
Nơi cảnh sắc thiên nhiên đẹp trong từng góc quay
Với mong muốn xây dựng và sản xuất phim tại Ninh Bình, Công ty BHD đã lên ý tưởng xây dựng bộ phim “Hộ Linh tráng sĩ-Bí ẩn mộ Vua Đinh”, phóng tác dựa trên các truyền thuyết dân gian về lăng mộ Vua Đinh Tiên Hoàng và dự kiến chọn Ninh Bình làm bối cảnh quay phim.
Tại buổi ra mắt phim, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty BHD chia sẻ: Ninh Bình là địa phương có phong cảnh nên thơ, nhiều câu chuyện hấp dẫn để khai thác làm phim, phát triển điện ảnh, nhất là phim cổ trang. Bộ phim “Hộ Linh tráng sĩ-Bí ẩn mộ Vua Đinh” được xây dựng từ những câu chuyện và trong hành trình ngồi thuyền du ngoạn Tràng An, chúng tôi tìm hiểu thêm được.
Nhận được sự hỗ trợ, động viên, khích lệ rất lớn từ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đến các doanh nghiệp, Công ty BHD có quyết tâm để làm phim tại Ninh Bình. Với đề tài về lịch sử, bộ phim kể câu chuyện về các vị anh hùng, những người con quê hương Ninh Bình nên các khán giả trẻ khi xem phim sẽ hiểu thêm về lịch sử, thêm yêu mảnh đất quê hương.
Giám đốc võ thuật của bộ phim, Johnny Trí Nguyễn cho biết: Lần đầu tiên đặt chân đến Ninh Bình, tôi đã thấy đây là vùng đất mà đặt máy ở góc quay nào cũng lên chất điện ảnh. Khi tham gia quay bộ phim tại Ninh Bình, cảm xúc của người nghệ sĩ được đẩy lên, thăng hoa hơn bởi những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có thể khai thác để đưa những hình ảnh chân thực lên phim. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa hình ảnh Ninh Bình đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế…
Ninh Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, vừa là nơi tham quan du lịch, vừa có thể làm bối cảnh sáng tạo các sản phẩm văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa gắn với 3 triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Những dấu mốc và sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những nhân vật kiệt xuất như: Đinh Tiên Hoàng, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu... qua các thời kỳ lịch sử tiêu biểu của Ninh Bình là những chất liệu “đầu vào” tuyệt vời để tạo nên các sản phẩm dịch vụ văn hóa với đa dạng loại hình... nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng mạnh mẽ và đa dạng của người dân.
Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm qua, Ninh Bình không chỉ thu hút được lượng khách du lịch lớn, mà còn được nhiều nhà làm phim trong nước và quốc tế lựa chọn làm bối cảnh cho các bộ phim.
Đã có nhiều bộ phim gây tiếng vang lớn ở trong nước, quốc tế như: Người Mỹ trầm lặng, Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc, Thiên mệnh anh hùng, Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu), Khát vọng Thăng Long, Tấm Cám: Chuyện chưa kể, 578-Phát đạn của kẻ điên, Về nhà đi con, Trạng tí, Hương vị tình thân, Vui lên nào anh em ơi… được các đoàn làm phim chọn quay tại Ninh Bình.
Việc các đoàn làm phim quốc tế, các hãng phim trong nước, Đài Truyền hình Việt Nam lựa chọn quay các bộ phim ở Ninh Bình cho thấy tỉnh hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim “bom tấn” của Hollywood cũng như các bộ phim điện ảnh Việt Nam để quảng bá về văn hoá, du lịch, con người Cố đô ngàn năm văn hiến tới bạn bè quốc tế.
Sẵn sàng các điều kiện mời gọi các đoàn làm phim
Nhiều nhiệm kỳ qua, dựa vào tiềm năng, lợi thế sở hữu di sản văn hoá đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Đảng bộ tỉnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng phát huy tài nguyên di sản phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Ninh Bình ngày càng định hình rõ vai trò là một trung tâm tổ chức sự kiện của Vùng đồng bằng Sông Hồng, có những lễ hội, sự kiện nghệ thuật đặc sắc, thu hút sản xuất một số bộ phim nổi tiếng… Tỉnh đã đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản và không gian kiến trúc văn hoá cùng truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư làm nền tảng phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp điện ảnh, xây dựng phim trường.
Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam triển khai các hoạt động thu hút, xúc tiến làm phim và từng bước xây dựng công nghiệp điện ảnh tại Ninh Bình gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí.
Tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 4/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ chỉ tiêu phát triển đến năm 2030 là: “phấn đấu công nghiệp văn hóa chiếm trên 10% GRDP”. Và đến năm 2035 “trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương...”.
Theo đó, trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ phê duyệt, điện ảnh là một trong những ngành trọng tâm, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể hoá Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh theo lộ trình và mục tiêu đề ra. Năm 2024, UBND tỉnh và Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về xúc tiến phát triển công nghiệp điện ảnh tại tỉnh Ninh Bình với thời gian hợp tác là 12 năm, từ năm 2024-2035, là cơ sở để tỉnh triển khai tổ chức thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm thu hút làm phim, tổ chức các sự kiện nghệ thuật điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh tại tỉnh.
Ngày 11/12/2024, Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Diễn đàn “Chỉ số thu hút đoàn làm phim và Môi trường sản xuất phim tại Việt Nam”. Tại Diễn đàn, tỉnh Ninh Bình được tôn vinh đứng trong top 10 địa phương có chỉ số thu hút đoàn làm phim cao trong bảng xếp hạng chỉ số PAI.
Đặc biệt, ngày 28/2/2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng Ninh Bình hội tụ tính chất một đô thị di sản, trung tâm chuyên ngành về du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí của vùng, quốc gia và hội nhập quốc tế. Công nghiệp văn hóa cùng với du lịch trở thành cụm ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Theo Nghị quyết, tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thiện chính sách trong điều kiện phân cấp, phân quyền với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” thông qua việc thúc đẩy cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cho phép giải phóng mọi năng lực sáng tạo, khai thông mọi nguồn lực, thương mại hoá nhanh chóng các ý tưởng đổi mới sáng tạo, thành tựu khoa học, công nghệ…
Trong đó có chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim, nghệ thuật biểu diễn, marketing địa phương, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nghệ nhân và nhân lực những ngành nghề mới nổi, kiến tạo thị trường cho những sản phẩm mới… Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành phát hành ít nhất 5 bộ phim quay tại Ninh Bình.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao, để cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh, trong đó điện ảnh là một trong 10 lĩnh vực trọng tâm, vừa qua, tại các sự kiện: Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng lần thứ II; Chương trình Xúc tiến Du lịch-Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ; Liên hoan phim quốc tế Busan 2024, tỉnh Ninh Bình đã có những giới thiệu ấn tượng đến các nhà làm phim trong nước, quốc tế và đang nghiên cứu xây dựng chính sách để thu hút các nhà đầu tư, đạo diễn đến Ninh Bình, tìm kiếm cảm hứng sáng tạo, sản xuất phim và các chương trình văn hóa, nghệ thuật.
Tỉnh đã tiếp cận, gặp gỡ, kết nối với các cơ quan, tổ chức, các nhà sản xuất phim, đạo diễn và những nhân vật có ảnh hưởng trong giới điện ảnh quốc tế, từ đó thu hút tới Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng để sản xuất phim. Đây cũng là dịp để xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình cũng như khảo sát, học hỏi kinh nghiệm, từng bước xây dựng phim trường phục vụ điện ảnh và du lịch. Trong các hội thảo khoa học được tổ chức tại tỉnh, việc phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng, công nghiệp văn hoá nói chung là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến tham luận đã gợi mở cho Ninh Bình nhiều vấn đề.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: Phát triển công nghiệp văn hóa chính là khai thác giá trị tài nguyên văn hoá, nguồn lực nhân văn, cảnh quan thiên nhiên... Rất mừng là điều đó đang trở thành hiện thực tại Ninh Bình trên rất nhiều phương diện khác nhau: không chỉ là trong một bộ phim và rộng hơn là một không gian, một hệ sinh thái của bộ phim cổ trang trên mảnh đất Ninh Bình, trên không gian di sản Tràng An; việc tạo ra một môi trường, một hành lang pháp lý về chính sách để thu hút các nguồn lực thực hiện công nghiệp văn hoá trên nền tảng tài sản của Ninh Bình, đó là cách tiếp cận hết sức tích cực, hiệu quả và hoàn toàn đi đúng định hướng của tỉnh Ninh Bình.
Như việc tổ chức hội thảo khoa học về trang phục cho một bộ phim cổ trang đã thể hiện rõ việc chuẩn bị cho một dự án rất cụ thể, một sản phẩm cụ thể với hi vọng nó sẽ trở thành một sản phẩm tốt, bảo đảm chất lượng. Tôi hi vọng bộ phim không chỉ thành công mà còn là sự khởi đầu, tạo tiền đề cho các dự án phim khác được triển khai thành công tại Ninh Bình…
TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng: Chúng tôi đã nhìn thấy Ninh Bình hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp điện ảnh, bởi ngoài cảnh sắc và bề dày lịch sử, văn hóa, yếu tố quan trọng là tầm nhìn chiến lược và sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, sự hồ hởi, sẵn sàng vào cuộc của doanh nghiệp và người dân.
Tỉnh Ninh Bình đã có những bước đi khởi đầu cho sự phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí-một hướng đi mới của địa phương theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/nhieu-ky-vong-ve-su-phat-trien-cong-nghiep-dien-anh-tai-549430.htm
Bình luận (0)