Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (giáo viên Mỹ thuật Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh, thành phố Vinh, Nghệ An) đã thực hiện một tác phẩm đặc biệt ngay trên bảng xanh lớp học. Bức tranh được vẽ bằng phấn màu, được thầy Hạnh hoàn thành sau 2 buổi như một lời tri ân tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc.
![]() |
Thầy Hạnh bên tác phẩm của mình |
Tác phẩm tái hiện sinh động thời khắc lịch sử hào hùng ngày 30/4/1975. Hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, phía sau là đoàn quân giải phóng tiến vào với tinh thần quyết thắng. Trên nóc Dinh Độc Lập, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay kiêu hãnh, tượng trưng cho khát vọng hòa bình và độc lập.
Dưới bức tranh là dòng chữ nổi bật: "Bắc - Nam một nhà, 30/4/1975-30/4/2025". Đây không chỉ là thông điệp nhắc nhở về một cột mốc vĩ đại trong lịch sử dân tộc, mà còn là lời khẳng định thiêng liêng về sự toàn vẹn lãnh thổ, niềm tự hào dân tộc.
![]() |
Bức tranh tái hiện sinh động khoảnh khắc lịch sử cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. |
“Quá trình từ lên ý tưởng cho đến khi bắt tay vào vẽ tác phẩm, tôi đã tìm hiểu rất nhiều tài liệu, sách báo, thậm chí hỏi cả các giáo viên dạy Lịch sử để có thể hiểu rõ hơn và xây dựng bối cảnh, hình ảnh cho tác phẩm. Tôi bắt tay vào vẽ từ ngày 10/4 và hoàn thiện bức tranh sau 2 buổi. Tôi muốn góp tiếng lòng vào ngày vui đại thắng, nhất là dấu mốc 50 năm, theo cách riêng của mình”, thầy Hạnh chia sẻ.
Tác phẩm được thầy Hạnh vẽ tại phòng chức năng của trường, ngoài giờ lên lớp. Quá trình vẽ tranh, phần khó nhất là ở chiếc xe tăng, bởi rất nhiều chi tiết nhỏ. Ngoài ra, khó khăn cũng đến từ chất liệu phấn. “Cái khó của vẽ bằng phấn đó là nguyên liệu này không có sự lan màu. Vì thế, từ cách cầm phấn, sử dụng các nét vẽ đều phải có kỹ thuật riêng”, thầy Hạnh chia sẻ.
![]() |
Tác phẩm như một lời tri ân gửi tới các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc. |
Điều thầy Hạnh vui nhất là bức tranh sau hoàn thiện đã nhận được nhiều lời khen ngợi và sự thích thú từ học sinh. Theo thầy giáo, đây không chỉ là một bức tranh nghệ thuật, mà đó là một bài học lịch sử sống động, là thông điệp sâu sắc về sự hy sinh của biết bao thế hệ đi trước để giành lấy độc lập, hòa bình hôm nay.
![]() |
Bức tranh về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được vẽ bằng phấn trên bảng |
![]() |
Tác phẩm nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương do thầy Nguyễn Trí Hạnh vẽ trên bảng. |
![]() |
Thầy Hạnh đã từng vẽ khoảng 500 tác phẩm bằng phấn trên bảng. |
Ngoài bức tranh này, thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh từng vẽ khoảng 500 tác phẩm khác. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một lát cắt lịch sử hoặc một thông điệp về lòng yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn...
Nguồn: https://tienphong.vn/thay-giao-tai-hien-khoanh-khac-lich-su-tren-bang-den-dep-nhu-tranh-post1734434.tpo
Bình luận (0)