Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Như có Bác trong ngày đại thắng' hay 'Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng'?

Không ít người vẫn nhầm lẫn tên bài hát bất hủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

VTC NewsVTC News01/05/2025

Sáng 1/5/1975, ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang lên trên làn sóng Đài Phát thanh giải phóng đến khắp mọi miền Tổ quốc. Giai điệu ấy như tiếng reo vui của cả dân tộc, mang theo niềm xúc động nghẹn ngào và tự hào sâu thẳm nhân ngày non sông thu về một mối.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm hàng trăm tác phẩm, nhưng Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn mãi là khúc ca bất hủ, là tiếng reo vui của dân tộc trong ngày đoàn tụ.

Ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên có tên "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên có tên "Như có Bác trong ngày đại thắng".

Tuy nhiên, có điều thú vị là trong nhiều năm qua, không ít người vẫn nhầm lẫn tên bài hát với câu hát đầu tiên quen thuộc: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Thực tế, đây chỉ là lời mở đầu của bài hát, được lặp đi lặp lại như một điệp khúc khắc sâu trong tâm trí người nghe.

Tên chính thức của ca khúc là Như có Bác trong ngày đại thắng, được nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt và công bố trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng ngày 30/4/1975.

Ca khúc Như có Bác trong ngày đại thắng chỉ vỏn vẹn chưa đến 60 từ cả nhan đề lẫn lời ca, với giai điệu giản dị, gần gũi, lời ngắn gọn mà súc tích. Chính vì tính cô đọng ấy khiến tên bài hát thường bị đồng nhất với câu hát mở đầu giàu cảm xúc.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy khó chịu về sự nhầm lẫn phổ biến này. Đối với ông, điều quan trọng hơn tên gọi chính xác là lòng trân trọng, tình cảm mà công chúng dành cho bài hát. Chỉ cần mỗi giai điệu, lời ca và cảm xúc của bài hát còn ngân vang trong lòng mỗi người Việt Nam, đó đã là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ.

Câu chuyện về sự ra đời của Như có Bác trong ngày đại thắng cũng kỳ diệu không kém sức sống của nó. Ít ai ngờ, ca khúc không được viết vào đúng ngày 30/4, mà đã được thai nghén và hoàn thành chỉ trong một khoảnh khắc linh cảm mãnh liệt vào đêm 28/4/1975.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên, khi đó đang là Trưởng Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), kể lại: "Đêm 28/4/1975, khi nghe bản tin thời sự loan báo một phi công quân đội Sài Gòn (Nguyễn Thành Trung) đã ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất, niềm xúc động dâng trào với linh cảm là chẳng còn bao lâu nữa thôi thì Sài Gòn và cả miền Nam sẽ được giải phóng!".

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên.

Chính dự cảm mạnh mẽ về ngày toàn thắng đang đến rất gần đã thôi thúc nhạc sĩ sáng tác. Dù đang phác thảo một bản hợp xướng đồ sộ theo nhiệm vụ được giao, ông quyết định dừng lại, bởi nghĩ rằng ngày giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường hò reo chứ không ai ở nhà nghe hợp xướng cả.

Đêm ngày 28/4/1975, từ khoảng 21h30 đến 23h, chỉ trong chưa đầy hai tiếng đồng hồ, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong cả giai điệu và lời ca của bài hát mà không phải sửa một chữ nào. Vợ ông kể lại khoảnh khắc đặc biệt đó: trong căn nhà chật chội, ông phải ra đứng đầu cầu thang, nơi có ánh đèn chiếu sáng, tay cầm mẩu giấy và bút chì để không làm ảnh hưởng giấc ngủ của vợ con.

Nhạc sĩ chia sẻ, bài hát ra đời "như tiếng reo vui", một khúc hát rất ngắn. "Khi viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy như mình trả được "món nợ tinh thần" mà tôi trăn trở suốt cả tháng ròng".

Ông cảm giác lạ lùng rằng "bài hát như có sẵn rồi, không phải tôi thì cũng sẽ là một nhạc sĩ khác viết ra nó". Ông tin rằng, ca khúc được sinh ra không chỉ từ khoảnh khắc linh cảm ấy mà còn "cộng với cả cuộc đời" - cả cuộc đời gắn bó, khổ đau và hy vọng cùng nhân dân, đất nước.

Đến trưa 30/4, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhạc sĩ Phạm Tuyên mang ca khúc đến gặp Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm tại cầu thang cơ quan. Họ vừa gặp nhau, ông đã cất tiếng hát. Bài ca khiến ông Lâm xúc động và lập tức cho phát trong bản tin thời sự đặc biệt chiều cùng ngày.

Ca khúc nhanh chóng trở thành tiếng reo mừng vang dội cả đất nước. Trong ngày 30/4 lịch sử, bài hát được phát tới hơn 40 lần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, sau mỗi bản tin chiến thắng. Sáng 1/5, ca khúc tiếp tục được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, cùng với “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, sức sống của ca khúc vượt ngoài sức tưởng tượng của ông. Giai điệu ấy không chỉ vang lên trong những dịp lễ lớn ở Việt Nam, mà còn lan tỏa tới nhiều quốc gia như Nhật Bản, Nga, Đức, Cuba, Trung Quốc…

Như có Bác trong ngày đại thắng không chỉ là ca khúc lịch sử mà còn là một phần "báu vật" được nhạc sĩ Phạm Tuyên gìn giữ cẩn thận. Hàng trăm ca khúc trong gia tài đồ sộ của ông được lưu lại trong một cuốn sách chép tay do chính ông biên soạn. Đây là kỷ vật vô giá. Mỗi bản nhạc đều được ông chú thích cẩn thận, bổ sung thông tin theo từng năm, thậm chí có trang còn vẽ minh họa hình hoa phượng, cột đèn giao thông... theo tiêu đề bài hát. Mục lục sách cũng do ông tự tay viết.

Đặc biệt, tại trang chép bài Như có Bác trong ngày đại thắng, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã trân trọng đóng khung dòng chữ ghi lại một dấu mốc quan trọng: "Huân chương Lao động 3 do Hội đồng Nhà nước tặng ngày 30/4/1985".

Chi tiết này cho thấy bài hát không chỉ có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân mà còn được Nhà nước ghi nhận bằng một huân chương cao quý, đúng 10 năm sau ngày nó vang lên đầu tiên trên sóng Đài.

Từ khi ra đời, Như có Bác trong ngày đại thắng được coi như biểu tượng của khúc khải hoàn ca vinh danh chiến thắng, là bài hát của ngày chiến thắng, đồng thời cũng là lời tri ân sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Phạm Tuyên xem đây là "một phần thưởng lớn nhất" và "kỷ niệm khó quên nhất" trong cuộc đời sáng tác của mình.

Sự ra đời và sức sống của bài hát gặp được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như tác giả của nó từng nhận định. Như có Bác trong ngày đại thắng vẫn mãi là một trong những bản hùng ca bất hủ, là niềm tự hào của âm nhạc cách mạng và sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Lê Chi

Nguồn: https://vtcnews.vn/nhu-co-bac-trong-ngay-dai-thang-hay-nhu-co-bac-ho-trong-ngay-vui-dai-thang-ar940253.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trời đất giao hoà, vui cùng non sông
Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm