Sáng nay mở cổng ra đường. Gã hàng xóm thường ngày rất kín tiếng nhìn thấy mình nhoẻn cười, giơ tay chào. Mình cũng nhoẻn cười, giơ tay chào lại gã. Một niềm vui nho nhỏ, một mối thiện cảm chợt nhen nhóm trong lòng.
* * *
Mươi năm trước, mình đi chiếc xe máy cà tàng, nhãn hiệu Power của hãng SYM. Xe cũ, thấp bé, thuộc loại rẻ tiền, vậy mà vẫn kẽo kẹt hết năm này qua năm khác. Thỉnh thoảng xe giở chứng, lại đem ra cho anh thợ sửa xe ở đường Bacu, nơi đặt đại lý của hãng.
Ít thấy anh thợ sửa xe nào dễ chịu như anh này. Hiền lành, dong dỏng cao. Vui vẻ, cặm cụi với công việc. Vá ruột xe, thay nhớt, còn sửa miễn phí thêm cái bu-gi, căn chỉnh lại dây sên, cảnh báo bình điện sắp cạn. Mình bảo: “Cạn rồi thay cho bình mới đi”. Anh cười hiền: “Vội gì, bình này sử dụng lần đầu, khi nào hết sạc lại, còn tốt chán”.
Những lần đến sửa xe là những lần mình tranh thủ thư giãn. Ngồi trên chiếc ghế nhựa nhẵn bóng vết dầu mỡ, bỏ mũ bảo hiểm trên đầu, mở cúc áo ngực, đón cơn gió biển từ Bãi Trước thổi tới mát rượi cả chân tóc, ngắm người qua lại trên phố. Ngắm anh thợ nhoay nhoáy mở cái này, xiết cái nọ… Tài nhất là những con ốc tháo ra, to nhỏ dài ngắn các loại, bỏ đầy trong cái khay sắt, rồi khi lắp vào lại ốc nào chỗ nấy, vừa hết, chẳng thừa chẳng thiếu con nào. Đến lúc xong việc, mình trả tiền, anh bẽn lẽn chìa cả hai tay ra nhận, cảm ơn cảm huệ, cứ như tiền được cho chứ không phải tiền trả công.
Mình kể chuyện anh thợ cho một vài người bạn nghe. Vẫn chưa biết tên anh. Chưa kịp hỏi tên anh.
* * *
Hãng SYM bỏ đại lý ở Vũng Tàu từ lúc nào mình không biết. Một lần đem xe ra Bacu để sửa, ngơ ngác hỏi thăm mấy người chung quanh xem anh thợ sửa xe giờ chuyển đâu? Có người nói, hình như anh ấy về mở tiệm riêng ở đường Phạm Hồng Thái.
Những lần qua Phạm Hồng Thái, chạy xe thật chậm, nhìn kĩ cả hai bên đường nhưng không thấy bóng dáng anh thợ quen.
Chiếc Power kẽo kẹt hơn chục năm, rồi cũng đến lúc phải thay xe mới.
Mình lại đến sửa xe ở chỗ khác. Lâu lâu mang xe đến “bảo dưỡng”, thay nhớt, xiết lại mấy con ốc. Thợ còn khá trẻ, và xem ra cũng giỏi nghề.
- Chú mở tiệm ở đây lâu chưa?-Mình hỏi.
- Dạ. Cũng hơn 2 năm rồi chú.
- Nhà ở đây luôn, hay phải thuê?
- Không ạ. Chỗ này con thuê. Nhà con ở đường Phạm Hồng Thái.
Nghe tên đường, mình hỏi luôn:
- Ơ, vậy có biết tay thợ nào cũng ở Phạm Hồng Thái, một dạo làm cho hãng SYM ở Bacu không?
- Có phải ảnh hiền lành, dong dỏng cao?
- Đúng đó.
- Trời! Ảnh là thầy dạy nghề của con. Ảnh mất rồi chú. Mớ đồ này ảnh để lại cho con.
Mình nhìn chiếc khay nhem nhuốc dầu mỡ đựng đầy những con ốc, giật mình. Đúng là chiếc khay đựng đồ của anh thợ ở Bacu hồi nào.
Thẫn thờ giây lát, lại hỏi:
- Sao bao nhiêu lần tớ chạy xe qua đó, để ý tìm tiệm của ảnh mà không thấy?
Thợ trẻ cười:
- Chú qua đường, thấy sao được? Ảnh không có tiền thuê nhà mặt phố, mở tiệm ngay nhà mình. Trong hẻm sâu.
* * *
Nhoẻn cười, giơ tay chào.
Với gã hàng xóm. Với anh thợ thường sửa xe cho bạn. Với cô lễ tân mỗi khi bạn rời khách sạn mà chưa hẹn lần quay lại. Và có thể, với một người qua đường bất kỳ nào đó, khi hai ánh mắt chạm nhau…
Thật dễ, phải không?
Vậy thì làm đi.
TRẦN ĐỨC TIẾN
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202505/nhoen-cuoi-gio-tay-chao-1043359/
Bình luận (0)