Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhiều vụ bạo hành ở nhóm lớp độc lập: Trách nhiệm, tình yêu thương chưa đủ

Số lượng nhóm lớp độc lập trên toàn quốc là rất lớn, 17.444 cơ sở. Đồng thời, theo thống kê sơ bộ, cả nước còn 33.00 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục 2019, điều này đặt ra những thách thức cần giải quyết.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên15/04/2025

Một số vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành gần đây gây phẫn nộ trong dư luận, đáng chú ý, nhiều vụ xảy ra ở các nhóm lớp độc lập tư thục.

 - Ảnh 1.

Vụ bạo hành trẻ gây phẫn nộ tại nhóm trẻ gia đình Con Cưng, xã Quế Mỹ, H.Quế Sơn, Quảng Nam mới đây, chủ nhóm trẻ đã bị tạm giữ hình sự

ẢNH: CẮT TỪ CAMERA

Báo cáo sơ bộ của đại diện Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT hôm 10.4 tại hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng Đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045" cho thấy cả nước có 15.256 trường mầm non công lập, dân lập, tư thục và 17.444 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục còn thiếu sân chơi, đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (62%). Vẫn còn 18% cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục chưa đạt được các tiêu chuẩn về trường học an toàn, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em.

Khó khăn, hạn chế còn ở đội ngũ, số lượng và chất lượng giáo viên mầm non. Cả nước hiện còn 33.000 giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của luật Giáo dục 2019 (tối thiểu phải là cao đẳng sư phạm mầm non). Báo cáo tại hội thảo công nhận thực tế là chính sách về tiền lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, thu nhập thấp, nhiều giáo viên nghỉ việc. Bên cạnh đó, một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, nguy cơ không đảm bảo an toàn đối với trẻ.

Nâng cao chất lượng, cần chuẩn đào tạo và cần yêu thương, trách nhiệm

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh như vậy tại hội thảo hôm 10.4. Bà Chi cho biết rõ ràng ở giáo dục mầm non, các cơ sở ngoài công lập được nhà đầu tư quan tâm. Đồng thời, lựa chọn cho con học ở nhóm lớp độc lập là một lựa chọn, một giải pháp của rất nhiều bậc phụ huynh ở đô thị, khu công nghiệp (vì thuận tiện cho giờ giấc làm việc của cha mẹ, có thể từ sáng sớm tới chiều muộn, hoặc có thể trông trẻ cả cuối tuần...). Tuy nhiên, có hai yêu cầu cần được nhấn mạnh tới các cơ quan quản lý, làm sao để đảm bảo phải tuân thủ hết các quy định mới được cấp phép; và làm sao để loại hình mầm non độc lập tư thục được phát triển, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, nhất là sau nhiều vụ bạo hành trẻ em nhức nhối trong dư luận thời gian qua.

Thứ nhất, theo bà Chi, cần tham mưu chính sách, cơ chế để hỗ trợ nhà đầu tư về chính sách, về mặt pháp lý để nhà đầu tư có thể yên tâm, sẵn sàng đầu tư. Một mô hình ở nhiều nước đã thực hiện hiệu quả đó là đầu tư công, vận hành tư (PPP) nhà nước giao đất, giao tài sản công, cơ sở vật chất công. Còn chi phí chi thường xuyên như lương, tiền vận hành thì do nhà đầu tư thực hiện. Muốn được như vậy thì cần phải cơ chế chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng, sự quản lý chặt chẽ từ nhà nước, vận hành thông thoáng. Vừa không khó khăn cho nhà đầu tư nhưng vẫn quản lý chặt chẽ, hiệu quả từ nhà nước, cung cấp môi trường chất lượng giáo dục cao cho người học.

Thứ hai, theo bà Chi, cần phải kiểm soát chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em ở các nhóm lớp độc lập tư thục. Cần tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng, quan tâm tới nâng chuẩn giáo viên. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là tình yêu với trẻ.

Bằng cấp của đội ngũ quan trọng rồi, nhưng quan trọng hơn nữa là tình yêu thương, trách nhiệm, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ và phải được bồi dưỡng thường xuyên, như khi trẻ bị hóc dị vật hoặc chúi đầu xuống thau nước, giáo viên, nhân viên phải làm sao để trong thời gian nhanh nhất có thể cứu được trẻ... Theo bà Chi, các địa phương cần tiếp tục tham mưu chính sách, làm sao để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho giáo viên, nhân viên nhóm trẻ độc lập tư thục, cũng như chính sách đặc thù riêng cho từng địa phương.

Nhiều vụ bạo hành ở nhóm lớp độc lập: Trách nhiệm, tình yêu thương chưa đủ - Ảnh 1.

Các chuyên gia, cán bộ quản lý phụ trách giáo dục mầm non trao đổi tại hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045 hôm 10.4

ẢNH: THÚY HẰNG

Giáo viên mầm non ngoài công lập 'nhảy việc' liên tục, nhiều người tâm tư

Lương của giáo viên mầm non công lập hiện được tính theo hệ số, ngạch bậc, thâm niên công tác, phụ cấp chức vụ (nếu có). Với một số tỉnh thành, địa phương có tính chất đặc thù, như ở TP.HCM, giáo viên mầm non công lập có thu nhập tăng thêm (còn được nhiều giáo viên gọi là tiền Nghị quyết 08).

Lương giáo viên mầm non ngoài công lập được trả theo hợp đồng lao động, thỏa thuận của giáo viên và chủ trường - chủ đầu tư cơ sở giáo dục mầm non đó.

Giáo viên mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục được hỗ trợ theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Tuy nhiên, tại nhiều hội nghị, Sở GD-ĐT TP.HCM đều đề xuất, về Nghị định 105/2020/NĐ-CP, cần điều chỉnh giảm tỷ lệ trẻ là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hưởng chính sách tại cơ sở giáo dục mầm non, hỗ trợ giáo viên mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục (từ 30% xuống 20%), để có thêm nhiều hơn nữa giáo viên mầm non ngoài công lập được hỗ trợ.

Cán bộ quản lý một phòng GD-ĐT tại TP.HCM cho biết có thực tế "nhảy việc" thường xuyên ở mầm non ngoài công lập. Có tình trạng đang làm việc ở nơi này, giáo viên mầm non thấy lương, chính sách phúc lợi, đãi ngộ của cơ sở khác tốt hơn thì ngay lập tức nghỉ việc, chuyển sang nơi làm việc mới. Nhiều chủ cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục tại TP.HCM cũng tâm tư trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chi phí thuê mặt bằng tăng cao, tuyển sinh chật vật, việc duy trì vận hành những cơ sở nhóm lớp độc lập tư thục, trường mầm non tư thục gặp rất nhiều khó khăn.

Tại TP.HCM tính đến hiện tại có 1.228 trường mầm non, trong đó là 530 trường mầm non ngoài công lập; toàn thành phố có 2.024 cơ sở mầm non độc lập.

Tăng cường quan tâm tới mầm non ngoài công lập

Theo dự thảo đề án "Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045" của Bộ GD-ĐT thì có 6 nhóm giải pháp được đề cập. Trong đó có nhiều giải pháp hướng tới phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có các nhóm lớp độc lập tư thục.

Như nhóm giải pháp đa dạng loại hình, mô hình giáo dục mầm non phù hợp đặc thù địa bàn đô thi, khu công nghiệp (trong đó, ở loại hình ngoài công lập sẽ hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm trẻ độc lập tư thục, chính sách hỗ trợ tiếp nhận trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi); Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (trong đó có tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho giáo viên; hỗ trợ tài chính từ ngân sách địa phương cho giáo viên tư thục)... Đáng chú ý là nhóm giải pháp về đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, để khuyến khích doanh nghiệp đóng góp, xây dựng trường mầm non, khuyến khích nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non.

Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-vu-bao-hanh-o-nhom-lop-doc-lap-trach-nhiem-tinh-yeu-thuong-chua-du-185250415120738254.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu 'em bé yêu nước' lan tỏa khắp mạng xã hội trước thềm đại lễ 30/4
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Ký ức của người lính biệt động trong chiến thắng lịch sử
Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm