chủ động sản xuất, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
Đối với giải pháp công trình, việc vận hành các công trình điều tiết ứng phó với hạn, mặn như: phối hợp, tổ chức vận hành hợp lý cống Vũng Liêm, cống Cái Tôm, cống Tân Dinh; hệ thống các cống thuộc khu vực cù lao Thanh Bình- Quới Thiện; hệ thống các cống thuộc Dự án Đê bao Sông Măng, khu vực các huyện Vũng Liêm- Trà Ôn- Tam Bình- Mang Thít; 4 cống trên sông Hậu (Rạch Chiết, Mương Điều, Rạch Tra, Bang Chang); 7 cống đã hoàn thành thuộc dự án đê bao cồn Lục Sĩ đã góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của XNM.
Bên cạnh đó, đối với các khu vực đang được đầu tư cống, nhưng chưa hoàn thành lắp cửa để chủ động điều tiết, các địa phương cũng đã chủ động phương án đắp đập tạm để ứng phó khi mặn lên cao. Từ đó, giúp kiểm soát tốt, chủ động được sản xuất, giảm thiểu được thiệt hại do XNM gây ra trong mùa khô năm 2025.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó hạn mặn, bảo vệ sản xuất, dân sinh. |
* Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đề ra giải pháp gì nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu? Và ông có khuyến cáo gì cho người dân trong sản xuất và sinh hoạt, thưa ông?
- Để chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cung cấp thông tin sớm, chính xác về tình hình khí tượng thủy văn, nguồn nước, XNM, để có sự chuẩn bị từ sớm. Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân các giải pháp ứng phó với hạn, XNM.
Nông dân cần chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất. |
Khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn, mặn; hỗ trợ, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến- tiết kiệm nước, phát triển hệ thống trữ nước ngọt quy mô hộ gia đình, cộng đồng, vùng, liên vùng.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có; hoàn thành các cống thuộc khu vực cù lao Thanh Bình- Quới Thiện, dự án ngăn mặn, giữ ngọt khu vực huyện Vũng Liêm; đầu tư dự án hoàn thiện đê bao cồn Lục Sĩ, dự án hoàn thiện đê bao sông Măng Thít, dự án hoàn thiện đê bao sông Hậu... nhằm chủ động kiểm soát tốt hơn tình hình và tác động của hạn, XNM.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO LY (thực hiện)
Nguồn: https://baovinhlong.vn/tin-moi/202504/phong-van-nhieu-giai-phap-ung-pho-voi-han-man-8ea541c/
Bình luận (0)